Khi học bổng không vì người học

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo đó, Tòa phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo đòi học bổng, bồi thường của Công ty Cổ phần Tân Đức đối với cựu sinh viên Trường Đại học Tân Tạo.

Trước đó, năm 2016, bất bình trước việc Trường Đại học Tân Tạo bất ngờ tăng mạnh học phí, sinh viên và phụ huynh phản đối, đề nghị giữ mức học phí như cam kết ban đầu. Không được giải quyết, sinh viên xin chuyển trường. Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT sau đó chỉ ra nhiều sai phạm, yêu cầu trường hoàn trả hồ sơ bản gốc và tạo điều kiện cho sinh viên chuyển trường. Thế nhưng, trường không trả hồ sơ gốc mà còn yêu cầu sinh viên phải hoàn trả học bổng. Sinh viên không trả, trường khởi kiện ra tòa.

Vụ kiện kéo dài nhiều năm gây lao tâm khổ tứ cho cả sinh viên lẫn nhà trường, mà chung quy cũng chỉ bắt đầu từ nhận thức và ứng xử với học bổng của những người trong cuộc.

Hành lang pháp lý cho việc cấp học bổng trong cơ sở GD-ĐT được Bộ GD&ĐT quy định trong Quyết định số 44/2007/BGD&ĐT ngày 15/8/2007, sau đó là Thông tư số 35/2011/TT-BGD&ĐT về trao và nhận học bổng, trợ cấp cho người học trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, học bổng là khoản kinh phí từ các nguồn khác nhau mà học sinh, sinh viên được nhận thông qua cơ sở giáo dục và đào tạo, nhằm trang trải một phần chi phí sinh hoạt hoặc hỗ trợ hoạt động đào tạo trong thời gian học tập, nghiên cứu. Mục đích của học bổng là khuyến khích các đối tượng thuộc diện được xét cấp học bổng phấn đấu học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện đạt kết quả tốt; Đầu tư ưu tiên, tạo điều kiện cho sinh viên học tập đạt kết quả xuất sắc theo yêu cầu của chương trình/dự án…

Đa số cơ sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc các quy định về học bổng, trên tinh thần vì người học. Tuy vậy trên thực tế có nơi, có lúc việc trao học bổng lại “biến tướng” thành một hình thức giao dịch, yêu cầu sinh viên hoàn trả, bồi thường khi không thực hiện một số yêu cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nguồn tuyển sinh, một số cơ sở đào tạo đồng thời cũng xem học bổng là cách thức tiếp thị. Không chỉ đưa ra nhiều loại học bổng với con số “khủng”, có nơi còn tung học bổng rất lạ (không cần năng lực học tập hay gia cảnh) như học bổng cho sinh viên đăng ký nhập học sớm nhất, học bổng nếu chọn ngành đặc biệt nào đó… hay đơn giản chỉ cần nhập học là có học bổng! Đáng chú ý, số học bổng toàn phần rất ít, đa số dành cho kỳ I năm thứ nhất, các năm sau tùy điều kiện tài chính của trường, khả năng học tập của sinh viên mà cấp tiếp hay không.

Về phía sinh viên, cũng có nhiều trường hợp chưa tìm hiểu kỹ điều kiện cấp học bổng, cấp trọn khóa hay chỉ là năm đầu. Có em nghĩ đơn giản được trường cấp học bổng thì không cần đóng gì. Thực tế, có những trường học phí rất lớn, học bổng cấp cho sinh viên dù “khủng” cũng không thấm vào đâu. Nếu điều kiện tài chính của trường không tốt hoặc sinh viên không đáp ứng các quy định, các em rất dễ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xây dựng nhiều quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên giỏi là việc làm cần thiết, đáng hoan nghênh của các cơ sở đào tạo. Nhưng bản chất học bổng là vì người học, rất trong sáng, vì thế không nên lồng yếu tố tiếp thị vào khoản hỗ trợ này, như một hình thức đánh bóng tên tuổi. Thí sinh cũng cần thận trọng, không nên hướng nghiệp, hướng trường chỉ vì học bổng “khủng” hay các khoản ưu đãi hấp dẫn. Sở thích, năng lực và cơ hội phát triển, chất lượng đào tạo và điều kiện học phí của trường mới là yếu tố quan trọng hàng đầu khi đăng ký xét tuyển.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top