Xây dựng học nhóm hiệu quả

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Khi tổ chức lớp học, các chuyên gia sư phạm thường khuyến khích giảng viên lựa chọn phương pháp làm việc nhóm hoặc phương pháp “bể cá”. Đây là hai phương pháp, đơn giản và phổ biến nhất để xây dựng giờ học hiệu quả dành cho những nhóm học tập có từ 5-10 thành viên.


Làm việc nhóm là phương pháp cơ bản

Theo TS Đinh Văn Tiến, chuyên gia phương pháp sư phạm của tổ chức giáo dục quốc tế INWENT, làm việc nhóm là phương pháp tổ chức lớp học cơ bản nhưng đem lại hiệu quả tức thì trong việc khuyến khích sự sáng tạo và tích cực của mọi thành viên trong lớp học từ 80 - 100 người. “Tại các đợt tập huấn về phương pháp giảng dạy, chúng tôi thường chia lớp để áp dụng phương pháp làm việc nhóm theo các bước tuần tự như sau: (1) giới thiệu nội dung làm việc, (2) giao nhiệm vụ, (3) chia nhóm, (4) tổ chức công việc, (5) trình bày kết quả, (6) tổng kết bổ sung”, TS Đinh Văn Tiến nói.

Trong quy trình thực hiện phương pháp làm việc nhóm, TS Huỳnh Văn Tiến Lộc (ĐH Fulbright Việt Nam) cho rằng hai nội dung đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng. Nội dung làm việc nhóm cần có khả năng tranh luận, càng mang tính thời sự càng tốt nhưng phải gắn bó chặt chẽ vào mục tiêu bài giảng. Khi giao nhiệm vụ cho nhóm, giảng viên nên quy định rõ ràng thứ tự, thời gian thực hiện và trình bày của mỗi nhóm, tránh giao những nội dung công việc mơ hồ, có sự trùng lắp hoặc một nội dung mà chia nhỏ ra thành quá nhiều phần cho nhiều nhóm.

TS Đinh Văn Tiến lưu ý rằng thành viên của mỗi nhóm học tập chỉ nên dao động từ 5-10 người để đảm bảo sự kiểm soát và hiệu quả làm việc. Trong quá trình thực hiện bài tập, giảng viên hướng dẫn cần quan tâm sâu sát từng nhóm thông qua tiến độ làm việc hoặc bản thảo, xem các học viên đã thảo luận đúng trọng tâm chưa, mỗi người có đóng góp thực sự đầy đủ hay không...

Thay đổi hình thức thảo luận để tránh nhàm chán

Phương pháp Bể cá ám chỉ việc lớp học được sắp xếp theo mô hình bể nuôi cá cảnh. Cá trong bể chính là người dạy và người học cùng tham gia thảo luận vòng trong. Còn người chơi (phần còn lại của lớp học) thì theo dõi “bể cá” từ vòng ngoài.

Theo TS Huỳnh Văn Tiến Lộc: “Thay đổi hình thức thảo luận cũng là một cách tạo cho lớp học nguồn cảm hứng mới, tránh sự khô khan, nhàm chán mà vẫn đạt mục tiêu đề ra”. Phương pháp Bể cá thích hợp với mọi loại hình lớp học. Phương pháp này đòi hỏi năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của từng cá nhân người học trước nội dung, chủ đề mà giảng viên cho trước, đồng thời phát huy trí tuệ của họ trong quá trình hình thành tri thức. Để tiến hành xây dựng “bể cá”, đầu tiên, cách chuẩn bị đề tài, tình huống, câu hỏi thảo luận, thời gian làm việc cũng tương tự phương pháp làm việc nhóm truyền thống.


SV ghi ý kiến thảo luận nhóm vào bảng trình bày

Điểm khác biệt duy nhất là mời đại diện của các nhóm vào vòng thảo luận. Vòng thảo luận có thể bố trí thành vòng mở, tức là có thêm ghế trống để các thành viên vòng ngoài đăng ký phát biểu. Đối với lớp ít người, có thể hình thành “bể cá” theo hình tròn và chia ra vòng trong, vòng ngoài. Đối với lớp đông người, không nên yêu cầu người học di chuyển, dễ gây xáo trộn, “bể cá” có thể bố trí trên bục giảng.

Theo TS Đinh Văn Tiến, quy trình thảo luận là từng đại diện vào vòng trong phát biểu ý kiến, các đại diện khác sẽ trao đổi, bổ sung hoặc tranh luận những ý kiến mà mình cảm thấy chưa thỏa đáng. Các đại diện vòng ngoài lắng nghe, nếu thấy cần thể hiện quan điểm cá nhân thì tiến lên ghế trống phát biểu trong tối đa 5 phút, sau đó trở về vị trí. “Đây là hình thức thảo luận mới mẻ, hấp dẫn người học, thúc đẩy mong muốn tham gia và phát huy tính tích cực chủ động. Những thành viên tham dự sẽ có cơ hội tư duy độc lập, biết cách vận dụng kiến thức để trình bày, tập dượt cách phát biểu trước đám đông, vượt qua sự rụt rè, e ngại”, TS Đinh Văn Tiến nói.

Mặc dù phương pháp “bể cá” có nhiều ưu điểm nhưng TS Huỳnh Văn Tiến Lộc cũng lưu ý rằng phương pháp này đòi hỏi kỹ năng điều hành, quản lý lớp học rất cao. Giảng viên phải dẫn dắt cuộc thảo luận đi đúng hướng, khéo léo khuyến khích mọi người cùng tham gia, không ai đứng ngoài cuộc thảo luận.

“Nếu giảng viên không bao quát hết lớp học thì sẽ dẫn đến tình trạng người vòng trong làm việc, người vòng ngoài ngồi chơi, mất trật tự, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thảo luận”, TS Huỳnh Văn Tiến Lộc lý giải. Các chuyên gia cùng cho rằng phương pháp “bể cá” hoàn toàn áp dụng được vào mọi thời điểm của buổi học, đặc biệt có thể áp dụng để cộng điểm hoặc làm kiểm tra giữa kỳ. Tuy nhiên, giảng viên chỉ nên áp dụng phương pháp “bể cá” vào mục đích phát triển, mở rộng, khai thác sâu nội dung bài giảng. Tránh sử dụng để mở đầu hay chốt kiến thức bài giảng vì công tác chuẩn bị rất mất thời gian.

TS Đinh Văn Tiến khuyến khích giảng viên nên dành thời gian của buổi học trước để giao cho các nhóm chuẩn bị sẵn áp phích, tranh ảnh, video hoặc sản phẩm minh họa. Riêng giảng viên phải chuẩn bị sẵn một số đầu sách hay nguồn tư liệu có liên quan để định hướng nghiên cứu cho sinh viên.


“Cần lưu ý đây là buổi thảo luận dựa trên kết quả làm việc nhóm chứ không phải buổi trình chiếu powerpoint, các nhóm hay đại diện nhóm cần thể hiện quan điểm bằng kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ, tránh tình trạng “đá bóng nhầm sân”. Giảng viên chỉ nên đặt câu hỏi và điều chỉnh sự trình bày lan man, chứ không nên tham gia góp ý quá sâu, sẽ biến cuộc thảo luận thành buổi giảng dạy truyền thống”, TS Huỳnh Văn Tiến Lộc nói.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top