Truyền đam mê trong từng tiết học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thầy Hoàng Đức Mạnh - Trường THCS Lê Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội): Trao khát vọng

Tâm huyết với câu nói “môn học không mang lại vinh quang cho người dạy, mà chính người dạy mang lại vinh quang cho môn học”, thầy Hoàng Đức Mạnh đã áp dụng nhiều phương pháp giáo dục để lôi kéo học trò đến với môn Lịch sử.

Trong quá trình giảng dạy, thầy tạo tâm thế thoải mái, hướng dẫn học sinh tìm hiểu những kiến thức một cách đơn giản, gần gũi, dễ hiểu; Đặc biệt thầy luôn sử dụng sơ đồ hóa kiến thức trong giảng dạy, biến những kiến thức khô khan, phức tạp trở nên trực quan, gần gũi, sinh động. Qua thực tiễn giảng dạy, thầy đã đúc kết và viết thành các sáng kiến kinh nghiệm. Các sáng kiến này đều đạt giải B, C cấp ngành và phổ biến trong toàn huyện.

“Trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi thường nói mục tiêu của đội tuyển là đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu duy nhất; mà vào đội tuyển còn là cơ hội để rèn luyện phẩm chất, năng lực và phương pháp tư duy logic. Nhờ đó, nhiều học sinh tình nguyện xin vào đội tuyển để được hoàn thiện và thay đổi chính mình” - thầy Mạnh chia sẻ.

Nhờ thường xuyên kết nối và trao đổi với các thế hệ học sinh thuộc đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của huyện để tiếp lửa đam mê học sử cho đàn em, đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử do thầy đảm nhiệm luôn nằm trong top đầu so với các đội tuyển học sinh giỏi các môn văn hoá khác. Năm học 2018 - 2019, đội tuyển học sinh giỏi của huyện Mỹ Đức do thầy Mạnh phụ trách tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố có 9/10 học sinh đạt giải; trong đó có 2 giải Nhất, 1 giải Nhì, 5 giải Ba, 1 giải Khuyến khích, dẫn đầu toàn thành phố.

Không chỉ mát tay trong rèn luyện học sinh giỏi, thầy Mạnh còn thành lập Câu lạc bộ “GÚT BAI GAME”, thu hút tất cả học sinh đang chơi và nghiện trò chơi tham gia. Từ câu lạc bộ này, nhiều em đã giảm thời gian chơi trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, thầy Mạnh luôn quan tâm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, dành nhiều thời gian, công sức giúp những học sinh cá biệt trở nên ngoan ngoãn. Nhiều học sinh từng ham chơi, có biểu hiện chán học, bỏ nhà nhưng được thầy Mạnh quan tâm, dạy dỗ đã thay đổi, tích cực học tập và trở thành học sinh khá, giỏi; trong đó có nhiều em thành công trong cuộc sống.


Thầy Hoàng Đức Mạnh luôn đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Ảnh: NVCC

Cô Hồ Thị Huyền Trang - Trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức, Hà Nội): Chạm vào trái tim mỗi trò

12 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng và buồn, vui cùng học trò, cô Hồ Thị Huyền Trang tâm niệm: Người thầy là người “cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim”. Vì thế cô luôn trăn trở, làm thế nào để thu hút học sinh hứng thú với môn Địa lí. Với phương châm dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, cô Trang đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, tìm tòi và thiết kế kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của lớp học. Một trong những giải pháp hữu hiệu là áp dụng dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và hoạt động theo các nhóm nhỏ (nhóm đôi, nhóm ba). Các nhiệm vụ học tập được thiết kế thành phiếu thông tin phản hồi một cách khoa học, giúp hoạt động nhóm hiệu quả hơn.

Trong mỗi giờ học, cô Trang chú trọng trình bày trên bảng, biến tấm bảng xanh trở thành khung hình với những hình vẽ, sơ đồ sinh động. Cô đã thiết kế các mô hình, đồ dùng dạy học như: Mô hình đường đồng mức, các hành tinh trong Hệ Mặt trời.... Ngoài ra, nhằm giúp học sinh có khả năng vận dụng kiến thức liên môn, cũng như phát triển tư duy theo hướng quan sát - phân tích và đúc kết, trong quá trình giảng dạy, cô lồng ghép các thí nghiệm khoa học vào những nội dung phù hợp. Phương thức này phù hợp với phương pháp dạy học dự án, nhằm phát huy tính chủ động, tích cực cho học sinh.

Cùng với đó, cô Trang áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Các ứng dụng được cô lựa chọn là: Thực tế ảo, tăng cường VR, AR qua đó giúp học sinh trải nghiệm kiến thức một cách sinh động. Đặc biệt, việc sử dụng các phần mềm trong kiểm tra, đánh giá đã tăng tính khoa học, hiệu quả của công việc này. Kiến thức địa lí còn được cô Trang thể hiện sinh động qua các câu chuyện, bài thơ, ca dao tục ngữ; từ đó góp phần tăng hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học.

Minh Phong
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top