Homeschooling: Được và mất khi phát triển thành xu hướng mới

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Không phải mới xuất hiện, nhưng cũng không phải đại trà, xu hướng cho trẻ học tại nhà, cha mẹ tự dạy con cái đã có ở Việt Nam vài năm nay, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là những trường hợp đơn lẻ. Bản thân những người trong cuộc, những người quyết định không cho con đến trường cũng có nhiều trăn trở.

Không muốn con trở thành “gà nòi”

Gia đình anh Đào Huy Quang (Hà Nội) từng trăn trở và đứng trước nhiều mối lo khi quyết định cho 3 con học ở nhà hoàn toàn. Từng có thời gian sinh sống ở Mỹ, vợ chồng anh cũng cho con theo một chương trình học tại nhà của Mỹ được khoảng 2 - 3 năm trước khi về Việt Nam. Từ khi về Việt Nam, anh chị quyết định cho các cháu học tại nhà vì không muốn con trở thành “gà nòi”, chạy theo bệnh thành tích.

Hiện tại, các con của anh Quang theo học chương trình homeschool có tên là BJU của Mỹ. “Nếu không hoàn thành theo chương trình thì mình sẽ bị chậm thôi, chứ không có sức ép nặng nề phải học cái gì trong một thời gian cụ thể. Cuộc sống của các cháu thoải mái và đơn giản hơn” - anh Quang chia sẻ. Trăn trở lớn nhất của vợ chồng anh khi cho các con học tại nhà là: Sau này các cháu sẽ làm gì, sống ở đâu. “Chắc là sẽ đi du học thôi. Tư duy bọn trẻ hoàn toàn theo kiểu nước ngoài”.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều về quyết định cho con gái 12 tuổi học theo hình thức homeschool của chị Ngô Phương Thảo (TPHCM). Chị Thảo cho biết: “Có những mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục ở trường với các giá trị cũng như kỹ năng tư duy mà tôi dạy con”.

Vì vậy, chị quyết định cho con theo chương trình homeschool sau ba năm chuẩn bị về tài chính, kiến thức, khả năng truyền đạt và con chị đã sẵn sàng cho bước ngoặt lớn của đời mình. Theo chị Thảo, các trường đại học lớn ở nước ngoài đều có chương trình giáo dục cho học sinh tự do. Con chị cần phải học tốt tiếng Anh, công nghệ thông tin, đồng thời phải có tinh thần tự học để theo đuổi các chương trình này. Ngoài ra, chị sẽ dạy cho con các kỹ năng cần thiết như: Tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, kỹ năng giao tiếp…

Anh Đặng Quốc Anh (TPHCM) cũng đã đã quyết định để 2 con trai Đặng Nhật Anh, Đặng Thái Anh dừng học ở trường phổ thông để tự học tại nhà (homeschooling). Hiện Thái Anh và Nhật Anh nghỉ hẳn ở trường phổ thông để tự học ở nhà. Anh Đặng Quốc Anh cho biết việc cho hai con nghỉ học ở trường mà tự học ở nhà là quyết định sáng suốt bởi bản thân hai con của anh phù hợp với mô hình học này.

Anh Quốc Anh kể lịch học của nhà trường khá tréo ngoe với thời gian làm việc của hai vợ chồng khiến cả cha mẹ lẫn con cái đều vất vả và mệt mỏi. Đến năm lớp 10, Thái Anh bị sốt xuất huyết nên phải nghỉ học dài ngày.

“Như giọt nước tràn ly, sau khi kết thúc lớp 10, tôi quyết định cho Thái Anh nghỉ học ở trường và tự học ở nhà. Không lâu sau đó, thấy được thành công từ người con trai đầu, tôi quyết định tiếp cho đứa còn lại theo mô hình tự học ở nhà”, anh Quốc Anh kể.

Không học ở trường nhưng cả Thái Anh và Nhật Anh đều đang luyện thi chứng chỉ quốc tế về trung học IGCSE (The International General Certificate of Secondary Education), học tiếng Anh, học đàn (Nhật Anh học đàn guitar, Thái Anh học piano), tập thể dục, làm việc nhà...

“Với mong muốn con có một tuổi thơ cũng như có những kỹ năng thiết thực hơn cho cuộc sống sau này tôi quyết định chọn “homeschool” - anh Bùi Huy Kiên (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ. Nói về lý do chọn “homeschool”, anh Kiên cho biết, anh muốn con trai học được những kiến thức, kỹ năng hữu ích và gần gũi với cuộc sống hơn, thay vì phải học những kiến thức mà sau này có thể cháu sẽ không bao giờ sử dụng tới. Anh kỳ vọng ít nhất sau khi tốt nghiệp cấp 3, với những gì được học, con có thể tồn tại một cách độc lập. Theo anh, trong chương trình giáo dục mà anh lựa chọn cho con, có những kiến thức và kỹ năng quan trọng mà chương trình giáo dục của Việt Nam không đề cập tới.


