Tình bạn ba người

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thụy đã từng nói với Xa rằng: “Trên đời thật ra có nhiều chuyện rất vô lý! Tao đỗ, mày trượt là một ví dụ!...”
Mà vô lý thật! Xa là lớp trưởng, hiền lành, chăm chỉ lại cẩn thận; bài vở lúc nào cũng chỉn chu ngăn nắp, năm nào không nhất cũng nhì lớp; thầy chủ nhiệm hy vọng nhiều nên cứ nhắc nhở luôn: “Cố mà lên thẳng, không lại mất công thi lần nữa thì mệt người...”
Còn Thuỵ, chẳng dốt nát gì nhưng a-ma-tơ đã quen. Lúc thích thì học như điên, không thì trời sập cũng mặc!... Xa suốt ngày phải “đi theo” hết doạ dẫm, khuyên can lại năn nỉ Thuỵ học vì “sắp thi đến nơi rồi!”. Hôm xem kết quả thi tốt nghiệp, Thuỵ vỗ vai Xa: “...Thiếu mất nửa điểm phí quá Xa ạ! Thôi không sao! Không được lên thẳng thì mày “làm” ba cái thủ khoa cũng được...”
Thế mà Xa trượt! Trượt cả ba trường, toàn thiếu có tí tẹo, Xa úp mặt vào giữa hai tay, lặng lẽ khóc...
Còn Thuỵ thì đỗ!... Đỗ cứ như đi chơi!... Hôm ấy đi thi trời mưa lất phất; phòng thi ở trên tầng hai nhìn ra một cánh đồng. Thuỵ ngó ra ngoài cửa sổ nhìn mấy con trâu đầy bùn mắt đen to ươn ướt, bất chợt lại “liên tưởng” đến anh “giám thị hai” có đôi kính dầy cộp – chắc là sinh viên đi trông thi... – thế là cười, cười lục khục trong cổ. Thằng thí sinh ngồi cạnh người Sơn La – Thuỵ biết thế vì liếc thấy phần “kê khai lý lịch” trong bài thi của nó – tự nhiên lại làu nhàu: “Mày cười cái gì thế? Chưa nhìn thấy trâu bao giờ à?”... Thuỵ vặc lại: “Ờ đấy! Còn nhà mày chắc toàn trâu?”... Tưởng nó cáu, ai dè trông hiền hẳn, gãi gãi đầu: “ờ... nhà tao nhiều trâu lắm... bố tao mới bán bớt một con cho tao đi thi...”. Rồi nó lẩm bẩm, chả ra nói một mình cũng chả ra nói với Thuỵ...: “Khỉ thật! Cái môn tiếng Anh này tao học như khỉ”. Rồi nó nhìn Thuỵ: “Mày học được không?”... Thuỵ gật, rồi lại lắc: “... nhưng tao học Toán ẹ lắm”... Mắt “người Sơn La” sáng lên: “Tao học được. Cho mày chép thoải mái, nhắc cho tao Anh với...”. Thuỵ lại gật, rồi phì cười nghĩ giá mà anh “mắt trâu” nghe thấy cái “giao kèo” này nhỉ?... Chẳng hiểu sao Thuỵ bỗng thấy mên mến và tin tin thằng bạn vừa gặp này, hai đứa có cái gì đó hơi lạc lõng trong cái phòng thi đầy những đứa đang dè chừng nhau, “bọn nông thôn” phấp phỏng lo “bọn thành phố” học lắm “lò”, lắm thầy... “bọn thành phố” thì thầm ghen tị với “bọn nông thôn” được cộng điểm ưu tiên... Chả trách mà chúng nó “dém” bài ghê lắm, có nhắc thì rặt “nhắc đểu”... “quy luật sinh tồn” mà...
Thuỵ học hết năm thứ nhất thì Xa lại tất tả đi thi lần hai... đầu cứ nóng hâm hấp sốt vì lo lắng. Cả năm nhốt mình trong nhà học như điên mà đang làm bài lại ngân ngấn nước mắt vì căng thẳng... “Thằng Sơn La” – bây giờ là thằng Hưng – vừa ngồi gặm mì gói Thuỵ mang cho, vừa lắc đầu cám cảnh: “Khổ thân đứa bạn mày, giá mà nó được cộng điểm như tao thì có phải là “ổn” rồi không?!”... Thuỵ chẳng nói gì nhưng nghĩ bùng Xa thừa sức đỗ cao chứ cần quái gì phải cộng điểm... Tội nghiệp Xa!
Lại trượt!
Đợi cho Xa ngồi khóc dầm dề chán chê, Thuỵ thở dài kéo tay Xa đứng dậy: “Cố lên! Nghe này... tao có một kế hoạch”.
Cái “kế hoạch” ấy bây giờ nghĩ lại vẫn còn le lưỡi vì thấy mình quá to gan, ngồi chỉ có hai đứa với nhau là Xa lại rên rỉ: “Tao lo lắm! Mà cả mày nữa đấy. Mẹ tao mà biết thì chắc chắn người đầu tiên mẹ tao treo lên cây cho quạ mổ sẽ là mày...!”...
