True Crime: New York City

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Không biết bao tựa game ăn theo thể loại “Lái xe-bắn súng” GTA để rồi thất bại “ê chề”. Tuy nhiên, một số kẻ ngoại đạo còn sót lại đang dần dần khẳng định vị trí trong mắt người chơi bằng những dấu ấn của riêng mình. Dòng game True Crime là một điển hình.

Tiếp bước theo bậc đàn anh Street of LA, True Crime: New York City vẫn không thể vượt qua được” cái ngưỡng” của GTA. Nhưng dù sao game cũng đã có những bước phát triển nhất định về lối chơi cũng như nội dung khi nhân vật chính là một cảnh sát chứ không còn là một “Gangster”…


Kể từ khi “viên ngọc đen” của hãng RockStar: Grand Theft Auto xuất hiện trên thị trường game, đã có rất nhiều nhà sản xuất đua nhau phát triển những đứa con của mình mong sao tìm kiếm được chỗ đứng ngang hàng với thương hiệu này, thậm chí còn có tham vọng lật đổ một đế chế GTA vững chắc. Nhiều ông lớn đã đầu tư khá tốn kém nhưng đa phần các sản phẩm cuối cùng lại mang dáng vẻ yếu kém của một người lính mới ra trận.

Không biết bao tựa game ăn theo thể loại “Lái xe-bắn súng” GTA để rồi thất bại “ê chề”. Tuy nhiên, một số kẻ ngoại đạo còn sót lại đang dần dần khẳng định vị trí trong mắt người chơi bằng những dấu ấn của riêng mình. Dòng game True Crime là một điển hình.

True Crime được biết đến trên các hệ máy console vào cuối năm 2003 và trên nền PC giữa năm 2004 với phiên bản đầu tiên Street of LA. Game có lối chơi giống GTA nhưng những pha hành động lại đậm chất Dead to Right hay Max Payne, đó chính là yếu tố nổi bật nhất đọng lại trong lòng người chơi mỗi khi nhắc đến sản phẩm của hãng Aspyr.

Thừa hưởng những gì có sẵn, New York City tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh trên, thậm chí đã có lúc khiến người chơi phải “giật mình” khen ngợi trước những thay đổi mới lạ của game. Tưởng chừng một kỷ nguyên mới sẽ đến với True Crime, nhưng thật đáng thất vọng khi đứa em của Street of LA chưa thực sự đáp ứng được những gì người ta mong đợi, cho dù vẫn còn sáng sủa hơn nhiều “ông anh” mình.


Trong True Crime: New York City, bạn vào vai Marcus Reed, một kẻ cướp trên những con phố lớn và cũng là một tay xã hội đen khét tiếng ở New York. Nhưng cái ác rồi cũng bị trừng phạt bởi công lý, Marcus lãnh án phạt tù 5 năm với các tội trạng do mình gây ra. Thời gian dần trôi, không hiểu Marcus có thực sự hối cải hay không mà sau khi ra tù anh chàng “Găng xtơ” một thời này lại quyết định trở thành cảnh sát, người đại diện cho công lý và đối nghịch với những gì anh đã làm trước kia. Marcus đảm nhiệm công việc phòng chống tội phạm do sở cảnh sát New York ban hành, cuộc đời anh bắt đầu thay đổi từ đấy.

Nếu đã từng quậy phá trong GTA thì giờ đây người chơi không còn được “hưởng thụ” cảm giác muốn làm gì cũng được nữa. Đại diện cho công lý, bạn sẽ không thể hành động bừa bãi nhưng ngược lại bạn có được cái quyền của người thi hành công vụ. Ví dụ như bắt sống một tên tội phạm nào đó và lôi hắn về trụ sở chẳng hạn.

Một cảnh sát sẽ có nhiều việc để làm, nghe qua có vẻ thú vị, bạn tưởng chừng nhiệm vụ chính trong game rất phong phú và đa dạng. Nhưng thực chất, các nhiệm vụ chính chỉ xoay vòng vòng một vài kiểu như đuổi bắt lũ cướp hay tiêu diệt băng đảng xã hội đen tại một khu vực nào đó, nhiều khi những màn này còn lặp đi lặp lại rất dễ gây nhàm chán.

