Yêu thương qua trang viết

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Để đánh giá nhận thức của học sinh, tôi thường yêu cầu các em viết ra giấy và nói rõ cho các em biết là tôi không chấm điểm. Những bài viết chỉ mang tính giúp thầy trò hiểu nhau hơn và các em không phải e dè khi nói lên suy nghĩ của bản thân.


Cứ vào dịp trước thi học kỳ, thi tuyển vào THPT, tôi thường dành thời gian để tâm tình với học sinh các lớp tôi dạy. Những câu chuyện tôi mang đến cho các em là các tấm gương vượt lên hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt, biết yêu thương cha mẹ, biết hy sinh, chia sẻ với cộng đồng. Tôi còn cho các em xem những đoạn clip đời thường chân thực của các tấm gương đó đã được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông. Không giảng giải nhiều lời, tôi để cho các em cảm nghiệm và rút ra bài học rèn luyện cho bản thân.

Không phải tất cả học sinh của tôi đều nhận thức tốt như tôi mong muốn. Để đánh giá nhận thức của học sinh, tôi thường yêu cầu các em viết ra giấy và nói rõ cho các em biết là tôi không chấm điểm. Những bài viết chỉ mang tính giúp thầy trò hiểu nhau hơn và các em không phải e dè khi nói lên suy nghĩ của bản thân.

Chủ đề của tôi đưa ra thường là về cha mẹ, thầy cô, đôi lúc là các vấn đề xã hội đang quan tâm mà vẫn phù hợp với lứa tuổi các em. Những bài viết ấy đã mang đến cho tôi nhiều niềm vui trong lúc một số đồng nghiệp có ý bi quan, chán nản vì cung cách ứng xử của các em đối với cộng đồng. Có em không lễ phép, hỗn láo, xúc phạm thầy cô; có em bỏ bê học hành vì mải chơi game để thầy cô phải kiếm tìm, động viên về lớp mỗi ngày; có trường hợp còn vi phạm pháp luật…

Không thiếu những trường hợp khiến thầy cô đuối sức vì gia đình không quan tâm, hợp tác, đổ hết trách nhiệm lên nhà trường và thầy cô. Cuối cùng, các em bị bỏ rơi mà thầy cô chỉ còn một động tác cuối cùng là gạch một dòng mực đỏ ngang tên các em trong sổ với ghi chú: Đã thôi học…

Những bài viết của các em thể hiện rõ nhất những tình cảm, nghĩ suy trong lòng các em. Các em hiểu được, để đổi lại những giờ phút mà các em ngồi trong lớp, cha mẹ các em phải gánh bao nỗi vất vả trong cuộc mưu sinh.

Tuy nhiên, các em không tránh khỏi những giây phút gây ra lỗi lầm khi đôi lần cãi lời, có thái độ xấu đối với cha mẹ, cho rằng cha mẹ đang kiềm chế các em, chưa hết lòng thương yêu, hỗ trợ các em cho bằng chị, bằng em trong lớp hay những em có cha mẹ chia tay thì lại nuôi suy nghĩ nông cạn là oán giận đấng sinh thành...

Nhưng rồi hơn tất cả, cái thiện trong lòng các em đã thắng thế. Các em biết thông cảm với bao nỗi nhọc nhằn của cha mẹ. Các em biết được cái sai của bản thân khi phụ lòng cha mẹ, thầy cô. Thực lòng các em rất muốn là một đứa con ngoan, một người học trò tốt. Từ trái tim các em, những lời hứa sẽ làm cha mẹ, thầy cô vui lòng được các em viết nắn nót trên trang giấy.

Không thiếu những lời xin lỗi cha mẹ, thầy cô mà chưa bao giờ các em thốt ra vì nhiều lý do: tự ái, thiếu can đảm, thậm chí do mặc cảm, mất tự tin sợ không thuyết phục được mọi người. Có những trang giấy thấm đẫm nước mắt của người viết làm nhòe đi những con chữ trên đó. Các em vẫn mong muốn được thương yêu, được lắng nghe và được cha mẹ thầy cô tận tình bảo ban, dạy dỗ. Tôi tin những dòng chữ các em viết ra ấy là sự thật.

Trong lúc đây đó, các thông tin về trẻ em phạm pháp và sa vào tệ nạn xã hội ít nhiều tác động đến những người trực tiếp làm công tác giáo dục, tôi nhận thấy người thầy cần suy nghĩ nhiều hơn và thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của bản thân trong việc hình thành nhân cách học sinh.

Bác Hồ đã từng chỉ ra cho mọi người, nhất là những người làm công tác giáo dục rằng: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Muốn học sinh trở thành người tốt, điều đầu tiên và xuyên suốt quá trình giảng dạy là cần tin tưởng vào các em.

Có tin tưởng mới tìm ra cách giáo dục hiệu quả nhất. Để giúp học sinh rèn luyện tốt, tôi không quên hợp tác cùng đồng nghiệp. Những bài viết của các em, tôi gởi cho thầy cô chủ nhiệm các lớp xem để cùng đề ra cách giáo dục hiệu quả nhất. Có thầy cô đã không giấu được sự ngạc nhiên trước những hoàn cảnh, những suy nghĩ của học sinh mà thầy cô chưa hiểu hết, thậm chí có điểm hiểu sai, đánh giá chưa đúng về các em.

Không dừng lại ở đó, tôi gởi những bài viết ấy đến cha mẹ các em với hy vọng làm cho gia đình thêm thắt chặt mối dây tình cảm. Cha mẹ lắng nghe con cái, điều chỉnh mối quan hệ hợp lý hơn cùng nhà trường dạy dỗ con em. Những bài viết chân thành, có sức thuyết phục được tôi giới thiệu tới các em trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm để các em thấy những con người tốt, những việc làm tốt không đâu xa mà có ngay hàng ngày xung quanh các em.

Không lên án, không nhìn các em với sự hoài nghi, thiếu tin tưởng khi các em có sai sót; biết khơi dậy tình cảm tốt đẹp, lòng yêu thương, tin tưởng vào cái tốt, luôn biểu dương điều tốt, hướng các em tự giác rèn luyện, người thầy sẽ thành công trong giảng dạy.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top