Những bình diện cần lưu ý khi rèn kỹ năng cảm thụ văn học trong thế đối sánh

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong văn học tuy cùng viết bằng một thể loại, cùng chung một đề tài, vào cùng một thời điểm… nhưng mỗi tác phẩm nghệ thuật đich thực đều là một sáng tạo độc đáo, so sánh sẽ làm nổi bật lên vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo ấy của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó mới có thể nhận xét, đánh giá được những đóng góp riêng của mỗi nhà văn, mỗi hiện tượng văn học.

Cảm thụ văn học trong thế đối sánh không phải là kiểu bài so sánh đơn thuần. Nó bao gồm cả hai yêu cầu cảm thụ trong thế đối sánh và đối sánh là để cảm thụ.

Đối sánh không nhằm chỉ ra sự hơn - kém mà nhằm thấy được sự giống- khác, nét riêng biệt, cái hay cái đẹp, sự mới lạ của từng đối tượng cảm nhận.

Đưa ra những quan điểm trên, cô Lê Thị Biên – Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) – chia sẻ những bình diện cần lưu ý khi so sánh tác phẩm thơ và văn xuôi.

Những bình diện cần lưu ý khi so sánh tác phẩm thơ

Về nội dung:

Cần thiết bởi lẽ thơ ca là sự thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc, suy tưởng của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống, mang tính chủ quan, sâu kín, đồng thời có tính phổ quát.

Đối tượng trữ tình: đối tượng được chủ thể trưc tình bày tỏ tình cảm, cảm xúc, suy tưởng.

Cảm xúc trữ tình: định danh – gọi tên chính xác tình cảm, cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ, bài thơ cần so sánh. Sau đó triển khai và làm sáng tỏ biểu hiện các cung bậc, sắc thái khác nhau của cảm xúc chủ đạo.

Chủ thể trữ tình: Tác giả trực tiếp thể hiện (xưng tôi). Tác dụng trong cách thể hiện này: tính chân thực, chủ quan, mang tính cá nhân sâu sắc, có trải nghiệm và gắn với kinh nghiệm, đời tư của người viết. Thông qua một chủ thể trữ tình khác (tác giả giấu mình): tính khách quan, khái quát cho nhiều đối tượng -> sự phân chia mang tính tương đối.

Về hình thức:

Thể loại: mỗi một thể thơ có ưu điểm riêng trong thể hiện, việc lựa chọn thể loại cho phù hợp nội dung là rất quan trọng. Việc cần thiết của người so sánh là cần chỉ ra sự ăn khớp giữa sự lựa chọn thể thơ của tác giả phù hợp với nội dung.

Tứ thơ: việc sắp xếp, tổ chức, cấu tứ các câu thơ, đoạn thơ, hình tương tạo nên nét độc đáo cho bài thơ.

Hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu: cách sử dụng từ ngữ (tìm thấy mối liên hệ giữa các từ, hình ảnh trong bài – thể hiện trường ý nghĩa chung của cả bài thơ, đoạn thơ), các biện pháp tu từ đặc sắc,…

Những bình diện cần lưu ý khi so sánh tác phẩm văn xuôi

Về nội dung:

Hiện thực phản ánh: xã hội và con người thông qua hệ thống biến cố, sự kiện.

Tư tưởng, chủ đề mà nhà văn muốn thể hiện thông qua việc phản ánh bức tranh hiện thực đó.

Về hình thức:

Truyện ngắn, tiểu thuyết: Điểm nhìn trần thuật và cách trần thuật; tình huống (nhận thức, tâm trạng, hành động); cốt truyện (đậm hay nhạt, trật tự, diễn biến); nhân vật (tư tưởng hay hành động, cách xây dựng ra sao?); ngôn ngữ, giọng điệu.

Tùy bút, bút kí: Nhân vật, chủ thể của tùy bút: cái Tôi biểu hiện ra sao? Chú ý vốn văn hóa sử dụng, ngôn ngữ, hình ảnh; cách viết, tổ chức lời văn.

Kịch: Mâu thuẫn, xung đột kịch; nhân vật; lời thoại.

Như vậy, với các đối tượng so sánh khác nhau, học sinh nên lưu ý những bình diện tương ứng để hệ thống ý được triển khai thoả đáng và đầy đủ. Tuy nhiên ở mỗi bình diện lại có những cấp độ và yêu cầu khác nhau.

Dù ở cấp độ nào, so sánh trong văn nghị luận cũng phải đảm bảo một số yêu cầu cụ thể như sau:

So sánh hai sự vật hiện tượng bao giờ cũng nhằm mục đích chỉ ra sự tương đồng và khác biệt. Nhưng nếu trong cuộc sống, tương đồng và khác biệt là khách quan, tương đương thì trong văn học chỉ ra nét tương đồng bao giờ cũng là điểm thứ yếu và tương đối dễ dàng.

So sánh để làm nổi bật nét riêng biệt mới là mục đích chủ yếu, cũng là mục tiêu khó khăn của so sánh văn học. Nét riêng dù nhỏ bé nhưng luôn là mục tiêu chính yếu làm nên đặc trưng của một sáng tạo văn học.

Phân biệt chủ - khách: So sánh để cảm thụ cái hay của một tác phẩm văn học bao giờ cũng đòi hỏi người viết ý thức và phân biệt rõ chủ khách, chính phụ.

Tất cả các đối tượng được nêu ra nhằm mục đích đối sánh phải giống như là đòn bẩy, làm tôn lên cái hay, nét riêng biệt của đối tượng cần cảm thụ.

Nếu không ý thức được điều đó mà sa đà vào phân tích cảm thụ quá sâu đối tượng nêu ra để đối sánh thì bài viết sẽ bị lạc ý. Ví dụ: Phân tích bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể so sánh với những câu thơ viết về thú nhàn của Nguyễn Trãi, nhưng tránh cảm thụ quá sâu quá kỹ, lấn át đối tượng chính.

So sánh phải trên cùng một tiêu chí, bình diện (đảm bảo tính logic, khách quan), tránh khập khiễng, thiếu sức thuyết phục.

So sánh phải đi đôi với phân tích và nhận xét đánh giá. Phân tích để cụ thể hóa, nhìn ra sức thuyết phục của đối tượng. Nhận xét đánh giá để so sánh có giá trị nhận thức sâu sắc: giống và khác, hơn và kém, cũ và mới, bình thường và độc đáo, truyền thống và cách tân, cổ điển và hiện đại, kế thừa và phát triển.

Việc giải quyết các đề văn so sánh cụ thể phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động, kinh nghiệm đã tích luỹ, khả năng tư duy và năng lực văn chương của cá nhân mỗi người viết. Văn chương là lãnh địa của sự sáng tạo, là vương quốc của sự độc đáo, đối với học sinh giỏi, điều đó càng cần thiết.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top