Vượt khói đạn “gùi chữ” vào chiến trường

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dù gian khổ, nhưng với ông, những ngày ấy luôn là khoảng thời gian đẹp nhất, tự hào nhất trong cuộc đời.

Gùi sách vào chiến trường

Thầy Đỗ Sương vốn là người miền Nam, học hết lớp 4, thầy theo cha tập kết ra Bắc. Thời điểm ấy, thầy tiếp tục học tập để nuôi ước mơ vào trường Đại học Bách khoa. Năm 1962, vừa kết thúc cấp III, chuẩn bị vào đại học, nhận được lời kêu gọi của Ban Thống nhất Trung ương “học sinh miền Nam nên học sư phạm để tăng cường cán bộ giáo dục cho miền Nam”, thầy liền chuyển hướng, theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

“Lúc đó tinh thần học tập hăng say lắm. Tôi luôn cố gắng học thật tốt để được vào chiến trường. Bởi vậy, khi lá đơn được duyệt, biết phía trước là bom đạn, có thể có ngày đi, không có ngày trở về, tôi vẫn hạnh phúc lắm. Sau 30 ngày tập mang, vác ba lô, cắt xén bớt các mặt sách không có chữ để đỡ nặng, tháng 12/1965, tôi cùng với 600 đồng đội lên đường Nam tiến” - thầy Sương nhớ lại.

Ròng rã suốt 3 tháng trời, thầy Sương cùng đồng đội vượt Trường Sơn, trên lưng là gùi hành trang, trong đó có 10kg sách bổ túc văn hóa cấp I mang theo vào chiến trường. Cùng với súng đạn, lúc ấy, sách cũng là vũ khí chiến đấu. Sách kê đầu võng, sách trĩu trên lưng. Có lần, đi qua khu vực đầm lầy, cả thân ngập trong bùn nhưng ai nấy đều cố gắng giữ cho ba lô không ướt, nâng niu, giữ gìn hơn mạng sống của mình.

Tháng 2/1966, theo sự phân công, thầy Sương đến H16, Kon Tum. “Tôi được một đồng chí người địa phương dẫn vào khu căn cứ. Giữa cảnh rừng núi hoang vu, với những khó khăn bủa vây nhưng khí thế lại hừng hực. Trong đầu liền hình dung ra từng bước để vận động, tổ chức lớp học ngay tức khắc” - thầy Sương nhớ lại.

Vừa dạy học vừa tránh bom

Không biết tiếng của các dân tộc tại chỗ, khó càng chồng khó. Để hoàn thành nhiệm vụ, ban ngày, thầy vừa cùng bà con sản xuất, vừa vận động học chữ. Đêm lại, thầy đốt đuốc xà nu, cùng với các già làng vào từng nhà vận động, kêu gọi người dân đi học. Theo phương châm vận động được người nào hay người nấy, có bao nhiêu dạy bấy nhiêu, lớp học đầu tiên được mở chỉ có… 3 học trò.

Lớp học trong rừng với mái lá, vách le, những tấm ván gỗ được treo lên làm bảng, lấy than củi làm phấn. Trong đêm tối, giấy kê trên đầu gối, mỗi người đốt 1 ngọn đuốc xà nu nhỏ, chỉ đủ le lói sáng, vừa học viết, vừa học đọc. Vừa dạy, thầy Sương phải vừa học tiếng địa phương, động viên, khích lệ. Có những chữ, những bài, thầy phải kiên nhẫn dạy đi, dạy lại để bà con nắm và nhớ trong đầu. Khó khăn nhưng tinh thần học của bà con rất cao, đó cũng là động lực để thầy tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Những lúc hết giấy bút, sách vở, cơ quan phải gửi mua dưới vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam rồi bí mật đem lên. Khi buổi học kết thúc, sách vở lại được mang cất kỹ lưỡng.


Thầy Sương ôn lại những kỉ niệm đầy tự hào. Ảnh: H.T

Không một ngày nghỉ, không kể nắng mưa, bất chấp bom đạn, đau ốm, hết làng này đến làng khác, dù lớp chỉ được 3-4 người, thầy Đỗ Sương vẫn kiên trì với nhiệm vụ. “Có lần đang dạy ở nhà rông, địch bắn pháo, thả bom, ai nấy vội vàng chạy. Mới về làng, không quen đường xá, tôi lạc giữa rừng. May mắn, ngày hôm sau được anh em trong cơ quan tìm thấy” - thầy Sương nhớ lại những kỉ niệm không thể nào quên.

Phong trào đến đâu, lớp mở đến đó

Năm 1969, thầy Sương được chuyển về H30-H40. Lúc này việc học đã thuận lợi hơn. Thầy lại tiếp tục tham gia dựng trường, dựng lớp, làm nhà ở… rồi chiêu sinh được 40 học trò, chia làm 2 lớp.

Phong trào phát triển đến đâu, thầy Sương dạy học đến đó. “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 kết thúc với Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972), huyện Đăk Tô được giải phóng, thầy Sương trở về huyện Đăk Tô xây dựng trường để đào tạo giáo viên tiểu học. Thời điểm này, nhiều giáo viên cấp II tại miền Bắc được đưa vào để cùng thầy làm nhiệm vụ. Việc chiêu sinh dễ dàng hơn, tuy nhiên việc dạy cũng không ít khó khăn. Với sự nỗ lực của các thầy cô, 2 lớp học với 60 học sinh cũng hoàn thành chương trình tiểu học.

Ngày 16/3/1975, Kon Tum giải phóng. Chung với niềm vui giải phóng, thầy càng vui hơn khi trong đội ngũ, lực lượng tiếp quản, có thế hệ học trò của mình. Lúc ấy, thầy lại tiếp tục với nhiệm vụ bổ túc văn hóa. Mỗi giai đoạn một nhiệm vụ, với nhiệm vụ nào, thầy cũng sẵn sàng và tinh thần vẫn quyết tâm như lần đầu bước vào chiến trường.

Ngày 31/12/1975, Trường Trung học Sư phạm Gia Lai - Kon Tum được thành lập, thầy Sương được cử đi học quản lý. Sau khi học xong, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Gia Lai - Kon Tum. Giai đoạn này, thầy xác định nhiệm vụ cấp bách: Đào tạo giáo viên cấp I để xóa bản trắng về giáo dục và xóa mù chữ; thầy đã đề xuất cải tiến chương trình với một tỉnh miền núi, địa bàn phức tạp, kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thầy tập trung chiêu sinh nhiều lớp dào tạo riêng cho con em đồng bào DTTS; xây dựng lại chương trình, rút ngắn một phần cho phù hợp với đối tượng và tình hình địa phương; đào tạo theo kiểu cuốn chiếu để đảm bảo đội ngũ giáo viên đang thiếu. Chương trình cải tiến đã đem lại hiệu quả thiết thực, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí đào tạo, đáp ứng được đội ngũ giáo viên cấp I cho tỉnh nhà.

Và sau này, thầy Đỗ Sương tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cấp trường lên thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, trở thành nôi đào tạo giáo viên cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

Dù nay mắt đã mờ, chân tay đã yếu nhưng những ngày ăn măng le, chuối nước, uống nước suối, vượt Trường Sơn “gùi chữ” vào chiến trường luôn là khoảng thời gian đẹp nhất, tự hào nhất trong cuộc đời của thầy Đỗ Sương.

Theo baokontum.com.vn
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top