Vì sao Ung Chính căm giận khi xem kiểm kê tài sản gia tộc Tào Tuyết Cần?

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Con số trong bản kiểm kê rốt cuộc là thế nào mà lại khiến Hoàng đế Thanh triều Ung Chính có cảm xúc mạnh mẽ đến vậy?


Trong số các vị Hoàng đế trong lịch sử, Khang Hi đế là vị Hoàng đế được nhiều nhà sử học đánh giá là vị Hoàng đế cuối cùng xứng đáng với danh hiệu "Hoàng đế thiên cổ".

Trong thời gian Khang Hi trị vì, ông đã mở ra thời đại thịnh thế cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Hoa - Khang Càn thịnh thế.

Song cũng giống đa số các vị Hoàng đế khác, những năm cuối thời Khang Hi, cũng xảy ra tình trạng bỏ bê triều chính, trên triều đình tham quan lộng hành, quan lại bê tha, nếu không nhờ có Ung

Chính sau khi lên ngôi kế vị kịp thời nghiêm khắc chấn chỉnh quan lại thì cũng sẽ chẳng có được thời Khang Càn thịnh thế kéo dài 134 năm.

Thời gian đầu khi Ung Chính kế vị, tuy bề ngoài nhà Thanh vẫn đang trong thời Khang Càn thịnh thế nhưng kỳ thực bên trong đã ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc quan lại hủ bại đã lên đến mức ảnh hưởng đến an nguy xã tắc.

Trước tình hình như vậy, Ung Chính đã áp dụng các chính sách nghiêm khắc nhằm chỉnh đốn việc quản lý quan lại trong triều, các đại gia tộc phát triển lớn mạnh nhờ được Khang Hi sủng ái, che chở đều bị giáng đòn, trong số đó phải kể đến Tào gia ở Giang Ninh vô cùng được Khang Hi tin tưởng yêu quý.

Gia tộc họ Tào vùng Giang Ninh chính là dòng họ nơi sinh ra nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh Tào Tuyết Cần.


Tào Tuyết Cần là tác giả của tác phẩm "Hồng Lâu Mộng".

Gia tộc họ Tào của Tào Tuyết Cần

Mặc dù xuất thân ban đầu của Tào gia cũng chỉ là nô bộc của Chính Bạch Kỳ trong Nội vụ phủ nhà Thanh, dần dần được cất nhắc, trở thành một gia tộc hiển hách thời kỳ đầu Đại Thanh.

Nhà họ Tào đảm nhận chức vụ "Giang Ninh chức tạo" suốt hơn 60 năm, Khang Hi 6 lần đi tuần phía Nam thì có đến 5 lần là do nhà họ Tào phụ trách tiếp đãi, trong đó có 4 lần Khang Hi trực tiếp trọ lại Tào gia ở Giang Ninh.

Sự ân sủng mà Tào gia có được tuy không phải là hàng đệ nhất trong triều nhưng cũng hơn rất nhiều Hoàng thân quốc thích khác.

Câu hỏi đặt ra là, hà cớ gì Tào gia tuy chỉ là nô bộc thế gia của Chính Bạch Kỳ lại được Khang Hi trọng dụng như thế?

Lý giải sự ưu ái của Khang Hi với dòng họ Tào

Nguyên nhân chính là vì phu nhân của Tào Tỷ tức Tôn thị từng là bảo mẫu của Khang Hi khi ông còn nhỏ.

Có một lần khi Khang Hi đi tuần phía Nam ở trọ lại Tào phủ, Tào Dần đã đưa mẹ mình là Tôn thị đến bái kiến Khang Hi, Khang Hi gặp được Tôn thị thì vô cùng vui sướng, trước mặt mọi người còn xưng hô với Tôn thị là "trưởng bối trong nhà ta".

