Ứng dụng CNTT: Tăng tính tự chủ, công khai trong hoạt động giáo dục

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, các trường học trên địa bàn đã triển khai hiệu quả công nghệ gắn với dạy – học. Các ứng dụng khai thác Hệ thống Quản lý thông tin trường học (SMAS, VNEdu); xây dựng cơ sở dữ liệu ngành (PMIS)… đã góp phần nâng chất dạy học ở các trường.

Nâng cao hiệu quả điều hành

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, hoạt động quản lý, điều hành nhà trường rất quan trọng để nâng cao chất lượng GD. Các hoạt động liên quan đã được thực hiện qua hệ thống tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của các huyện và của Sở GD&ĐT.

Ở cấp cơ sở, 10/10 phòng GD&ĐT và 100% cơ sở giáo dục có website, có kênh điều hành riêng để triển khai công tác hành chính. Đặc biệt 100% trường học trong tỉnh đã triển khai các ứng dụng quản lý giáo dục; tin học hóa quản lý trường học theo hướng ứng dụng các công cụ trực tuyến, quản lý của cơ quan chủ quản (quản lý giáo viên, học sinh, thi, xếp thời khóa biểu...).

Hiệu quả điều hành, quản lý với sự trợ giúp của CNTT đã thể hiện rõ. Các nhà trường có thể xem và gửi báo cáo bằng văn bản, hình ảnh đến trung tâm điều hành GD-ĐT các cấp. Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng của trung tâm điều hành sẽ tổng hợp, so sánh, phân tích, dự báo về tình hình học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ giáo viên/học sinh, tỷ lệ học sinh/lớp học, chất lượng giảng dạy… Từ đó, nhà quản lý nắm được toàn bộ thông tin để kịp thời đưa ra quyết định, điều hành sát với tình hình thực tế.

Để đáp ứng yêu cầu này, trung tâm điều hành GD-ĐT tỉnh được giao đảm nhiệm việc số hóa và làm sạch dữ liệu hiện có (tổng hợp, chuẩn hóa, chuyển đổi và đồng bộ dữ liệu ngành) với hệ thống phần mềm điều hành, hệ thống báo cáo, chỉ đạo điều hành, tiện ích cho người dùng cuối và đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Sở GD&ĐT sẽ tập trung triển khai mô hình trường học thông minh để đáp ứng yêu cầu quản lý, giảng dạy, học tập theo quy chuẩn hiện đại với 6 tiêu chí: Hạ tầng CNTT; phòng học thông minh; ứng dụng CNTT; đào tạo trực tuyến; hệ thống kho học liệu số, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

Góp phần nâng chất dạy – học


Tiết học tương tác với công nghệ mới tại Trường THCS Hải Lý, Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Bạch Ngọc Dư

Đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng CNTT vào hoạt động điều hành, quản lý nhà trường, nhà giáo Vũ Thế Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu còn đặc biệt tâm đắc với việc CNTT góp phần quản lý đội ngũ và nâng cao chất lượng dạy học.


Với giáo viên, CNTT giúp họ tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ (kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm). GV cũng thuận lợi hơn khi sử dụng kho dữ liệu “Ngân hàng câu hỏi” các môn học của các cấp học từ mầm non tới lớp 12. Việc quản lý thông tin học sinh, theo dõi điểm số, chất lượng học tập, trao đổi giáo viên - giáo viên, giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh cũng vô cùng thuận tiện, lại tiết kiệm được thời gian cho GV.

Thầy Bùi Thái Học, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: Học sinh đã và đang tham gia hết sức tích cực các chương trình luyện thi, kiểm tra đánh giá năng lực; tìm kiếm tài liệu và trao đổi thông tin với các thầy cô giáo, nhà quản lý.

Phụ huynh thuận lợi hơn khi nắm bắt các thông tin về học tập của học sinh. Thông qua mạng xã hội, GV chủ nhiệm cũng hiểu tâm tư của học sinh và sớm phối hợp cùng gia đình có những điều chỉnh hợp lý. Thực tế cho thấy, việc thông báo 2 chiều trong ngành Giáo dục (đóng góp ý kiến, kiến nghị, đề xuất và trao đổi với nhà trường) là kênh thông tin quan trọng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy – học, mà còn là tăng tính tự chủ, tính công khai minh bạch trong hoạt động GD.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy – học đã và đang thay đổi diện mạo mới ở các nhà trường tại Nam Định. Hiện tại, nhiều trường thực hiện tốt hoạt động điều hành quản lý, dạy - học trên nền tảng ứng dụng CNTT với những phần mềm tiên tiến như quản lý lớp học Faronics Insight, Activlnspire, Top Hat (tạo nên các bài giảng có tính tương tác cao), Schoology, classdojo (kết nối học sinh, phụ huynh và các giáo viên), Plicker (kiểm tra trắc nghiệm, phân loại kiến thức học sinh).

Giáo viên đã thường xuyên áp dụng bài giảng E-Learning, ứng dụng các phần mềm mô phỏng, bài thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Học sinh được tiếp cận với việc học trong môi trường trực tuyến, có CNTT hỗ trợ, tương tác đã thúc đẩy tư duy sáng tạo, kích thích nhu cầu rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm.

Trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh, UBND tỉnh Nam Định đã chọn giáo dục là một trong những ngành mũi nhọn được quan tâm hỗ trợ ứng dụng CNTT. Dự án “Xây dựng trung tâm điều hành GD-ĐT” có tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng được triển khai đồng bộ. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GD đã và đang góp phần tích cực để Nam Định xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Hà An
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top