Gìn giữ nếp nhà ba đời theo nghề dạy học

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Gia đình 3 đời theo nghề dạy học

Thầy Đặng Anh Hiếu- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi đại diện cho các gia đình nhà giáo tiêu biểu Thủ đô được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương gia đình nhà giáo tiêu biểu năm 2020, là những tấm gương sáng trong toàn ngành về phong trào "xây dựng gia đình nhà giáo tiêu biểu" năm học 2019-2020.

Thầy Hiếu sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học. Trước Cách mạng tháng Tám, ông nội thầy là thầy đồ dạy học ở Hà Nội. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến giai đoạn đất nước hòa bình, bố đẻ thầy đã liên tục 35 năm công tác là giảng viên của Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.

Rồi cả hai vợ chồng thầy Hiếu ngay từ khi tốt nghiệp ra trường cách đây trên 20 năm cũng đều đi dạy học. Hiện nay vợ thầy là giáo viên Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, còn thầy công tác ở Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên. Con trai thầy hiện nay học cấp 3 cũng đã sớm bộc lộ lòng yêu thích ngành sư phạm và cháu rất mong muốn sau này sẽ tiếp nối nghiệp dạy học của gia đình.


Thầy Hiếu và học sinh

Bày tỏ suy nghĩ và những việc đã làm góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc, tiến bộ và phát triển, thầy Hiếu cho biết: Có một gia đình hạnh phúc, chúng ta không chỉ được tận hưởng tình yêu và sự bình yên mà chúng ta còn nhận được sự tôn trọng từ bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng nơi ta sinh sống.

Gia đình hạnh phúc là khi hai vợ chồng cùng nhau cố gắng lao động, cống hiến trong sự nghiệp; đồng thời được cùng nhau chăm sóc những đứa con, nhìn chúng bước trên con đường đời mà chúng lựa chọn. Và đôi khi có khó khăn trong cuộc sống thì không gì cần thiết bằng việc phải ở bên nhau sao cho "vươn tay là chạm, mở mắt là thấy", để cùng động viên nhau kiên cường vượt qua khó khăn gian khổ.

Từ kinh nghiệm bản thân, thầy Hiếu cho rằng để xây dựng gia đình hạnh phúc, trước hết phải xây dựng và duy trì sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa vợ và chồng. Trong một gia đình, nếu cha và mẹ hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau, con cái sẽ học được cách cư xử tốt của cha mẹ.

Kết quả là, những đứa trẻ sẽ lớn lên và thực hành hành vi tương tự với cộng đồng xung quanh. Thói quen giao tiếp tích cực giữa cha mẹ và con cái cũng là điều cần thiết. Việc nói chuyện từ tốn, lịch sự, tạo không khí tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình sẽ khuyến khích giao tiếp cởi mở và bày tỏ lòng yêu thương, gần gũi với nhau nhiều hơn.

Đối với gia đình mở rộng bao gồm ông bà, cha, mẹ, con cái, cô dì, chú bác… thì mỗi người cần duy trì lòng tự trọng, tính độc lập nhưng đồng thời phải giữ được mối quan hệ gần gũi, trợ giúp tương hỗ với nhau.

Bởi vì, sự thiếu tự trọng của một thành viên trong gia đình sẽ làm phiền muộn đến những người khác; mặt khác việc thiếu quan tâm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên họ hàng sẽ làm phai nhạt sự hiểu biết, và rồi thiếu đi sự san sẻ đắng cay ngọt bùi những lúc tắt lửa tối đèn trong đại gia đình lớn của chúng ta.


Thầy Hiếu cùng vợ và con trai

Cân bằng thời gian giữa gia đình và công việc

Thầy Hiếu cho rằng, bên cạnh nguyên tắc về lòng yêu thương, tin tưởng và tôn trọng thì một điều đặc biệt quan trọng nữa là các thành viên trong gia đình cần sẵn sàng cùng nhau chia sẻ việc nhà. Không cần phải phân tách các loại công việc khác nhau, mà thay vào đó, vợ chồng cùng làm việc và chia sẻ gánh nặng, cho dù đó là bất kể việc gì.

"Chẳng hạn, khi cháu bé nhà chúng tôi chào đời, vợ chồng tôi biết cách chia sẻ công việc với nhau một cách hợp lý. Tôi nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, còn vợ tôi chăm sóc cháu bé. Thậm chí không dừng lại ở đó, tôi luôn cố gắng giúp đỡ vợ hết mức có thể như thay tã, ru con ngủ để cho vợ nghỉ ngơi".

Cho đến tận bây giờ, đã thành thói quen trong gia đình, thầy Hiếu vẫn thường là người cuối cùng rời bếp sau mỗi bữa tối của gia đình. Và hiển nhiên, khi chứng kiến sự chia sẻ này của bố mẹ, con cái đã học được bài học quý báu về xây dựng tính đoàn kết và yêu thương trong gia đình. Con sẽ tự giác sẵn sàng tham gia giúp việc nhà cùng bố mẹ, tùy theo từng độ tuổi phù hợp với mỗi công việc.

Thực tế cuộc sống có những lúc khó khăn, thách thức hơn nhiều, chẳng hạn vào đầu năm 2015 vợ thầy phải phẫu thuật u não thất, và giữa năm 2016 thì mổ ung thư tuyến giáp phải nghỉ làm ở nhà một thời gian.


Thầy Đặng Anh Hiếu nhận giấy khen gia đình nhà giáo tiêu biểu

Khi đó, thầy Hiếu đã có cả một quãng thời gian dài quen với việc mỗi sáng đều dậy sớm từ 5 giờ nấu cơm cho cả nhà trước khi đến trường, rồi đến chiều tối đi làm về vừa thuốc thang giúp đỡ vợ, vừa tranh thủ dạy con học bài.

Thầy Hiếu cho rằng, chính nhờ tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình không quản ngại khó khăn vất vả đó đã đem lại trái ngọt, mang lại hạnh phúc cho gia đình. Đến nay, vợ thầy đã hoàn toàn khỏe mạnh, tham gia công tác ở trường bình thường, còn bố thầy tuy sức yếu nhưng tinh thần vẫn luôn lạc quan, mãn nguyện với hạnh phúc của con cháu.

Câu thành ngữ "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nhằm đề cao thiên chức của người làm chồng cũng như vai trò làm vợ. Nhưng trước áp lực của công việc "cơm, áo, gạo, tiền", quỹ thời gian của bố mẹ dành cho con cái, dành cho nhau ngày càng ít đi và sự quan tâm đến người thân khác trong gia đình cũng trở nên xa rời và lạc lõng.

Thầy Hiếu chia sẻ: "Mỗi gia đình hãy biết cân bằng thời gian giữa gia đình và công việc; hãy biết trân trọng những nguyên tắc để xây dựng gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh. Đó chính là một gia đình luôn đầy ắp tình yêu thương, tin tưởng và tôn trọng".
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top