Tự học, tự bồi dưỡng - một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Xã hội càng phát triển, giáo dục đào tạo cũng phát triển theo, đòi hỏi ngày càng cao hơn phẩm chất năng lực của đội ngũ giáo viên. Tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất giúp người giáo viên tiến bộ, trưởng thành, có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đào tạo được giao.

Đối với đội ngũ giáo viên trong các trường Tiểu học thì công tác tự học, tự bồi dưỡng lại gặp những khó khăn, phức tạp riêng các trường đa số dạy 2 buổi trên ngày cho nên việc bố trí, sắp xếp quỹ thời gian cho giáo viên tự học, tự bồi dưỡng không nhiều. Bản thân đội ngũ giáo viên dạy văn hóa phải dạy nhiều môn học nên khả năng hiểu biết chuyên sâu về kiến thức còn hạn chế. Vậy con đường nào giúp giáo viên tự học, tự bồi dưỡng có hiệu quả? Đây là vấn đề trăn trở của đội ngũ giáo viên ở các trường Tiểu học hiện nay.

Trong bài viết này dưới góc độ của người giáo viên dạy Tiểu học, để quá trình tự học, tự bồi dưỡng đạt chất lượng, hiệu quả bản thân người giáo viên cần có những biện pháp sau:

Một là, mỗi giáo viên trước hết phải nhận thức được vị trí,vai trò, trách nhiệm về tự học, tự bồi dưỡng. Chỉ khi nhận thức đúng thì bản thân mỗi giáo viên mới chuyển hóa được nhu cầu, đòi hỏi của xã hội thành động cơ mục đích của cá nhân, từ đó mới chủ động, tích cực, tự giác phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng.

Hai là, ngay từ đầu năm học, bản thân mỗi giáo viên cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng khoa học.Trong kế hoạch này cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian tự học, tự bồi dưỡng.

Khi xây dựng kế hoạch giáo viên phải thể hiện rõ những nét phẩm chất, nhân cách, đạo đức nghề nghiệp cần hoàn thiện. Những kiến thức, kĩ năng sư phạm, phương pháp dạy học, …cần bổ sung. Để xây dựng một kế hoạch khoa học, giáo viên cần dựa trên kế hoạch của trường.

Ngoài ra cần tham khảo thêm Thông tư 26/2012/TT/BGDĐT ban hành ngày 10/7/2012 về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Mầm non, Phổ thông và Giáo dục thường xuyên. Thông tư 32/2011/TT/BGDĐT ban hành ngày 8/8/2011 về Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Tiểu học.

Từ đó giáo viên lựa chọn, thống kê các phần công việc cần làm, những yêu cầu cụ thể cần đạt được, mốc thời gian và mức độ hoàn thành phù hợp với điều kiện và năng lực bản thân. Sau khi lập được kế hoạch mỗi giáo viên phải có quyết tâm, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần chủ động, kiên trì vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Ba là, người giáo viên cần sắp xếp thời gian tự học, tự bồi dưỡng cho phù hợp với đặc trưng công việc của mình. Thời gian tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên Tiểu học rất hạn chế do vậy mỗi giáo viên cần sắp xếp thời gian tự học qua sinh hoạt chuyên môn ở tổ, nhóm, qua dự giờ thăm lớp, qua tham dự các buổi chuyên đề, tập huấn, hội thảo do trường, Phòng giáo dục - đào tạo, các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức…vào hè hoặc trong năm học. Ngoài ra người giáo viên cần tham gia tự học, tự bồi dưỡng vào ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Bốn là, giáo viên Tiểu học cần xác định được nội dung tự học, tự bồi dưỡng phù hợp. Tự học, tự bồi dưỡng ở đây không chỉ bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn bồi dưỡng về đạo đức, tác phong, kĩ năng sư phạm. Trong quá trình bồi dưỡng về đạo đức, tác phong, kĩ năng sư phạm người giáo viên cần học tập ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Học tập, bồi dưỡng thông qua các mối quan hệ với đồng nghiệp, với phụ huynh, với học sinh, với xã hội. Từ đó hoàn thiện nhân cách người giáo viên. Khi bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ giáo viên Tiểu học cần biết lựa chọn tài liệu, nghiên cứu thu thập thông tin một cách có chọn lọc phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Giáo viên có thể tìm tài liệu bồi dưỡng qua sách báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet, qua sinh hoạt chuyên môn…Giáo viên cần bổ sung kịp thời những kiến thức về tin học, ngoại ngữ, đổi mới về phương pháp, trang bị cho mình những kiến thức về văn hóa, xã hội, những hiểu biết pháp luật.

Năm là, để quá trình tự học, tự bồi dưỡng có hiệu quả người giáo viên Tiểu học phải biết lựa chọn các hình thức bồi dưỡng phù hợp với khả năng, sở trường của mình. Hình thức tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động cá nhân giảng dạy, nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu các công văn, chỉ thị, thông tư…Hình thức tự học, tự bồi dưỡng qua hoạt động tập thể như tham gia các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, qua các hoạt động chính trị, xã hội, qua đào tạo nâng chuẩn.

Sáu là, trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng người giáo viên phải biết tự kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng. Hoạt động này giúp giáo viên nhìn nhận lại những việc đã làm và chưa làm được trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhằm đạt mục tiêu bồi dưỡng.

Tự học, tự bồi dưỡng được hình thành trong quá trình luyện tập kiên trì có hệ thống, trên cơ sở ý thức trách nhiệm, tính tự giác cao. Qua đó giáo viên sẽ say sưa với nội dung học tập, biến chúng thành hiểu biết và chuyển thành niềm tin, thế giới quan khoa học, luôn tạo ra được trạng thái phấn khởi, hứng thú; biết tranh thủ tận dụng có hiệu quả mọi khoảng thời gian có thể để tự học, tự nghiên cứu; luôn tìm cách hiểu sâu những nội dung đã biết và khám phá những điều chưa biết; hình thành thái độ động cơ phấn đấu đúng đắn, để hoàn thiện phẩm chất nhân cách, nâng cao năng lực, phương pháp, tác phong công tác và uy tín nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top