Quà Tết chỉ là những tấm chân tình của học trò và phụ huynh dành cho họ. Trong tâm khảm họ luôn ước mong những điều tốt đẹp nhất đến với các em học sinh và Tết này các em lại ăm ắp niềm vui đủ đầy.
Xa gia đình dạy học miền sông nước
Sinh năm 1966 với hơn 20 năm dạy học trên huyện đảo Ngọc Hiển (Cà Mau) nhưng cô Nguyễn Bạch Yến Phương - giáo viên của điểm trường Dinh Hạ, Trường Tiểu học 1 Tân Ân chưa biết đến khái niệm thưởng Tết hay quà tặng của học sinh, phụ huynh là gì. Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp "trồng người" nơi đất đảo, cô Nguyễn Bạch Yến Phương chỉ có một tâm niệm đó là, học sinh được đầy đủ hơn, no ấm hơn và không còn khoảng cách giáo dục giữa đất liền và đảo.
Chẳng thế mà, ngày Tết cô và các đồng nghiệp thường trích một phần lương của của mình để tặng quà cho các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Hễ nghe được chương trình quà tặng ở đâu là cô liên hệ để học sinh của mình được thụ hưởng. "Những ngày này, chúng tôi thường tất bật lo Tết cho trò. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, miễn là tốt cho các em học sinh thân yêu" - cô Nguyễn Bạch Yến Phương bộc bạch.
Qua tìm hiểu được biết, cô Nguyễn Bạch Yến Phương sinh năm 1966, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, thời gian đầu, cô về công tác ở huyện Năm Căn. Đến năm 1994, cô tình nguyện rời xa gia đình về miền sông nước là huyện đảo Ngọc Hiển để công tác.
Cô Nguyễn Bạch Yến Phương nhớ lại: Còn nhớ ngày đầu đặt chân đến Tân Ân - một miền quê mà dân gian hay có câu ví “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Ngày ấy cô mới ngoài hai mươi tuổi, cuộc sống vẫn còn mộng mơ, vậy mà hiện thực trước mặt cô chỉ mênh mông toàn là sông nước, cầu khỉ. Trong khi đó, từ bé cho tới lúc cô trưởng thành cô chưa từng đặt chân lên cầu khỉ. "Ngay lập tức, trong tôi đã mường tượng ra rất nhiều khó khăn phía trước. Tôi cảm thấy hoang mang và lo lắng. Có lần khi đi dạy, tôi bị ngã xuống sông, học trò phải nhảy xuống cứu giúp" - cô Nguyễn Bạch Yến Phương tâm sự.
Năm tháng trôi qua, cô quen dần với cuộc sống nơi đây và trở nên gắn bó, yêu thương mảnh đất này. Cô đã vượt qua nỗi sợ hãi khi đặt chân đến đây và chính những năm tháng ấy đã trở thành kỷ niệm, trở thành động lực để cô tiếp tục hành trình "gieo chữ" của mình.
"Tôi nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng đất đảo này. Quan điểm của tôi là, không chỉ dạy các em kiến thức văn hóa mà còn hướng dẫn các em phát triển kỹ năng, đơn giản là khuyến khích các em đi học chuyên cần, rèn luyện nền nếp học tập, tránh xa các tệ nạn xã hội, giữ gìn sức khỏe, biết tự chăm sóc bản thân..." - cô Nguyễn Bạch Yến Phương bộc bạch.
Hy sinh niềm vui riêng gắn bó với xã đảo
Cũng sinh năm 1966, cô giáo Nguyễn Thị Hợi đã có 30 năm công tác ngoài xã đảo. Hiện cô đang là giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Bản Sen, xã đảo Bản Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh). Cô Nguyễn Thị Hợi cho hay: Ngày mới ra đảo dạy học, điện, đường không có, nước sạch cũng không, khó khăn thiếu thốn đủ bề, khiến việc dạy - học của thầy và trò càng thêm khó khăn vất vả.