Trong mắt mọi người thì Xa đỗ hẳn hoi! Chính tay Thuỵ đã làm tất cả từ phiếu báo điểm đến việc đến nhà “đón Xa đi nhập học”, mẹ Xa mừng lắm đem khoe với họ hàng, còn hàng xóm láng giềng cứ thấy Xa là lại tấm tắc: “Có thế chứ! Đêm nào cũng thấy mày chong đèn ngồi học tao thương lắm, đúng là trời không phụ người...”. Thuỵ chẳng hiểu sao mình lại làm vậy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cả nhà Xa yên tâm, mọi người thôi không xì xào bàn tán và Xa lấy lại bình tĩnh cặm cụi học thì Thuỵ không thấy mình sai, không sai!...
5.000 đồng là một buổi học thêm, ba môn là chín buổi một tuần, mỗi buỗi 1.000 đồng gửi xe... rồi tiền xăng, tiền... tiền... ! Bao nhiêu thứ tiền ùn ùn kéo tới, Xa không dám xin nhiều vì sợ mẹ đoán ra điều gì... mà cứ mỗi khi ăn cơm trưa xong dù muốn dù không cũng phải ra khỏi nhà, đi đâu cũng được, dù chỉ là một quán cafê loại rẻ tiền, gọi một cốc loại rẻ nhất và ngồi ôm quyển sách học lấy được bốn, năm tiếng đồng hồ – mặc cho ánh mắt khó chịu của bà chủ quán gầy gò cứ chốc chốc lại liếc ngang... Thuỵ không giúp được Xa trong việc này! Thuỵ cũng phải đi học... Mà Xa bây giờ thì cần tiền để học, cần một chỗ để học những lúc mà mẹ Xa nghĩ Xa đang “học ở trường”... học... học...
Cái cửa hàng lưu niệm bé tí nằm trong dãy phố cũng vắng vẻ ấy tuy chẳng mấy khách những ngày nào cũng bán được hàng, mà hàng thì ít đến độ ngày nào bán được dăm bảy món là mấy “cô chủ” lại tong tẩy “xách” nhau đi “nhập hàng”. “Nghe cứ như “tư bản trẻ” ấy nhỉ? Hẳn cửa hàng kinh doanh nhá... cơ mà chẳng phải đóng tiền nhà, cũng chẳng thuế má gì, không thì...đư...ứ...t...”. Lúc ngồi không có khách loay hoay giở tập bìa ra tập đóng hộp tết hoa Thuỵ lại cười rinh rích. Xa và Vũ cười theo, hí hửng cứ như trẻ con chơi đồ hàng ngày xưa vậy... Cái “cửa hàng” này là nhà của Vũ, ở ngay mặt đường mà bố mẹ thì đi vắng suốt chẳng mấy khi về nhà... vậy là giao phó cho cô con gái “muốn làm gì thì làm”. Vừa biết chuyện của Xa là Vũ lập tức bàn với Thuỵ, chẳng cần nghĩ ngợi lâu, cũng chẳng vốn liếng gì, chỉ cần vài cái tủ “của nhà giồng được”, mua ít gỗ và dây thừng về loay hoay đóng đóng dán dán, trong túi vỏn vẹn vài trăm ngàn... thế là cắp nhau sang hẳn Bát Tràng “mua tận gốc mới rẻ”... rồi nhặt nhạnh quá sinh nhật của ... bạn bè tặng đem ra bày... cái nào cũ quá thì phun sơn dán cỏ khô lung tung lên...! Thế mà cuối cùng cũng ra dáng cái cửa hàng, cũng bán được hàng, cũng có biển hiệu hẳn hoi... Mỗi ngày lại thấy “phát hiện” ra mối hàng, Thuỵ và Vũ cứ chạy đi chạy lại như con thoi, còn Xa ngồi trông hàng... dần dà cũng đủ tiền để mua hàng mới, quan trọng hơn là Xa đỡ được một phần tiền học và có chỗ “nương thân”... Mỗi ngày qua, lại thấy thương nhau hơn, cảm giác mình lớn thêm được một tí.
