Trường khu vực Tây Nguyên đổi mới ôn tập thi THPT quốc gia hiệu quả

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Kịp thời điều chỉnh phù hợp với những điểm mới

Thầy Phạm Văn Sinh cho biết, trước những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường đã kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với thay đổi của kỳ thi, giúp giáo viên tự tin giảng dạy, học sinh và phụ huynh ổn định tâm lý.

“Ngay từ đầu năm học, trường THPT Buôn Ma Thuột đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh học tập, nghiên cứu kỹ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017.

Vì sớm nắm bắt quy chế ngay từ đầu năm học khi còn là dự thảo, cán bộ, giáo viên trường đã vào cuộc tích cực, điều chỉnh các hoạt động dạy và học phù hợp với đối tượng học sinh cũng như yêu cầu của kỳ thi” – thầy Sinh cho biết.

Trường THPT Buôn Ma Thuột cũng đã tiến hành cho học sinh khối 12 đăng ký các bài thi tổ hợp theo nguyện vọng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ ngay từ khi chưa có quy chế thi chính thức, giúp học sinh định hướng việc học. Trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh toàn khối 12 theo tổ hợp môn với hai nhóm Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong tháng 5/2016.

Đổi mới ôn tập, kiểm tra đánh giá từng môn học

Để ôn tập có hiệu quả, thầy Phạm Văn Sinh cho biết, giáo viên nhà trường đã linh hoạt trong việc dạy, học, ôn thi. Hiện nay, các sáng kiến, kinh nghiệm hay của tổ chuyên môn, của giáo viên đều được nhà trường vận dụng một cách hiệu quả. Song song đó là công tác hướng dẫn học sinh ôn thi cũng được giáo viên bộ môn đặc biệt quan tâm...

Mặc khác, trường đã quan tâm tới giải pháp đổi mới phương pháp ôn tập, kiểm tra, đánh giá; tăng cường cho học sinh kiểm tra sau mỗi phần, mỗi chương, mỗi kỳ; phương thức kiểm tra theo hướng kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan.

Sau mỗi đợt kiểm tra, tập trung định kỳ tổ, nhóm chuyên môn đánh giá chất lượng đề, mức độ tiếp cận và phân loại trình độ học sinh. Từ đó, rút kinh nghiệm cách dạy, cách ôn tập cho các thành viên trong tổ và cách học cho học sinh.

Việc ôn tập của học sinh thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học; giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Ngoài giảng dạy chính khóa, trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa để củng cố kiến thức; mặt khác dạy học gắn với thực tiễn, tìm các giải pháp để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của kỳ thi.

Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới ôn tập, kiểm tra đánh giá từng môn thi, theo thầy Phạm Văn Sinh, với 9 môn thi trong 5 bài thi THPT quốc gia 2017, mỗi môn có đặc thù riêng, nên các tổ chuyên môn của trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng môn, phù hợp với trình độ học sinh và hoàn cảnh thực tế của nhà trường; kết hợp hình thức dạy vừa tự luận, vừa trắc nghiệm để học sinh có kiến thức chắc chắn, đồng thời có kỹ năng làm bài tốt.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn, không thay đổi hình thức thi, song do có điều chỉnh thời gian thi từ 180 phút xuống còn 120 phút, nên tổ Văn của trường đã xây dựng dạy học theo chuyên đề, tìm ra phương án giúp học sinh củng cố kiến thức và phân bổ thời gian làm bài cho phù hợp với xu thế đề thi đưới dạng đề mở.

Với môn Toán, qua nghiên cứu phân tích 2 đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2017 và thực tế dạy học, nhà trường yêu cầu giáo viên dạy kỹ cho học sinh các khái niệm cơ bản, phân tích các sai lầm hay gặp phải để học sinh tránh được những đáp án có tính chất bẫy học sinh vào lựa chọn đáp án sai. Khi dạy cần những diễn đạt khác nhau về các mệnh đề, các kết luận của bài toán để học sinh tránh những cách hiểu sai.

Cùng với đó, nhà trường lưu ý các thầy cô dạy học sinh cách giải khác nhau cho một bài toán để các em có thể lựa chọn cách làm nhanh nhất, ngắn nhất tùy theo phương án mà đề thi đưa ra.

Thầy Phạm Văn Sinh cho biết thêm: Đối với những câu phân loại học sinh, ngoài chiều sâu về kiến thức bộ môn còn gắn với thực tế, tích hợp kiến thức các môn học khác như Lý, Hóa, Sinh… Vì vậy, giáo viên của trường đã dạy cho học sinh kiến thức nâng cao, kiến thức mở rộng; phân tích ý nghĩa hình học, ý nghĩa vật lý của khái niệm kết hợp với kiến thức tích hợp, liên môn.

Đối với môn Giáo dục công dân vì lần đầu tiên đưa vào kỳ thi lớn nên phải làm sao trang bị tốt cả kiến thức và kỹ năng làm bài cho học sinh. Phân tích đề thi mẫu có 40% câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, giáo viên và học sinh đã đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực, vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.

Giáo viên đã sử dụng các tình huống, các trường hợp điển hình, những vấn đề bức xúc trong đời sống để phân tích, đối chiếu, minh họa cho bài giảng; khuyến khích học sinh tự liên hệ, điều tra, đánh giá các sự kiện gắn với thực tiễn của lớp học, nhà trường, địa phương.

“Chúng tôi không yêu cầu học sinh phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa, mà điều quan trọng là biết phân tích, tổng hợp, lý giải, đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội”- thầy Phạm Văn Sinh chia sẻ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top