Vì sao cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng nhiều?

Duy Ly

Lang thang mạng
#1
Hiện nay có tình trạng các trường chen lấn nhau, trường tỉnh này lại đi tuyển sinh ở tỉnh khác, thậm chí có trường ở ngoài Bắc vào tận miền Nam để tuyển...
Qua con số báo cáo được nêu ra tại buổi làm việc mới đây giữa Đại học Đà Nẵng và Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về tình hình sinh viên sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp hiện có đến 170.000 - 200.000 người.

Chính điều này làm cho các trường sư phạm hết sức lo lắng. Mặc dù các trường sư phạm đã tìm cách tháo gỡ tuy nhiên, đến nay câu trả lời vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Trước thực trạng này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, tình trạng sinh viên thất nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Ông Khuyến chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng sinh viên thất nghiệp. Đó là:

Thứ nhất, từ nội bộ ngành, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Bên cạnh đó, chúng ta không có quy hoạch từ cấp hệ thống và cấp trường.


Vì sao cử nhân sư phạm thất nghiệp ngày càng nhiều? (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Riêng về cấp trường, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có chủ trương, các trường phải theo dõi tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và căn cứ vào kết quả đó để tự điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường theo từng ngành nghề cho phù hợp.

Nhưng trên thực tế không phải trường nào cũng làm được mà nhiều trường vẫn đang trong tình trạng tranh thủ tuyển sinh vì sinh viên càng nhiều, lợi ích càng lớn.
Thứ hai, chính sách công nghệ không thích hợp (ưa chọn công nghệ rẻ tiền).

Thứ ba, chính sách gọi đầu tư nước ngoài, chúng ta không có sự lựa chọn.

Chúng ta nhập rất nhiều công nghệ nhưng chủ yếu là lắp ráp, sửa chữa, chế biến, rất ít chọn hướng chế tạo vì vậy chỉ sử dụng nhân lực trình độ thấp chứ không phải trình độ cao.

Cuối cùng, chính sách sử dụng lao động của chúng ta không hợp lý.

Ở các nước trên thế giới, làm bất cứ việc gì cũng phải có chứng chỉ hành nghề còn ở ta thì không phải như vậy”, ông Khuyến nhấn mạnh.

Theo số liệu do Tổng cục thống kê đưa ra, hiện nay hơn 84% lao động ở Việt Nam không có chuyên môn kỹ thuật. Như vậy làm sao có nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hơn nữa, theo ông Khuyến, cơ chế tuyển dụng của chúng ta hiện nay cũng còn nhiều bất cập, có nơi có lúc còn xảy ra các hiện tượng tiêu cực.

Làm sao tháo gỡ tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm?
Mặc dù đã có nhiều gợi ý từ các chuyên gia được đưa ra, nào là sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, nào là chuyển tập trung chức năng đào tạo giáo viên cho một số trường có đủ điều kiện được đưa vào quy hoạch còn các trường không nằm trong quy hoạch có thể phải chuyển đổi thành trường cộng đồng hoặc trở thành phân hiệu của trường khác.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một người làm giáo dục lâu năm, ông Khuyến khẳng định, có những giai đoạn chúng ta tập trung thực hiện nhiệm vụ về giáo dục phổ cập Tiểu học, Trung học cơ sở hoặc có một số thay đổi về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình…thì số lượng học sinh tăng vọt và nhu cầu giáo viên cũng tăng vọt. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng ta đã mở ồ ạt các trường sư phạm hoặc nâng cấp các trường sư phạm lên để đào tạo cho đủ số lượng mà chưa coi trọng chất lượng đào tạo, sau đó mới tính đến việc hoàn thiện, nâng trình độ cho đội ngũ giáo viên.

Nhưng ở thời điểm hiện nay, rõ ràng quy mô học sinh không tăng trong khi đó các trường sư phạm vẫn được giao chỉ tiêu đào tạo và còn có chế độ ưu đãi đối với người học nên đã xuất hiện tình trạng thừa giáo viên.

Nhìn lại cách làm trong quá khứ, ông Khuyến cho biết, trước đây chúng ta có quy định về nhiệm vụ của các trường sư phạm, giao việc tuyển sinh cho các địa phương chịu trách nhiệm.

Điều này có nghĩa là, giáo viên trung học phổ thông do các trường đại học sư phạm trung ương đào tạo, còn đào tạo giáo viên trung học cơ sở, tiểu học, mầm non thì giao cho các trường sư phạm địa phương.

Lúc đó, chỉ tiêu tuyển sinh do chính quyền Ủy ban nhân dân của các tỉnh thành, địa phương giao nên tỷ lệ giáo viên khá ổn định.

Nhưng hiện nay có tình trạng các trường chen lấn nhau, trường ở tỉnh này lại đi tuyển sinh ở tỉnh khác, thậm chí có trường ở ngoài miền Bắc vào tận miền Nam để tuyển, có trường ở trong Nam lại lên Lai Châu để mở….

Như vậy, chúng ta thấy rõ, việc quản lý các trường đang bị buông lỏng, chúng ta cần điều chỉnh lại.

Ngoài ra, lâu nay các trường sư phạm địa phương được giao bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non còn các trường đại học sư phạm chủ yếu bồi dưỡng giáo viên Trung học phổ thông và trên đại học.

Còn hiện nay, các trường đại học sư phạm có thể tham gia bồi dưỡng hết giáo viên các cấp ở địa phương.
Do đó, chúng ta cần phải quy hoạch lại nhiệm vụ của các trường sư phạm.
Nếu nhu cầu đào tạo giáo viên giảm đi thì các trường đó vẫn có công việc bồi dưỡng giáo viên chứ không phải nơi khác đến bồi dưỡng thay.

Chỉ tiêu tuyển sinh nên giao cho chính quyền địa phương quản lý, vì chính quyền địa phương nắm rõ đội ngũ viên chức nên họ hoàn toàn biết được thừa bao nhiêu, thiếu bao nhiêu, nếu như các trường sư phạm địa phương không đáp ứng yêu cầu thì lúc đó mới nhờ đến các trường sư phạm Trung ương.

Như vậy quản lý phải mang tính hệ thống thì sẽ giải quyết được vấn đề.

Ông Khuyến cũng cho biết, theo kinh nghiệm nước ngoài các trường sư phạm không chỉ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mà còn phải làm thêm nhiệm vụ đào tạo những ngành nghề khác. Các trường đó đóng vai trò đa ngành, trong đó có nhiệm vụ sư phạm.

Khi có nhu cầu giáo viên nhiều thì tập trung đào tạo giáo viên, còn nếu không, sẽ đào tạo những ngành nghề khác đáp ứng yêu cầu địa phương.

Thùy Linh
(Nguồn: giaoduc.net.vn)
 

thaonguyen225

Thành viên dự bị
#2
Thất nghiệp là bởi vì không có tiền để chạy việc chứ chỉ cần có tiền là có việc, xã hội bây giờ nó thế
 

Bình luận bằng Facebook

Top