Thuỵ vẫn chẳng bỏ được cái thói lông bông, vẫn mải chơi như thế. Mà Minh thì không bảo được Thuỵ... mỗi lần cãi nhau chỉ cần Thuỵ cong môi lên hờn dỗi là coi như mọi việc đã ngã ngũ... phần thắng bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh... Thuỵ biết rất rõ điều đó trong những trò chơi mà thi thoảng khi vui miệng bọn bạn vẫn gọi đấy là tình yêu... Thuỵ chẳng biết có phải mình coi đó là trò chơi hay không, nhưng mỗi lần sọc tay vào chậu nước rửa bát đầu hoặc hay cặm cụi bên cái bếp than nóng ran mù khói ở nhà Phi, nhà Văn, nhà... thì Thuỵ không thấy là mình đang đùa, không thấy như thế... mặc dù kết thúc của tất cả những chuyện đó là những ngày rất chán và bế tắc... là những sự ra đi giống nhau, là chối bỏ và quên lãng... Lâu lắm rồi Thuỵ không gặp Phi, lâu lắm rồi Thuỵ mới sực nhớ ra ngày giỗ của bà Phi, và nghĩ bụng: “Không phải mọi sự kết thúc đều là chấm hết...”. Thuỵ mua cân hoa quả, xuống nhà Phi, thắp hương, chào hỏi mọi người và cả My nữa. My là bạn gái mới của Phi, nom hiền hiền và lặng lặng, chẳng nói năng gì. Thuỵ ăn cơm xong, chào cả nhà rồi đi về như khách, chợt thấy My ngồi cặm cụi cẫn mẫn bên chậu bát rất to, ống quần vo ngược lên, cái nón trắng nghiêng nghiêng hắt lên sáng dưới nắng... Thuỵ chợt nghĩ thầm trong bụng sao mà giống mình hai năm trước thế, Phi vẫn không bỏ được cái thói ấy, cái kiểu “tinh vi” của thằng con trai chưa trưởng thành đã gia trưởng, ngồi “mâm trên” uống bia rượu và nói những chuyện thời sự đâu đâu, Xa vẫn bảo là Phi ỉ lại vào bạn gái cứ như là vợ, chưa chinh phục đã nghĩ đến chuyện “thể hiện quyền lực” rồi, mà Thuỵ thì không thế được. Nhớ đến những lần Xa, Vũ và Thuỵ lần mò sang Bát Tràng, lạc đường rồi mưa lạnh, ba đứa con gái khệ nệ đeo đủ thứ lỉnh kỉnh chỉ sợ vỡ, ôm nhau đứng trú bên đường, vẽ ra viễn cảnh bao giờ Xa đi học đại học, bao giờ cửa hàng làm ăn phát đạt sẽ làm được bao nhiều việc, bao giờ bố mẹ Vũ lại thật yêu thương nhau, bao giờ...! Chợt thế những lần mình đội nắng xuống nhà Văn sao mà vô nghĩa lý...
Bọn chúng nó bảo nhau Thuỵ thay bạn còn hơn thay áo, Xa bênh Thuỵ chằm chặp nên cãi nhau triền miên. Thuỵ dặn Xa đừng nói năng gì cả, Thuỵ chẳng bao giờ thanh minh, mặc dù thi thoảng vẫn cười nửa miệng khi nhớ tới mấy sợi dây chuyền và sấp tiền của mình vô tình “tìm” được trong túi mấy đứa bạn quý. Thuỵ chẳng muốn làm ầm lên làm gì, chỉ biết có gặp lại nhau ngoài đường là chúng nó quay ngoắt đi làm như không quen biết Thuỵ, lại thấy buồn cười, nghĩ bụng mình mới là cái đứa phải có thái độ như thế chứ, bạn bè gì đâu!
...
Ngày Xa đi thi trời lại nắng như đổ lửa, hầm hập... nhưng Xa không khóc như năm ngoái, Xa còn phải thi để học đại học, để cả ba đứa có cơ hội thực hiện bao nhiêu dự định lớn lao cho cái cửa hàng “của chúng mình”, và để Thuỵ và Vũ khỏi phải tiếp tục nói dối như suốt một năm qua... Vũ lụi cụi đạp xe đưa Xa đi thi, mua một nắm xôi đỗ đậu đỏ bắt ăn bằng hết, nghển cổ đợi trống báo bài gióng lên rồi lại lụi cụi đạp xe về. Trưa, Thuỵ phi ầm ầm vào, cười te tởn moi ra một đống tạp nham đủ các loại tiền nhuận bút rồi kéo Xa đi ăn, ăn xong hai đứa lôi nhau vào hàng Karaoke đóng kín cửa lại, bật nhạc lên chẳng hát hò gì mà ôm nhau lăn ra xalông ngủ. Đến lúc Xa chạy vào cửa phòng thi, Thuỵ đứng dưới vẫy tay: “Làm bài cho tốt rồi tối về nhớ kể cho chúng nó nghe trưa nay tao với mày đi Karaoke ôm nhé...”.
...
“Em viết truyện này đã lâu rồi mà vẫn chưa xong được, cuộc đời... có phải lúc nào cũng như ta vẫn nghĩ phải không anh? Có những lúc làm những chuyện mà sau này mới thấy là vô nghĩa lý. Và em... con bé 17 tuổi khờ khạo đến tận 20 vẫn chưa thôi khờ khạo... thì lại càng ít làm được những việc không vô nghĩa lý! Và một trong những việc hiếm hoi ít ỏi ấy là tình bạn thời áo trắng này đây! Anh ạ. Kỷ niệm là những đốm sáng cháy lên như sao băng mà nhiều khi ta không thể quên được. Và tháng ngày cũ... những gì còn làm em thương nhớ... chỉ là hai chữ tình-bạn mà thôi...”.
 

Bình luận bằng Facebook

Top