Xứ Dừa đổi mới dạy học môn Toán

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tăng cường dạy học phân hóa theo trình độ học sinh

TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - cho biết: Với đặc thù riêng của môn Toán, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp tục duy trì đổi mới dạy học và đổi mới công tác kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học qua thang đo năng lực người học đã xây dựng trong từng đơn vị kiến thức.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện có chiều sâu các hình thức tổ chức dạy học nhằm giúp học sinh học tập tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và tăng cường xây dựng chủ đề dạy học theo hình thức tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tế.

Các nhà trường cũng đã chú trọng nghiên cứu sử dụng và làm đồ dùng dạy học, sử dụng các thiết bị dạy học trong giờ dạy với quan điểm sử dụng tối đa và có hiệu quả các phương tiện, đồ dùng dạy học trong các giờ lên lớp, tuyệt đối tránh hình thức.

Cùng với đó là ứng dụng thích hợp công nghệ thông tin trong giảng dạy, chú trọng nội dung dạy và các minh họa trực quan, sinh động. Nghiên cứu ứng dụng các phần mềm Toán: Cabri, Sketchpad, Geogebra...

“Chúng tôi đặc biệt lưu ý chỉ đạo các nhà trường tăng cường dạy học phân hóa theo trình độ học sinh. Theo đó, đối với em khá giỏi, giáo viên cần mở rộng nâng cao kiến thức theo năng lực học sinh (mức độ vận dụng và vận dụng cao) và cung cấp tài liệu, bồi dưỡng, luyện tập cho học sinh tham gia thi học sinh giỏi các cấp; thi máy tính cầm tay. Tuy nhiên, các trường không được tổ chức ôn luyện cho học sinh tham gia thi giải toán, giải toán bằng tiếng Anh qua Internet.

Đối với học sinh yếu, kém, giáo viên cần căn cứ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng để thiết kế lại nội dung và chương trình dạy phù hợp với các chủ đề, nội dung đã quy định trong sách giáo khoa và mục tiêu tổng thể của môn học; yêu cầu học sinh đạt mức chuẩn kiến thức, kỹ năng. Việc thiết kế lại nội dung và chương trình dạy cho học sinh yếu, kém phải được soạn chi tiết, thống nhất thực hiện trong tổ bộ môn ngay từ đầu năm học.

Đối với khối 12, các trường cần xây dựng tài liệu ôn tập môn Toán chung cho học sinh; đặc biệt chú ý dạy học phân hóa, luyện tập cho học sinh trung bình, yếu, kém; thống nhất biên soạn một số chuyên đề bổ sung để đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia” - TS Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Từ kiểm tra ghi nhớ sang đánh giá năng lực người học

Theo TS Nguyễn Văn Huấn, để dạy và học môn Toán hiệu quả, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá là vô cùng quan trọng. Sở GD&ĐT Bến Tre đã chỉ đạo các trường chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng, khả năng ghi nhớ... sang đánh giá năng lực người học, năng lực vận dụng, khả năng giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Các đề kiểm tra theo hình thức tự luận hoặc kết hợp tự luận với trắc nghiệm khách quan (phần trắc nghiệm chiếm 30% tổng điểm). Đề kiểm tra cần phù hợp với mức độ yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và các cấp độ đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Việc đảm bảo chất lượng tiết trả bài cuối kỳ, cuối năm, đánh giá được năng lực toán học của từng học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của bộ môn được coi trọng. Với giáo viên, khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.

Trong dạy học cũng như kiểm tra đánh giá, cần khích lệ những học sinh có cách giải đúng, lời giải hay bằng những kiến thức, kĩ năng mà bản thân của học sinh nỗ lực học tập mà có và cần có kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho những học sinh có năng khiếu Toán.

“Để xây dựng thư viện đề kiểm tra môn Toán và chuẩn bị tham gia diễn đàn qua mạng của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bến Tre yêu cầu các đơn vị tổng hợp gửi đầy đủ đề, đáp án kiểm tra định kì, kiểm tra học kì, ngân hàng câu hỏi (được xây dựng theo thang đo năng lực trong mỗi bài, mỗi chương theo sách giáo khoa hiện hành) về Sở GD&ĐT sau khi kết thúc mỗi học kì” - Phó Giám đốc Nguyễn Văn Huấn chia sẻ.

Sinh hoạt chuyên môn tập trung gỡ khó trong giảng dạy

Theo TS Nguyễn Văn Huấn, nhận thức sinh hoạt chuyên môn là một trong những nội dung quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy học môn Toán, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường tăng cường trao đổi kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên môn và chuyên đề ở cấp trường. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn trong giảng dạy, cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh.

Tổ chuyên môn tổ chức triển khai phân công giáo viên xây dựng ngân hàng câu hỏi theo bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao cho từng đơn vị kiến thức trong mỗi bài, mỗi chương; thống nhất dùng chung cho tổ (có thể hiện trong giáo án của mỗi giáo viên) và gửi về Sở GĐ&ĐT.

Bên cạnh tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, các nhà trường cũng được yêu cầu biên soạn giáo án theo hướng phát triển năng lực học sinh và dạy học tích hợp, từ đó có thể dễ dàng kiểm tra năng lực học sinh và kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học cho từng đối tượng học sinh. Xây dựng thống nhất nội dung dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém phù hợp yêu cầu chuẩn khoa học tự nhiên, bồi dưỡng học sinh khá giỏi, đáp ứng yêu cầu thi quốc gia cho học sinh khối 12.

“Với các giáo viên, chúng tôi luôn động viên thầy cô tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm nhằm góp phần đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy, khai thác nội dung bài học” - TS Nguyễn Văn Huấn cho biết thêm.


Thực hiện chương trình môn Toán tại Bến Tre

Thực hiện dạy học theo khung thời gian quy định của Sở GD&ĐT. Tuỳ tình hình thực tế ở mỗi đơn vị, các trường cho tổ chuyên môn trao đổi, thảo luận điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp chuẩn kiến thức kỹ năng và nội dung giảm tải mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Các trường xây dựng kế hoạch dạy học tự chọn bám sát, các tiết luyện tập, ôn tập môn Toán thống nhất nội dung dạy cho cả tổ.

Trường THPT chuyên Bến Tre tiếp tục biên soạn tài liệu dạy học và triển khai đầy đủ các chuyên đề chuyên sâu dành cho học sinh lớp chuyên Toán theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top