Đã có những lúc, cô nản lòng và định bỏ cuộc. Nhưng rồi chính sự hồn nhiên, vô tư và hiếu học của các em học sinh đã níu chân cô lại và cô đã gắn bó với vùng đất đảo này cho đến ngày hôm nay. Dạy học ngoài đảo, đồng nghĩa với việc cô Nguyễn Thị Hợi đã phải hi sinh nhiều niềm vui riêng.
Cô kể: Ngày trước, nhiều học sinh muốn bỏ học để theo bố mẹ đi biển, cô đã phải trực tiếp "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động các em đến trường. Cô Nguyễn Thị Hợi cho biết, hiện nay, xã đảo Bản Sen đã có điện lưới, trường lớp đã được đầu tư khang trang hơn. Song so với đất liền, thì giáo viên và các em vẫn còn có nhiều khó khăn, vất vả. Ở trường, cô và các đồng nghiệp phải tăng gia sản xuất như: Trồng rau, nuôi gà, vịt để cải bữa ăn hàng ngày.
Nói về ngày Tết, cô Nguyễn Thị Hợi hồ hởi chia sẻ: Quà tặng đơn giản chỉ là những lời chúc vẫn còn vụng về của phụ huynh và các em học sinh nhưng lại rất đỗi chân thành, đáng trân trọng. Có gia đình còn tặng cô giáo vài con cá biển để ăn Tết. "Tết của những giáo viên như chúng tôi đơn giản là vậy. Song đó là tình cảm không gì có thể sánh được. Và chính những điều giản dị, thân thương ấy đã là điểm tựa giúp tôi vượt qua khó khăn và nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng đảo" - cô Nguyễn Thị Hợi trải lòng.
"Cuộc sống tuy vất vả nhưng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Tôi thấy hài lòng và không hối hận vì sự lựa chọn của mình. Ở đây phụ huynh, học sinh sống rất tình cảm, biết thương yêu lẫn nhau và luôn kính trọng thầy, cô giáo". Cô Nguyễn Thị Hợi
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
Xa gia đình dạy học miền sông nước
Sinh năm 1966 với hơn 20 năm dạy học trên huyện đảo Ngọc Hiển (Cà Mau) nhưng cô Nguyễn Bạch Yến Phương - giáo viên của điểm trường Dinh Hạ, Trường Tiểu học 1 Tân Ân chưa biết đến khái niệm thưởng Tết hay quà tặng của học sinh, phụ huynh là gì. Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp "trồng người" nơi đất đảo, cô Nguyễn Bạch Yến Phương chỉ có một tâm niệm đó là, học sinh được đầy đủ hơn, no ấm hơn và không còn khoảng cách giáo dục giữa đất liền và đảo.
Chẳng thế mà, ngày Tết cô và các đồng nghiệp thường trích một phần lương của của mình để tặng quà cho các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Hễ nghe được chương trình quà tặng ở đâu là cô liên hệ để học sinh của mình được thụ hưởng. "Những ngày này, chúng tôi thường tất bật lo Tết cho trò. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, miễn là tốt cho các em học sinh thân yêu" - cô Nguyễn Bạch Yến Phương bộc bạch.
Qua tìm hiểu được biết, cô Nguyễn Bạch Yến Phương sinh năm 1966, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, thời gian đầu, cô về công tác ở huyện Năm Căn. Đến năm 1994, cô tình nguyện rời xa gia đình về miền sông nước là huyện đảo Ngọc Hiển để công tác.
