Truyền cảm hứng với môn học khó

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tuy nhiên trong quá trình học tập học sinh phải chịu những áp lực nhất định về thi cử, điểm số, áp lực về sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ… dẫn tới mất đi một phần háo hức học tập, mệt mỏi và bão hòa cảm xúc. Truyền cảm hứng cho học sinh học tập là việc làm cần thiết của giáo viên để quá trình giáo dục thêm hiệu quả.

Học cho đủ

Theo cô Trần Minh Yến – Giáo viên Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc): Ngữ văn là môn học có nhiều đặc thù. Môn học này không chỉ giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới mà còn tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách, bồi đắp cho học sinh những tình cảm, lẽ sống trong sáng, cao đẹp như: lòng nhân ái, đức hy sinh, tính vị tha, tinh thần yêu nước…

Mặt khác, không có con đường giáo dục nào ý nghĩa hơn bằng việc giáo dục con người vươn tới cái đẹp, sự cao cả. Tuy nhiên nghịch lý cho thấy không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của những giá trị nhân văn có ý nghĩa thầm lặng ấy. Tâm lý thực tế thực dụng len lỏi vào đời sống, chi phối thế giới quan và cách hành xử của nhiều học trò.

Đối với bộ môn Ngữ văn trong nhà trường, nhiều học sinh không tha thiết, không có hứng thú với việc học môn Ngữ văn, mà tập trung nhiều vào khoa học tự nhiên, nhất là các môn Toán, Lý, Hóa hay Ngoại ngữ…

Đáng nói ý thức học tập môn Ngữ văn của nhiều học sinh không cao, không chịu khó đọc tác phẩm, không soạn bài về nhà, lười luyện bút trong những giờ thực hành vận dụng. Thậm chí các em còn làm bài của các môn khác trong giờ Ngữ văn. Các em chấp nhận điểm số thấp như một điều tự nhiên, nhiều em còn lấy đó làm niềm vui, hứng thú.

Học sinh chưa thấu cảm được ý nghĩa của việc học môn Ngữ văn trong việc hình thành đạo đức, nhân cách và trong cuộc sống sau này. Nhiều em tách rời giá trị của văn học với đời sống và ít sáng tạo trong cảm thụ văn học, lười tư duy, suy nghĩ…

Với thực trạng đáng lo ngại này, việc truyền cảm hứng học tập ngữ văn tới học sinh là vô cùng cần thiết mà không phải giáo viên nào cũng làm được để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục cũng như giáo dục đạo đức học trò.

Truyền cảm hứng với môn học khó

Cô Yến cho rằng: Để bài học hấp dẫn, truyền cho học sinh niềm cảm hứng say mê, thích thú trước hết người thầy phải dành thời gian thích hợp cho quá trình soạn bài, nghiên cứu sách giáo khoa, sách bài tập, sách nghiên cứu; tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu, tri thức khác nhau.

Giáo viên cần căn cứ vào đối tượng giảng dạy và xác định nội dung trọng tâm, không nên dạy dàn trải, cung cấp quá nhiều kiến thức mà không có điểm nhấn, kiến thức sẽ giống như dòng nước chảy ào ạt nhưng khó đọng lại, học rất nhiều nhưng hiểu chẳng được bao nhiêu.

Mặt khác, để nội dung bài học phong phú, phát huy hết năng lực tiềm ẩn của người học, giáo viên có thể đặt một đơn vị kiến thức trong bài học soi chiếu với kiến thức của các môn học liên quan. Tích hợp liên môn trong bài học một cách khéo léo, hiệu quả cũng là cách tạo cảm hứng cho người học.

Truyền đến học sinh cảm hứng học Ngữ văn cũng rất cần tới phương pháp dạy học tích cực. Phương pháp này đã được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong nghệ thuật truyền cảm hứng cho học sinh trong giảng dạy Ngữ văn được thông qua nhiều kĩ thuật như kĩ thuật vấn đáp, kĩ thuật thuyết trình, kĩ thuật đóng vai.

