Văn học trong quy trình dạy ngoại ngữ

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Vào những thập kỷ sau này cho đến tận trước những năm 1990, văn học lại bị lãng quên, với những lý do: Thứ nhất, Văn học là một tài liệu rất khó đối với cả thày lẫn trò. Thứ hai, tính ứng dụng trong giao tiếp của văn học rất thấp vì ngôn ngữ văn học khác với ngôn ngữ đời thường. Khi học một ngoại ngữ, người học thường chấp nhận một lối nói chuẩn; nhưng khi học văn học quan niệm này hầu như không còn bền vững nữa.

Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, nổi lên quan điểm đưa văn học trở lại môi trường dạy ngoại ngữ. Các nghiên cứu khoa học và khảo sát cho thấy:

1. Xây dựng năng lực văn học

Khi học về ngôn ngữ đời thường học sinh phải xây dựng được cho mình một năng lực ngôn ngữ (language competence), thì văn học cũng tạo cho học sinh một năng lực văn học (literature competence) như hiểu được ý nghĩa tiềm ẩn (implicit meaning), ẩn dụ (metaphors) và mô hình phát âm (phonological patterning) và trở thành kiến thức nền tảng giúp học sinh hiểu được nhiều bài đọc với văn phong khác nhau, ở các trình độ khác nhau. (Joanne Collie & G.P. Ladousse, 1991)

2. Văn học là một tư liệu có tính khích lệ cao

Học sinh đã có một ít kiến thức về văn học trong nước cho nên sự tiếp cận với tư liệu văn học nước ngoài là một yếu tố khuyến khích sự so sánh (thought-provoking point of comparison), nhờ đó kiến thức về thế giới sẽ phong phú hơn.

3. Văn học và văn hóa mục tiêu

Văn học tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với nền văn hóa của ngôn ngữ mục tiêu. Tuy nhiên cũng cần phải nhận biết rằng văn học không phản ảnh toàn cảnh một nền văn hóa, do vậy khi chọn lựa tư liệu dạy học người thiết kế chương trình/sách giáo khoa cần xác định bình diện nào của văn hóa được phản ảnh vào văn học và độ tin cậy của nó.

Đồng thời văn học cũng không cung cấp phương thức xử lý hoặc phản ứng đối với một tình huống xã hội cụ thể như những bài học ngoại ngữ bình thường.

4. Khích lệ sự cảm thụ ngôn ngữ

Văn học khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cảm thụ ngôn ngữ (language acquistion) vì nó cung cấp những tình huống có ý nghĩa và dễ ghi nhớ và đáng ghi nhớ đồng thời rèn luyện khả năng giải thuyết ngôn ngữ (interpreting language). (Gillian Lazar, 1993)

5. Mở rộng sự hiểu biết về ngôn ngữ

Ngôn ngữ văn học ở một góc độ nào đấy khác ngôn ngữ đời thường ở chỗ nó đôi khi phá cách, không hoàn toàn tuân thủ những quy tắc kinh điển của cú pháp (syntax), sự kết hợp từ (collocation) và ngay cả phương thức liên kết (cohesion). Điều này thể hiện rõ nhất trong thơ (poetry). (Joanne Collie & G.P. Ladousse, 1991)

6. Giáo dục con người toàn diện

Trong thế giới hiện đại, con người không chỉ sống với bánh mỳ, số liệu, sơ đồ. Văn học có thể tạo ra một chức năng rộng hơn cho học sinh, đó là giúp họ một năng lực tưởng tượng, phát triển khả năng phê phán khi đọc (critical abilities) và tăng cường cảm xúc (emotional awareness). (John McRae, 1991)

7. Phương pháp sử dụng văn học trong lớp dạy ngoại ngữ

Tài liệu văn học thích hợp với cả xu hướng dựa vào kỹ năng (skills-based teaching) và dựa vào ngữ pháp (grammar-based teaching). Chúng chỉ khác nhau về cách lựa chọn, cách tổ chức và cách khai thác tài liệu (selecting, organising, exploiting material), tùy thuộc vào mục tiêu cuối cùng (learning objectives) của quy trình dạy và phương pháp tiến tới mục tiêu ấy. Hầu hết các tác phẩm quá khứ đều có thể khai thác cho kỹ năng đọc một cách có hiệu quả cho thế hệ ngày nay. Mức độ khó của tài liệu không phải nằm trong bản thân tài liệu văn học mà nằm trong phương pháp và kỹ thuật trình bày nó cho học sinh.

8. Tác động của một giờ học văn học

Khi một bài thơ Anh được đọc lên, nó gây cảm xúc cho người nghe bằng nhịp điệu duyên dáng của nó. Đó là một cách giáo dục tự nhiên về tu từ, tác động vào trái tim và tâm hồn của học sinh, khích lệ họ muốn viết, muốn nói một điều gì đó để bày tỏ tình cảm của mình. (Elena Aguilar. Ockland, California)

9. Giờ văn học là cầu nối

Văn học là một bình diện phổ quát trên thế giới, là một công cụ truyền lại ý tưởng, tình cảm và cuộc đời qua nhiều thế hệ. Học sinh được tiếp cận với văn học sẽ nối được cuộc sống của mình với thế giới của quá khứ, hiện tại và tương lai.

10. "Khi người ta nói rằng thơ là xa hoa, là tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng người, là thứ dành cho tầng lớp trung lưu, không nên dùng để đọc trong nhà trường vì nó không thích hợp, hoặc có nhiều lý do kỳ lạ và ngớ ngẩn khác nữa nói về thơ và vị trí của nó trong đời sống của chúng ta; nhưng tôi nghi ngờ rằng những người nói như vậy đã coi mọi việc trên đời quá nhẹ nhàng. Cuộc đời phức tạp cần có ngôn ngữ phức tạp để miêu tả nó - thơ là như vậy. Đây chính là điều văn chương cho chúng ta - một thứ ngôn ngữ đủ mạnh để nói về cuộc đời. Cuộc đời không phải là nơi ẩn náu. Nó là nơi để khám phá."

(Jeanette Winterson, a poet and writer, sinh ra ở Manchester, được nuôi dưỡng bởi Elim Pentecostal Church)

Ứng dụng

Năm 1991 nhà xuất bản Oxford xuất bản cuốn Paths into Poetry (Con đường vào thơ) của Joanne Collie và Gillian Porter Ladousse. Đây là cuốn sách sử dụng những bài thơ hiện đại thiết kế cho những giờ dạy trên lớp. Phương thức cấu tạo như sau:

Tiêu điểm (Focussing): bắt đầu bằng hoạt động warm-up, tạo điều kiện cho học sinh liên hệ chủ đề bài thơ với cuộc sống hàng ngày của chính họ.

Nghe và tập đọc bài thơ (Listening to and reading the poem). Qua bước này học sinh hiểu được ý chính của bài thơ, và có thể nhận diện những ý đặc biệt của nó. Giải thích nội dung bài thơ, trong đó có cả cách sử dụng ngôn ngữ: từ, sự kết hợp từ, mẫu câu, văn phong, ...

Tiếp tục luyện (Follow-up): Học sinh viết một đoạn ngắn bình luận về bài thơ. Cuối cùng, khích lệ học sinh giỏi, ham thích văn học, sáng tác một bài thơ ngắn, khoảng 4-5 câu, về cùng chủ đề của bài thơ (nếu có thể). Đây là bài tập làm theo nhóm hoặc bài tập về nhà không bắt buộc
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top