Văn học sử: Nâng cao chất lượng dạy - học như thế nào?

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Vì thế, kiến thức văn học sử vốn “khó nuốt” càng trở nên khô khan và thụ động trước HS. Làm thế nào để dạy học phần văn học sử sinh động hơn?

Hệ thống hóa kiến thức bằng bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ

Đây chính là một phương án hiệu quả, khắc phục được thực trạng thuyết trình nhàm chán của người dạy vừa "kéo" được HS vào quá trình tìm hiểu, tạo ra môi trường học chủ động, khích lệ được sự sáng tạo của HS. GV nghiên cứu kỹ bài học, sau đó lựa chọn những hình thức biểu đạt như sơ đồ, bảng biểu, hình vẽ phù hợp với nội dung kiến thức văn học sử.

Biện pháp dạy học này nhằm hệ thống hóa kiến thức theo những tiêu chí cụ thể. GV đưa ra các danh mục, các tiêu chí cụ thể hướng dẫn HS tìm hiểu bài và hoàn thiện thông tin kiến thức vào bảng biểu đã lập, qua đó hình thành và phát triển cho HS năng lực tổng hợp, khái quát, năng lực giải quyết vấn đề.

Để làm tốt biện pháp dạy học này, GV cần biết lọc thông tin, chọn lựa những kiến thức trọng tâm và làm sao xây dựng được một bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ khoa học, logic. GV có thể yêu cầu HS kẻ bảng ở vở ghi, làm nhóm vào bảng phụ hoặc trình chiếu PowerPoint...

Có thể hình dung qua một minh họa như sau:

Trong bài tổng quan văn học Việt Nam chương trình Ngữ văn 10 hiện hành GV có thể thiết kế các đơn vị kiến thức bằng một số bảng biểu sau:

Các giai đoạn phát triển của nền văn học viết trung đại Việt Nam (X – XIX)



Sử dụng sơ đồ tư duy

Một biện pháp sơ đồ hóa kiến thức cũng rất phù hợp và thú vị cho dạy học phần văn học sử là sử dụng sơ đồ tư duy (mind map). Ưu thế của sơ đồ tư duy trong hệ thống và biểu đạt các đơn vị kiến thức là từ một đối tượng trung tâm được chọn lựa, những chủ đề chính của đối tượng sẽ được tỏa rộng thành các nhánh, tạo thành hệ thống ý mạch lạc, liên kết, hỗ trợ cho nhau. Nhờ đó, kiến thức sẽ được định hướng tường minh hơn đồng thời tạo được hào hứng cho HS tham gia. Các yếu tố về màu sắc, kích thước, đường nét và kiểu dạng phong phú của sơ đồ tư duy như hình cây, hình tháp, hình bong bóng, hình cầu... sẽ tạo sự thu hút, hấp dẫn HS, giúp HS dễ dàng sáng tạo và ghi nhớ kiến thức một cách dễ dàng nhất.

Tuy nhiên, khi sử dụng sơ đồ tư duy, GV nên giám sát việc thực hiện vẽ sơ đồ ở từng nhóm, từng cá nhân. Lưu ý HS không nên quá cầu kỳ trong vẽ sơ đồ, tô màu, không nên sử dụng quá nhiều ngôn ngữ khiến sơ đồ bị rối và tốn nhiều thời gian. HS lựa chọn từ khóa và hình ảnh có giá trị thể hiện khả năng sáng tạo, tư duy và ý tưởng của người học. Đồng thời qua sơ đồ HS có thể khơi gợi sự liên kết, liên tưởng và làm dựng dậy những kiến thức phong phú về bài học. Từ đó giúp HS nhìn nhận được mối dây liên kết giữa các giai đoạn, khuynh hướng văn học và có thể lý giải sâu sắc sự vận động của văn học nằm trong tiến trình của nó.

Có thể hướng dẫn HS thực hiện sơ đồ tư duy khi học văn bản: Tác giả Nam Cao (Chương trình Ngữ văn 11, tập 1, sách giáo khoa hiện hành).

Học sinh chọn từ khóa: Nam Cao, sau đó chọn năm nhánh bao gồm: Cuộc đời, con người, quan điểm sáng tác, các đề tài chính và phong cách nghệ thuật.

Xây dựng các trò chơi đội nhóm

Hình thức dạy học này tạo được hứng thú cho người học đồng thời đòi hỏi sự sáng tạo của người dạy. Có ba mức độ khác nhau trong xây dựng trò chơi ở một tiết học. Thứ nhất là sử dụng trò chơi để khởi động, kích thích tâm thế học tập. Thứ hai là trò chơi để khích thích học tập, lúc này trò chơi là sự lồng ghép nội dung học tập, tạo nên một không khí sôi động, hào hứng cho lớp học. Thứ ba là trò chơi khám phá tri thức, giáo viên đưa ra những tình huống có vấn đề, HS tham gia cuộc chơi tự mình thực hiện việc chiếm lĩnh tri thức, mức độ này đòi hỏi người tham gia phải sáng tạo, tư duy để đưa ra kết quả đúng.

Để tổ chức trò chơi khám phá tri thức có hiệu quả tối ưu, giáo viên cần lưu ý những vấn đề sau: Trò chơi phải thích hợp với đặc điểm của người học, chú trọng phân tích ý nghĩa sau khi thực hiện trò chơi. GV cần nhận thức được rằng trò chơi chỉ là cơ sở, mà mục tiêu chính của nó là rút ra bài học từ trò chơi mới là mục đích cuối cùng của hình thức học tập này. Vì vậy, giáo viên không chỉ đầu tư vào cách tổ chức chơi mà còn chuẩn bị chu đáo cho phần phân tích ý nghĩa của trò chơi, nếu quá chú trọng tính sôi động của trò chơi GV có thể đi lệch trọng tâm và mục tiêu bài học.

Một số dạng trò chơi có thể sử dụng trong dạy học văn bản văn học sử: Trò chơi ô chữ; đội nào nhanh hơn; nhìn hình đoán chữ, cắt dán đề có nội dung đúng; hiểu ý đồng đội, trò chơi điền vào ô trống...

Khi học bài "Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIV, SGK Ngữ văn 11, tập 1 trang 82, NXB Giáo dục, 2007", GV có thể sử dụng trò chơi ô chữ để khảo sát, tổng hợp các kiến thức HS. Ví dụ, để HS tìm ra từ khóa "QUỐC NGỮ" GV có thể đưa ra gợi ý: Có bảy chữ cái, đây là chữ viết được sử dụng thay thế chữ Hán và chữ nôm? Tác phẩm đầu tiên sử dụng chữ viết này là truyện ngắn Thầy La -za-rô Phiền của Nguyễn Trọng Quản?

Thực hiện dạy học bằng hình thức trò chơi không những mang lại tri thức và kĩ năng cho HS, mà còn tạo nên tính hợp tác, đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau trong tập thể lớp học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc GV muốn xây dựng được các trò chơi trong hoạt động dạy học phần văn học sử nói chung, dạy môn Ngữ văn nói riêng đòi hỏi sự đầu tư, sáng tạo, tâm huyết, không ngừng tìm tòi để đưa những phương án, biện pháp dạy học mới mẻ, thú vị.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top