Trường Đại học Điện lực: Nghiên cứu máy trợ thở, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Phiên bản máy hỗ trợ thở

Thông tin với báo GD&TĐ, TS. Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, sau một thời gian gấp rút cùng các chuyên gia y tế làm việc miệt mài, nhóm nghiên cứu Khoa Điện tử viễn thông và Trung tâm nghiên cứu phát triển (Trường Đại học Điện Lực) đã cho ra đời phiên bản đầu tiên của máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh khác cần hỗ trợ thở.

Theo đó, máy được chế tạo dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Các thiết kế được cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình dịch bệnh hiện nay.

Thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ. Phiên bản đầu tiên này đang được gửi đi lấy ý kiến của các chuyên gia để có thể hoàn thiện và đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.

Đây là loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Máy có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale...

Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết, chẳng hạn như cảnh báo áp suất... Thiết kế phù hợp với tình hình Việt Nam và bệnh dịch và đặc biệt rất hữu ích trong các trường hợp như các bệnh nhân chưa cần phải dùng đến máy thở xâm nhập hoặc phải dành máy thở xâm nhập cho những bệnh nhân nặng hơn.

Hiện nay, thiết kế gồm 2 phiên, tuỳ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện để thực hiện. Phiên bản đầy đủ nhỏ gọn, nhiều tính năng hơn nhưng phụ thuộc nhiều vào nguồn vật tư linh kiện không có sẵn ở thị trường Việt Nam.


Hình ảnh máy hỗ trợ thở do Khoa Điện tử Viễn thông kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển Trường Đại học Điện lực chế tạo.

Với phiên bản rút gọn, thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng rất lớn, gần như không hạn chế số lượng trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 1000-2000 chiếc/mỗi tuần với giả thành rẻ, khoảng 2 - 3 triệu/chiếc.

Hỗ trợ sinh viên trong mùa dịch

Nhằm hỗ trợ sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngày 10/4, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực TS.Trương Huy Hoàng đã ký Quyết định hỗ trợ tài chính nhằm giúp sinh viên khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19.

Cụ thể, Nhà trường hỗ trợ tiền học trực tuyến cho sinh viên cao đẳng, đại học hệ chính quy của trường Đại học Điện lực trong đại dịch Covid-19. Theo đó, sinh viên đã đăng kí học kỳ 2 năm học 2019-2020 mức hỗ trợ 500.000 đồng/sinh viên.

TS. Trương Huy Hoàng cho biết, trước mắt Nhà trường là hỗ trợ sinh viên một cách kịp thời, góp phần chia sẻ, động viên các em và gia đình cùng vượt qua những khó khăn bệnh dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các bài giảng trực tuyến, hỗ trợ tập huấn, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật... tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên truyền tải bài giảng trực tuyến đến các em sinh viên một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức đoàn thể Nhà trường sẽ phát động các sáng kiến và phong trào thi đua nhằm đa dạng hóa các hoạt động, nâng cao chất lượng dạy và học, huy động nhiều hình thức hỗ trợ sinh viên hơn nữa để các em yên tâm học tập.

"Tập thể công chức, viên chức, giảng viên, người lao động trong toàn trường nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định, chỉ thị, hướng dẫn, chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19, luôn chủ động hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao... ", TS. Trương Huy Hoàng nói.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top