Theo thông lệ nhà Thanh, thân phận nô bộc Chính Bạch Kỳ của Tào gia thì tương đương với gia nô của Hoàng đế, song vì quan hệ giữa Khang Hi và Tào gia luôn rất thân thiết cho nên khi Tào Dần 17 tuổi đã được vào cung đảm nhận chức Loan Nghi Vệ.

Năm Khang Hi thứ 29, Tào Dần được phong làm Tô Châu chức tạo, hai năm sau lại được phong lên vị trí Giang Ninh chức tạo, từ đó về sau, Tào Dần cùng con trai ông Tào Ngung, đích tử Tào Phủ liên tiếp đảm nhận chức vụ Giang Ninh chức tạo gần 40 năm.


Tranh chân dung Khang Hi đế.

Tào Tỷ - cha của Tào Dần là người đầu tiên được phụ trách vị trí Giang Ninh chức tạo, bởi vì quan hệ thân thiết giữa Tào gia và Hoàng đế, hơn thế vị trí Giang Ninh chức tạo lại chỉ dưới quyền Tổng đốc Lưỡng Giang nên càng nhận được sự tin tưởng của vua, có quyền được mật tấu trực tiếp cho vua, bởi vậy nên quyền thế của Tào gia vô cùng hiển hách.

Ngoài ra, gia tộc họ Tào còn nắm trong tay gia tài khổng lồ, bấy giờ chỉ tính riêng vùng Giang Ninh đã có đến hơn 30.000 khung dệt, khoảng hơn 50.000 thợ dệt bao gồm cả nam và nữ, sản lượng mỗi năm lên đến hơn 12.000.000 lượng bạc trắng.

Tào gia khi ấy có thể coi là một trong những Hoàng thương (thương gia Hoàng gia) nổi tiếng và có quyền lực nhất, nắm trong tay phường dệt Giang Ninh tuy không phải giàu nhất cả nước song cũng coi như xưng bá một phương.

Song, nghề dệt Giang Ninh dưới sự quản lý của Tào gia nhiều năm liền bị tổn thất, Khang Hi niệm tình cũ cho nên không trừng phạt Tào gia.

Ví dụ như vào năm Khang Hi thứ 40, Tào Dần không biết nghe nói ở đâu cho rằng bán đồng rất có lời, cho nên đã thượng tấu lên Khang Hi rằng bản thân muốn tham gia vào việc buôn bán đồng.

Khang Hi nhận được bản tấu của Tào Dần thì lệnh Phủ Nội vụ tạo điều kiện cho ông, khi Tào Dần không đủ vốn, Khang Hi còn lệnh Phủ Nội vụ cấp cho ông mười vạn lượng bạc trắng.

Nhưng điều khó tin là, tuy đã có triều đình hậu thuẫn vậy mà cuối cùng Tào Dần vẫn kinh doanh thua lỗ, mười vạn lượng kia coi như vứt xuống sông. Theo lý mà nói, nếu chuyện này rơi vào người một vị đại thần khác thì có lẽ đã phải lấy cái chết tạ tội, vậy mà Tào Dần không hề lo sợ, chỉ bẩm tấu lên Khang Hi là mình không muốn làm cái này nữa, Khang Hi liền lập tức chuẩn tấu, thậm chí còn không hề hỏi đến mười vạn lượng bạc bị mất kia.

Khang Hi thực tế là một vị vua tương đối nhân từ, đặc biệt là với những vị đại thần thân thiết với ông, chỉ cần không phạm phải tội không thể tha thứ thì Khang Hi đều sẽ rộng lòng nhân nhượng.




Song cũng bởi vì như thế nên nhiều đại thần bắt đầu cậy vào sự tin sủng của Khang Hi mà lộng hành, giống như Tào gia không lo chuyện dệt vải lại đòi đi buôn bán đồng khiến quốc khố triều đình thâm hụt ngày càng nhiều.