Tuy nhiên, nhiệm vụ chính không phải là tất cả, một nửa lối chơi của game nằm ở nhiệm vụ phụ (yếu tố đặc trưng của thể loại hành động tự do). Đúng là “bên cạnh cái rủi vẫn có cái may”, các nhiệm vụ phụ trong True Crime: New York City tưởng như không bao giờ hết. Người chơi có thể thử “tay nghề” qua những cuộc đua xe tốc độ hay nhận xoá xổ một băng đảng nào đấy, khi xong xuôi mọi chuyện bạn sẽ được thưởng điểm kinh nghiệm, rồi khi đủ điểm sẽ được lên chức lên quyền…


Những màn phụ như thế này mới chính là động lực để người chơi chú tâm và khám phá hơn cái hay, cái đẹp của game, cứu vãn được phần nào vẻ tẻ nhạt trong các nhiệm vụ chính. Dù sao, nhà sản xuất cũng ít nhiều để lại dấu ấn về lối chơi trong lòng game thủ khi mà nhân vật chính là một cảnh sát.

Thoạt nhìn có vẻ bản đồ, phạm vi hoạt động trong game khá nhỏ so với dòng GTA nhưng nếu chơi lâu và thông thạo các đường đi, bạn sẽ thấy gần như cả một New York thực sự được đưa vào game. Từ những con phố lớn đến các ngóc ngách xen kẽ nhau nối dài vô tận, rồi cao ốc, nhà cửa, công ty, trường học… tất cả kết hợp lại phác hoạ nên một New York hiện thực, một thành phố trong mơ nhưng cũng đầy rẫy tội ác.

Với phạm vi hoạt động lớn, tội ác lại tràn lan như vậy, đáng lẽ ra nhân vật chính phải được trang bị nhiều vũ khí tối tân để đối đầu lũ bất lương nhưng trên thực tế trong tay Marcus lúc nào cũng chỉ có vài vũ khí nhất định, về mặt này game thực sự nghèo nàn. Mâu thuẫn tiếp theo đó là tuy vũ khí ít ỏi, có vẻ ngoài “yếu kém” nhưng chàng cảnh sát từng là tội phạm lại chiến đấu rất hiệu quả và hầu hết các pha áp chế hoặc tiêu tiệt đối phương của anh thường rất dễ dàng, chỉ vài viên đạn là chúng lên trời ngay, mất đi độ kịch tính cũng như hấp dẫn của một game hành động.


Mỗi khi Marcus rút súng hoặc lấy cái quyền cảnh sát để thị uy là tâm lý của bọn tội phạm liền thay đổi, giơ tay chịu trói hoặc chạy thục mạng. Đáng trách là chúng bôn tẩu nhưng không biết nhìn đường, nhiều khi cứ cắm đầu vào tường, chân khua loạn lên bất lực. Ngoài lỗi trên, trí thông minh của máy khá ổn.

Như đã đề cập ở trên, ngoài lối chơi giống GTA dòng True Crime còn mang phong cách hành động kiểu Max Payne. Nếu đã từng chơi qua game này hẳn các bạn còn nhớ những pha bay người đẹp mắt rồi dứt điểm gọn gàng đối phương dưới họng súng đang cầm trên tay. Tất cả đều được vẽ lại trong True Crime: New York City, không những thế nhân vật chính còn rất giỏi võ, các chiêu đấm đá được nâng cao vượt bậc, nhiều ngón đòn được vác hẳn từ những thế võ ngoài đời thực nên chắc chắn hứa hẹn “một bữa” đánh đấm no nê dành cho bạn.


Cấu hình tối thiểu:
System: 1.5 GHz or equivalent
RAM: 256 MB
Video Memory: 64 MB
Hard Drive Space: 2700 MB
Other: DirectX 9.0c compliant, Sound Blaster® sound card

Cấu hình yêu cầu:
System: 2 GHz or faster or equivalent
RAM: 512 MB
Video Memory: 64 MB
Hard Drive Space: 2700 MB
Other: Nvidia: Geforce FX series, Geforce 6 series, Geforce 7 series ATI: Radeon 9500, 9550, 9600, 9700, 9800, X500, X550, X800, X850
*Geforce MX and Ti series cards not supported.
*All integrated video chipsets are not supported, Intel Extreme Graphic
Game pad STRONGLY Recommended



 

Bình luận bằng Facebook

Người đăng Chủ đề tương tự Diễn đàn Trả lời Ngày đăng bài viết
lehoa012 Phần mềm, tiện ích 0
Top