Vũ trụ (Kỳ 1)

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Vũ trụ
Vũ trụ là toàn bộ hệ thống không-thời gian trong nó chúng ta đang sống, chứa toàn bộ năng lượng hay vật chất. Môn học nghiên cứu vũ trụ, trên những khoảng cách lớn nhất có thể, là vũ trụ học, một môn khoa học kết hợp giữa vật lý và thiên văn.


Vũ trụ học, về cuối thế kỷ 20, được phân làm hai nhánh chính: thực nghiệm (vũ trụ học thực nghiệm) và lý thuyết (vũ trụ học lý thuyết). Các nhà vũ trụ học thực nghiệm đã gần như từ bỏ hy vọng có thể quan sát được toàn bộ vũ trụ; trong khi đó, các nhà vũ trụ học lý thuyết vẫn phát triển các mô hình cho toàn bộ vũ trụ, bất chấp khả năng các lý thuyết này sẽ không có đủ bằng chứng thực nghiệm để kiểm chứng.
Các từ "vũ trụ quan sát được", "vũ trụ nhìn thấy" là dành cho vũ trụ mà con người có thể cảm nhận được qua các phương tiện thực nghiệm.
Lịch sử khám phá
Các mốc chính trong lịch sử khám phá vũ trụ của loài người:
* Thế kỷ 4 TCN, Aristarchus có vẻ như là người đầu tiên hiểu được về hệ thống hành tinh và hệ nhật tâm. Khám phá này đối lập với quan niệm về thế giới của Aristotle. Ông cũng đã tính được khá chính xác khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
* Thế kỷ 3 TCN, Eratosthenes cũng đã tính được chu vi Trái Đất tại xích đạo chỉ sai khác khoảng 650 km (sai số 1,5%).
* Thế kỷ 2 TCN, Hipparchus tính lại khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng, thống kê 1500 ngôi sao, tính gần đúng chu kỳ tuế sai của trục Trái Đất.
Những kiến thức này được người Ả Rập học lại. Khi người Ả Rập mở rộng ảnh hưởng, quyển sách Almagest của Claudius Ptolemaeus với mô hình vũ trụ địa tâm được truyền bá.
Cuộc cách mạng Copernic đã đảo lộn lại quan niệm địa tâm:
* Nicolaus Copernicus khám phá lại hệ nhật tâm.
* Isaac Newton và Johannes Kepler xác định chuyển động của các hành tinh, dựa vào các định luật Newton và khám phá về lực hấp dẫn, được kiểm chứng bởi quan sát thiên văn.
* Giordano Bruno áp dụng mô hình hệ Mặt Trời cho tất cả các ngôi sao khác, mở rộng vũ trụ ra vô cùng.
Các tiến bộ về kỹ thuật quan sát thiên văn trong thế kỷ 20 đã mở ra một loạt khám phá về các vật thể kỳ lạ trong vũ trụ (như các sao trong giai đoạn phát triển khác nhau), về cấu trúc vĩ mô của vũ trụ (gồm các sao tụ tập trong các thiên hà và các nhóm thiên hà), và đặc biệt là xu thế giãn nở của vũ trụ, quan sát bởi Edwin Hubble.
Quan sát về sự giãn nở của vũ trụ là một trong các tiền đề để xây dựng nên mô hình về sự tiến hóa của vũ trụ được công nhận rộng rãi nhất hiện nay, mô hình Vụ Nổ Lớn.
Lý thuyết vụ nổ lớn
Từ quan sát dịch chuyển đỏ của các thiên hà chúng ta có bằng chứng rằng vũ trụ đang nở ra, theo định luật Hubble. Quay ngược về quá khứ, ta sẽ gặp đến một điểm kỳ dị hấp dẫn, một khái niệm mang tính chất toán học, có thể không thực sự trùng với sự thật. Đây là cơ sở để hình thành lý thuyết Vụ Nổ Lớn, lý thuyết được công nhận nhiều nhất trong vũ trụ học ngày nay.
Lý thuyết này cộng với các tiến bộ trong quan sát (Máy đo dị hướng vi sóng Wilkinson, WMAP, của NASA) đã ước lượng tuổi vũ trụ vào khoảng 13,7 tỷ (13,7 × 109) năm, với sai số cỡ 1% (± 200 triệu năm). Độ chính xác này dựa trên giả thuyết là các lý thuyết dùng trong xử lý kết quả đo đạc là đúng. Nhiều phép đo khác cho những kết quả dao động từ 10 đến 20 tỷ năm.
Các quan sát nền tảng của thuyết Vụ Nổ Lớn gồm có:
* Các thiên hà ở càng xa càng chuyển động ra xa nhanh hơn.
* Phông vi sóng vũ trụ, có nhiều khả năng là các bức xạ tàn dư từ thời kỳ đầu của Vụ Nổ Lớn, nay đã bị dịch chuyển đỏ đến mức có tần số của chúng nằm trong vùng vi sóng. Nền bức xạ này rất đẳng hướng có thể giải thích bởi lạm phát vũ trụ ngay sau Vụ Nổ Lớn.
* Tỷ lệ các nguyên tố nặng tăng dần qua các thế hệ sao nhờ tổng hợp trong các phản ứng năng lượng cao.
* Phân bố và tiến hóa về hình dáng và thành phần hóa học của các thế hệ thiên hà.


Theo wikipedia.org
 

Bình luận bằng Facebook

Top