Sau khi Tào Dần qua đời, phường dệt Giang Ninh bị tra ra đã làm tổn thất 37 vạn lượng bạc trong ngân khố, nếu chuyện này xảy ra vào một triều đại khác thì đây đã là tội chết, nhưng Khang Hi lại niệm tình cảm giữa mình và Tào gia cho nên không hề trách phạt Tào gia, mà chỉ yêu cầu anh vợ của Tào Dần là Lý Húc bù vào phần tổn thất ấy.

Sự lụi bại của gia tộc họ Tào

Mặc dù nhà họ Tào cũng phải chi ra nhiều tiền trong những lần tiếp đón Khang Hi, song mỗi lần Khang Hi đi tuần phía Nam đều sẽ có tiền quốc khố trích ra làm kinh phí, Tào gia cho dù có phải bỏ tiền ra song cũng không đến mấy chục vạn lượng, tài sản có lẽ đều đã bị Tào Dần buôn bán thua lỗ hết.

Khi Tào Tuyết Cần ra đời, Tào gia tuy vẫn phong quang vô hạn nhưng trên thực tế đã bắt đầu lụn bại dần.

Hơn thế, bấy giờ Tào gia còn phạm phải sai lầm rất lớn, đó chính là trong biến Cửu tử đoạt đích, Tào gia đã chọn sai phe đứng về phía Bát Hoàng tử Dận Tự, khiến Khang Hi vì vậy mà ngày một xa cách Tào gia.

Sự thực là từ sau khi Tào Dần qua đời, Khang Hi đã không còn thân thiết với Tào gia như trước nữa, tiếc là Tào gia lại không nhận ra điểm ấy, vẫn tiếp tục "muốn gì làm nấy, tùy tâm vọng tưởng" như trước, thậm chí còn dâng tấu thỉnh cầu Khang Hi lập Bát Hoàng tử Dận Tự lên làm Thái tử.

Việc Tào gia sai lầm khi đứng về phe Bát Hoàng tử, kết quả ra sao chắc bạn đọc đều đã biết.


Ảnh minh họa.
Khi Tứ Hoàng tử Dận Chân lên ngôi, lấy hiệu là Ung Chính, nghe đến việc phường dệt Giang Ninh nhiều năm tổn thất lẽ dĩ nhiên sẽ tiến hành chỉnh đốn một phen, huống hồ gì Tào gia ban đầu còn là tay chân ủng hộ Bát Hoàng tử Dận Tự.

Song điều khiến Ung Chính không ngờ được là, ông vốn cho rằng Tào gia nắm giữ vị trí Giang Ninh chức tạo cũng hơn 60 năm, chắc chắn gia sản tịch thu được sẽ không ít. Nào ngờ kết quả khiến ông kinh ngạc mãi không thôi, bởi vì gia sản của Tào gia dù đã cố làm tròn cũng chưa đến 6 vạn lượng bạc.

Việc tịch thu tài sản Tào gia chỉ được bấy nhiêu cũng đã khiến Ung Chính vô cùng tức giận.

Phải biết là vào mồng 6 tháng 12 năm Khang Hi thứ 48, Tổng đốc Lưỡng Giang Cát Lễ đã từng tấu lên rằng Tào Dần gây thâm hụt hơn 300 vạn lượng bạc trong quốc khố.

Bấy giờ Khang Hi niệm tình Tào Dần nên bí mật ém nhẹm chuyện này, chỉ dặn riêng Tào Dần và Lý Húc phải nghĩ cách mà bù vào, kết quả là đến khi Tào Dần qua đời vẫn chưa đền bù xong.

Ung Chính vốn định dùng tài sản soát nhà Tào gia để bù vào phần thâm hụt ấy, ai ngờ kết quả lại khiến người ta thất vọng đến như thế.

Còn Tào gia sau khi bị soát nhà, Tào Tuyết Cần buộc phải cùng người trong họ quay trở lại nhà cũ trong Kinh thành, sau đó hồi tưởng lại quãng thời gian huy hoàng của Tào gia ở Hải Ninh mà viết nên tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử "Hồng Lâu Mộng".
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top