Giáo dục không thể thiếu sự chỉ dạy của giáo viên và cha mẹ

Hiện tại, bé Bùi Huy Khang, 13 tuổi - con trai anh Kiên - theo học một chương trình học tại nhà của Mỹ. Khang cũng từng đến trường như những đứa trẻ khác nhưng chỉ học được nửa năm thì dừng. Sau đó, vợ chồng anh quyết định cho con học tại nhà theo một số giáo trình của nước ngoài. Ban đầu, Khang theo học một số chương trình nhưng thấy không hiệu quả cho lắm, sau đó mới chuyển sang chương trình hiện tại.

Nói về định hướng sau này cho con trai, anh Kiên chia sẻ: “Phải có thêm thời gian để xem khả năng của cháu phù hợp với ngành gì. Còn phụ thuộc vào đam mê của cháu nữa. Bây giờ cháu vẫn còn nhỏ, chưa thể hiện khả năng gì đặc biệt… Nếu muốn, cháu có thể đi làm sau khi học xong phổ thông, sau này thấy thiếu kiến thức thì học tiếp, không vấn đề gì!”.

Chấp nhận đánh đổi


Anh Quang cho biết, sau một quá trình đồng hành cùng các con, anh thừa nhận “homeschool có rất nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng giao tiếp với cộng đồng của các con rất kém”. Cũng vì lý do này mà đã có đôi lần anh lại cho con trở lại trường, sau đó lại quay trở lại với homeschool. Anh cho rằng, nếu trẻ đã được học ở trường học truyền thống trước khi học tại nhà cũng có nhiều cái hay để trẻ biết và làm quen với môi trường Việt Nam và có cái để mà so sánh.

Ông bố này cho biết, thỉnh thoảng anh có cho con tham gia một số hoạt động ngoại khóa, thể thao như học bơi, đá bóng… để tạo môi trường cho các cháu giao tiếp, hòa nhập. Thế nhưng, anh nhận thấy rõ sự khác biệt giữa con mình và những đứa trẻ khác. “Ví dụ khi tôi cho con tham gia đội bóng đá, những đứa trẻ khác thì ganh đua nhau, chứng tỏ mình giỏi hơn người khác, nói bậy rất nhiều, nhưng con tôi thì không nói gì. Cháu cũng không hòa nhập được với những đứa trẻ khác dù là trong những lúc ngồi uống nước giải lao. Nhưng khi gặp một số bạn nước ngoài thì các cháu lại thích chơi hơn.


Tất cả trẻ em muốn sáng tạo đều qua các hình thức giáo dục khác nhau

Sự khác biệt đôi khi chỉ là các bạn Việt Nam hay nói to… Nhiều cái mà con nhà mình nhìn và bảo không thích, nó cho là không ổn và không muốn tham gia vào đội hình ấy. Nó nghĩ khác và có thái độ sống khác”.

“Vợ chồng tôi thì đồng thuận trong việc không cho con đến trường, nhưng cả nhà thì lo. Mọi người bảo không biết sau này bọn trẻ nhà này sống ở đâu. Đi nước ngoài thì tốn kém kinh khủng. Không sống được ở đây thì phải đi thôi, nhưng đi thì đi kiểu gì” - ông bố này trăn trở.

Mặc dù đang cho con học ở nhà khá ổn nhưng anh Quang luôn nhấn mạnh một điều: homeschool rất khó, phụ huynh cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định. Nếu phụ huynh nào đang có ý định cho con học ở nhà thì nên theo một giáo trình nào đó để con học, bố mẹ học theo và mọi thứ phải chuyển đổi dần dần, không nên khiến đứa trẻ bị “sốc”, gây căng thẳng trong gia đình. Học ở nhà mà không cẩn thận cũng rất nguy hiểm. Vợ anh phải dành toàn bộ thời gian để hỗ trợ các con học tập.

Không chỉ đứa trẻ bị hạn chế môi trường giao tiếp, bản thân những người làm cha mẹ cũng phải hy sinh phần lớn thời gian của mình cho các con. Vì chấp nhận học tại nhà, tức là trẻ phải học theo các chương trình, bài tập của nước ngoài, vì thế, vai trò của bố mẹ trong chương trình học này là rất quan trọng. Phụ huynh sẽ là người giám sát, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của con. Nếu có những vướng mắc không thể giải đáp, phụ huynh có thể gửi email cho trường để hỏi. Để theo học cùng con, chương trình cũng thiết kế khá nhiều tài liệu hướng dẫn dành riêng cho bố mẹ.

Vợ chồng anh Bùi Huy Kiên thừa nhận, việc các cháu có ít bạn bè để chơi là một điểm yếu của homeschool nhưng không đến nỗi quá khó khăn. “Nếu có môi trường vui vẻ để thi đua thì thích hơn, nhưng độc lập cũng tốt và cơ hội giao tiếp cũng có nhiều vì mình học không chỉ trong sách vở mà học bằng cách làm, chơi...”.

Hà Nguyên
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top