Từ thực tế sai sót, thầy cô lưu ý thí sinh khi làm hồ sơ ĐKDT

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Từ thực tế, các thầy cô là cán bộ quản lý trong trường THPT đưa ra lời khuyên hữu ích cho thí sinh nhằm thực hiện tốt nhất việc này.

Thầy Trần Đình Nam - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang): Không nên tham nhiều ngành dù được đăng ký nhiều

Khi viết Phiếu đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH, CĐ, thí sinh cần đọc kỹ các thông tin trước khi viết. Những phần nào chưa hiểu, hỏi giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ phụ trách hồ sơ.

Nên phô tô thêm bản để viết nháp trước khi viết chính thức cho chuẩn xác.

Việc lựa chọn số lượng nguyện vọng, chọn ngành, nghề, chọn trường, thí sinh phải nghiên cứu kỹ thông tin. Số lượng nguyện vọng mặc dù không giới hạn nhưng không vì thế mà chọn số lượng lớn. Các em chọn từ 5 đến 7 nguyện vọng là đủ.

Tại Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang), Ban giám hiệu nhà trường đã họp, ra quyết định thành lập Ban thu hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017. Ban này gồm 13 người, trong đó có 10 người là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, làm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh viết Phiếu đăng ký dự thi, thu hồ sơ, rà soát, kiểm tra thông tin học sinh dự thi, nhập dữ liệu vào phần mềm quản lí thi và nộp danh sách, hồ sơ về Sở GD&ĐT đúng hạn.

Ban giám hiệu bám vào công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT lên lịch công tác tổng thể trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017, yêu cầu giáo viên, học sinh đọc và ghi lại nội dung công việc, mốc thời gian để thực hiện cho đúng.

Ban giám hiệu hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm khối 12, lớp trưởng, bí thư các lớp 12 cách viết các loại Phiếu (Phiếu đăng ký dự thi và xét ĐH, CĐ, Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp,…)

Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng, bí thư về lớp hướng dẫn các bạn viết hồ sơ. Ban giám hiệu lên lịch viết hồ sơ cho các lớp và có cử 2 cán bộ phụ trách thu hồ sơ, nhập dữ liệu đến tận lớp hỗ trợ nếu cần thiết.

Giáo viên chủ nhiệm thu hồ sơ dự thi của lớp mình, có trách nhiệm kiểm tra thông tin học sinh ở Phiếu ĐKDT với lại các loại giấy tờ, học bạ, sổ điểm cho khớp nhau trước khi nộp cho Ban thu hồ sơ.

Ban thu hồ sơ, khi thu lại kiểm tra lại thông tin của học sinh trên từng hồ sơ trước khi nhập dữ liệu vào phần mềm quản lí thi.

Nhập dữ liệu ĐKDT, in danh sách thí sinh dự thi theo vần a,b,c,… và cho kiểm tra chéo giữa các lớp, giữa các giáo viên chủ nhiệm ít nhất 3 lần. Khi dữ liệu chính xác và đầy đủ thì nộp về Sở GD&ĐT danh sách dự thi và các Phiếu ĐKDT đúng hạn.

Cô Nguyễn Thị Quốc Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên): Nên nháp trước khi viết chính thức

Trên thực tế, kỹ năng viết phiếu đăng ký dự thi của học sinh kém, do đó, nên viết thử ra bản phô tô cho các giáo viên kiểm tra hộ trước khi viết ra phiếu chính thức.

Năm nay, thí sinh được đăng ký nhiều ngành, nhưng các em không nên đăng ký quá nhiều mà hãy cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ngành, trường thực sự phù hợp với năng lực, sở trường, định hướng đầu ra, đặc biệt chú trọng vào nguyện vọng 1.

Học sinh cần kiểm tra thật kỹ thông tin cá nhân, kể cả trong danh sách các thầy cô đưa cho để ký và thông tin trên hệ thống quản lý thi.

Thực tế tiến hành thu hồ sơ, có những học sinh dù được các thầy cô yêu cầu kiểm tra lại không chỉ 1 lần thông tin cá nhân nhưng vẫn có sai sót. Đặc biệt là thông tin về mã ngành cần kiểm tra kỹ vì đó là quyền lợi sát sườn của các em. Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh cũng nên quan tâm, kiểm tra các thông tin đó cùng con em mình.

Trường THPT Chu Văn An bắt đầu tiến hành việc thu hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia từ ngày 4/4. Việc làm chứng minh thư và chụp ảnh cho thí sinh đã xong từ trước đó.

Nhà trường cũng đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh như: Tổ chức tuyên truyền về nội dung này dưới cờ; giao một giáo viên dạy công nghệ kiêm hướng nghiệp chuyên giải đáp, hướng dẫn học sinh theo từng lớp; tổ chức hội nghị phổ biến cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm để nắm vững thông tin khi hướng dẫn học sinh; đã tổ chức thi thử lần 2 và công bố kết quả - là 1 cơ sở để học sinh chọn ngành, chọn trường…

Thầy Phí Văn Sốp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên): Không mất nhiều thời gian cho viết, ĐKDT vì nhiệm vụ chính là học tập

Học sinh cần xem xét kỹ lưỡng khả năng của bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp, không chạy theo phong trào hay chọn trường chỉ vì bạn mình chọn trường đó.

Học sinh có học lực trung bình trở xuống nên xem xét đăng ký các trường trong hệ thống đào tạo nghề.

Không mất quá nhiều thời gian cho việc viết và đăng ký dự thi vì nhiệm vụ chính phải là học tập.

Đặc biệt lưu ý đến độ chính xác các thông tin khi khai Phiếu đăng ký dự thi, đảm bảo các Phiếu có thông tin trùng khớp.

Thí sinh cũng cần ghi lại các mốc thời gian chính để thực hiện.

Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Không nên vội vã nộp hồ sơ

Để tránh sai sót có thể dẫn đến hư hao hồ sơ gây lãng phí, nhà trường lưu ý học sinh không nên vội vã và cần đọc thật kỹ các yêu cầu trên phiếu đăng ký, nhất là phần đăng ký xét tuyển đại học, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các ngành, các trường.

Muốn vậy, học sinh phải dành thời gian tìm hiểu sâu các thông tin của các trường đại học. Tự rà soát năng lực của mình và điều kiện kinh tế gia đình để chọn trường phù hợp.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top