Ở kĩ thuật vấn đáp, giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời. Qua đó, học sinh phát triển được tư duy, nhận thức; giáo viên đánh giá được mức độ tiếp nhận kiến thức, kĩ năng của người học. Tuy nhiên để bài học hấp dẫn, không nhất thiết phải đặt quá nhiều câu hỏi vấn đáp, nhưng giáo viên đã hỏi câu nào thì phải thực sự phát triển trí tuệ, khả năng tư duy, lập luận , khả năng ngôn ngữ của học trò…

Kĩ thuật thuyết trình của giáo viên cũng là một trong những kĩ thuật quan trọng góp phần khơi gợi được hứng thú của học sinh trong quá trình học tập, tạo nên thành công của một giờ dạy văn. Để có được những lời thuyết giảng hay nhất định thầy không chỉ có kiến thức sâu rộng mà còn phải có cả những cảm nhận văn học rất riêng với giọng điệu riêng, cách nói riêng...

Nghệ thuật sư phạm của thầy, cô cũng được cô Yến đánh giá là nguồn động lực bất tận của cảm hứng. Bởi nói đến nghệ thuật sư phạm là nói đến tài năng tổng hợp trên nhiều phương diện của thầy cô.

Tài năng đó không chỉ được thể hiện qua kiến thức sâu rộng, phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo có tác dụng khơi truyền nguồn cảm hứng mà tài năng đó còn được thể hiện trong rất nhiều cảnh huống diễn ra khi thực hiện hoạt động giáo dục.

Tiêu biểu nhất là tài năng ứng xử của các tình huống sư phạm. Tình huống ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, đó có thể là tình huống được nảy sinh trong bài học, qua các bài kiểm tra hoặc trong đời sống hàng ngày của thầy và trò…

Khi thực hiện đổi mới sáng tạo qua nghệ thuật truyền cảm hứng cho học sinh trong giảng dạy môn Ngữ văn, cô Yến cho biết mục tiêu của những giải pháp không những có ích với các cấp quản lý giáo dục mà còn mang tới những tích cực cho giáo viên, học sinh. Cụ thể đối với các cấp quản lý giáo dục sẽ góp phần đổi mới tư duy trong đánh giá công tác giáo dục, giảng dạy của giáo viên. Một giờ dạy hay không chỉ trong phạm vi kiến thức mà còn ở chỗ người thầy đã tác động đến học sinh như thế nào, việc học của học sinh ra sao?.

Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên phát huy năng lực, khơi dậy nguồn cảm hứng cho học sinh trong mỗi giờ dạy. Về phía giáo viên thì nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc truyền cảm hứng cho học sinh trong quá trình giảng dạy. Biết cách truyền cảm hứng cho học sinh trong học tập môn Ngữ văn một cách hiệu quả.

Giúp giáo viên thêm gắn bó, tâm huyết với nghề, luôn tìm tòi áp dụng nhiều kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, nắm bắt được tâm lí của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, giảng dạy; xây dựng môi trường giáo dục dân chủ mang tính nhân văn. Với học sinh, sẽ được khơi truyền nguồn cảm hứng trong học tập, các em được quan tâm một cách toàn diện hơn từ nhận thức đến phương pháp học tập, tâm lí học tập…

Khi được truyền cảm hứng, học sinh sẽ phấn khởi vui vẻ, yêu thích bộ môn, mong mỏi được học tập, được tìm hiểu, khám phá những kiến thức phong phú, sôi động, hấp dẫn từ bộ môn và các lĩnh vực đời sống xã hội. Học sinh được khơi dậy niềm đam mê sáng tạo và khát khao chiếm lĩnh tri thức, khẳng định tài năng, bản lĩnh của mình trong học tập và đời sống; các em trưởng thành cả về nhân cách lẫn phong cách đồng thời góp phần tạo nên sức mạnh, niềm tin và sự hứng khởi cho học sinh trong suốt cuộc đời.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top