Cô Nguyễn Bạch Yến Phương nhớ lại: Còn nhớ ngày đầu đặt chân đến Tân Ân - một miền quê mà dân gian hay có câu ví “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Ngày ấy cô mới ngoài hai mươi tuổi, cuộc sống vẫn còn mộng mơ, vậy mà hiện thực trước mặt cô chỉ mênh mông toàn là sông nước, cầu khỉ. Trong khi đó, từ bé cho tới lúc cô trưởng thành cô chưa từng đặt chân lên cầu khỉ. "Ngay lập tức, trong tôi đã mường tượng ra rất nhiều khó khăn phía trước. Tôi cảm thấy hoang mang và lo lắng. Có lần khi đi dạy, tôi bị ngã xuống sông, học trò phải nhảy xuống cứu giúp" - cô Nguyễn Bạch Yến Phương tâm sự.
Năm tháng trôi qua, cô quen dần với cuộc sống nơi đây và trở nên gắn bó, yêu thương mảnh đất này. Cô đã vượt qua nỗi sợ hãi khi đặt chân đến đây và chính những năm tháng ấy đã trở thành kỷ niệm, trở thành động lực để cô tiếp tục hành trình "gieo chữ" của mình.
"Tôi nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng đất đảo này. Quan điểm của tôi là, không chỉ dạy các em kiến thức văn hóa mà còn hướng dẫn các em phát triển kỹ năng, đơn giản là khuyến khích các em đi học chuyên cần, rèn luyện nền nếp học tập, tránh xa các tệ nạn xã hội, giữ gìn sức khỏe, biết tự chăm sóc bản thân..." - cô Nguyễn Bạch Yến Phương bộc bạch.
Hy sinh niềm vui riêng gắn bó với xã đảo
Cũng sinh năm 1966, cô giáo Nguyễn Thị Hợi đã có 30 năm công tác ngoài xã đảo. Hiện cô đang là giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Bản Sen, xã đảo Bản Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh). Cô Nguyễn Thị Hợi cho hay: Ngày mới ra đảo dạy học, điện, đường không có, nước sạch cũng không, khó khăn thiếu thốn đủ bề, khiến việc dạy - học của thầy và trò càng thêm khó khăn vất vả.
Đã có những lúc, cô nản lòng và định bỏ cuộc. Nhưng rồi chính sự hồn nhiên, vô tư và hiếu học của các em học sinh đã níu chân cô lại và cô đã gắn bó với vùng đất đảo này cho đến ngày hôm nay. Dạy học ngoài đảo, đồng nghĩa với việc cô Nguyễn Thị Hợi đã phải hi sinh nhiều niềm vui riêng.
Cô kể: Ngày trước, nhiều học sinh muốn bỏ học để theo bố mẹ đi biển, cô đã phải trực tiếp "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động các em đến trường. Cô Nguyễn Thị Hợi cho biết, hiện nay, xã đảo Bản Sen đã có điện lưới, trường lớp đã được đầu tư khang trang hơn. Song so với đất liền, thì giáo viên và các em vẫn còn có nhiều khó khăn, vất vả. Ở trường, cô và các đồng nghiệp phải tăng gia sản xuất như: Trồng rau, nuôi gà, vịt để cải bữa ăn hàng ngày.
Nói về ngày Tết, cô Nguyễn Thị Hợi hồ hởi chia sẻ: Quà tặng đơn giản chỉ là những lời chúc vẫn còn vụng về của phụ huynh và các em học sinh nhưng lại rất đỗi chân thành, đáng trân trọng. Có gia đình còn tặng cô giáo vài con cá biển để ăn Tết. "Tết của những giáo viên như chúng tôi đơn giản là vậy. Song đó là tình cảm không gì có thể sánh được. Và chính những điều giản dị, thân thương ấy đã là điểm tựa giúp tôi vượt qua khó khăn và nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng đảo" - cô Nguyễn Thị Hợi trải lòng.
"Cuộc sống tuy vất vả nhưng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Tôi thấy hài lòng và không hối hận vì sự lựa chọn của mình. Ở đây phụ huynh, học sinh sống rất tình cảm, biết thương yêu lẫn nhau và luôn kính trọng thầy, cô giáo". Cô Nguyễn Thị Hợi
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại