Nhưng với sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, mọi hoạt động dạy học đã trở lại ổn định, bình thường. Và hơn hết, tinh thần, ý chí kiên quyết vượt khó của thầy, của trò sẽ vực dậy và duy trì chất lượng giáo dục ở vùng quê hiếu học này.
Vẫn bộn bề nỗi lo
Trường Tiểu học Kỳ Sơn, Kỳ Anh đã trở lại dạy học bình thường
Đặc biệt, trước đó công tác phòng chống bão được ráo riết thực hiện nên dù con bão rất lớn, Kỳ Anh không có thiệt hại về người. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, thành lập 13 đoàn về cơ sở để kiểm tra, trực tiếp truyền đạt công điện chỉ đạo của Giám đốc.
Một tháng sau khi cơn bão đi qua, vùng tâm bão Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn còn dấu tích tàn phá của thiên tai. Ở những vạt rừng cây cối nghiêng ngả, gãy ngang, ở những mái ngói được vá lại lẫn lộn màu cũ mới, ở ngôi trường chưa khôi phục lại hoàn toàn, và ở trong ánh mắt chưa hết lo lắng của thầy cô.
Trường THPT Kỳ Anh có hệ thống cơ sở vật chất kiên cố, khang trang nhưng trong trận bão số 10, hầu hết phần mái các dãy phòng học đều bị hư hỏng. Đến nay, công tác khắc phục đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn còn phần mái của một dãy phòng học bị gió bão cuốn hư, chưa có kinh phí lắp mới.
Trường Tiểu học Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh có thư viện xanh rộng lớn được xây dựng năm 2013. Với ý tưởng cuộn sách cho vào trong ống nhựa, đậy nắp kín treo lên cây để cho HS thoải mái đến lựa chọn đọc, trao đổi cùng nhau, thư viện đã góp phần tạo nên hứng thú và mở ra phong trào đọc sách cho toàn trường. Có cây Toán học, cây Văn học, cây Thế giới đó đây, cây Báo Giáo dục&thời đại và có cả những cây dành cho giáo viên như cây Phương pháp dạy học…
Một góc trường THCS Kỳ Sơn bị sập sau bão
Trong thư viện xanh còn có ghế đá, có một sân khấu rộng để thỉnh thoảng các thầy cô giáo tổ chức dạy học ngoài trời, hoạt động thảo luận nhóm cho HS. Đây cũng là thư viện được Sở GD&ĐT chọn làm điểm sáng điển hình nhân rộng cho các trường học trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, chỉ hơn 1 giờ cơn bão số 10 quét qua, công sức xây dựng của thầy trò Trường Tiểu học Kỳ Sơn đã đổ xuống sông, xuống biển. Thầy Phan Duy Dương - Hiệu trưởng nhà trường không giấu nổi buồn bã nói: “Cho đến tận bây giờ, 1 tháng sau khi cơn bão đi qua, nhưng thư viện xanh vẫn chưa khôi phục được, vì rất nhiều cây bị bật gốc, gãy cành.
Trước đó, thầy cô đã tập hợp toàn bộ sách báo cất vào nơi an toàn nên không bị thiệt hại hư hỏng gì. Còn cây xanh hiện nay đã trồng lại, tuy nhiên để cây xanh tốt, có bóng mát thì phải chờ đến hàng năm trời chứ không thể ngày một ngày hai”.
Các cây tri thức trong thư viện hiện vẫn chưa được treo lại sách báo
Thầy Lê Quang Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn cũng nói: “Quả thật, gần 30 năm rồi Kỳ Anh mới chịu một trận bão lớn như thế.
Nói thật, sau khi bão đi qua, nhìn trường học như một bãi chiến trường ngổn ngang, mái ngói bị tốc, mái tôn bị gió xoáy vò nát, nhiều đoạn bờ tường đổ sập, cây cối ngả nghiêng gãy nát… nhiều thầy cô bật khóc. Nhưng ngay lập tức, chúng tôi bắt tay vào khắc phục hậu quả.
Đặc biệt, cả hệ thống chính trị cũng vào cuộc giúp các nhà trường. Toàn bộ các lực lượng an ninh, quân đội, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ đã được huy động đến giúp trường trồng lại cây, lợp ngói, dọn dẹp vệ sinh... Thời điểm bão vào Kỳ Sơn là vào thứ 6, thì sau 2 ngày ngày thứ 7, Chủ nhật đến ngày thứ 2 tuần sau đó, chúng tôi đã cho HS trở lại đi học bình thường”.
Giữ vững phong trào dạy học
Dù vẫn còn ngổn ngang trăm mối tơ vò, nhưng khi chúng tôi đến các trường, mọi hoạt động dạy học đã trở lại ổn định. Các nhà trường cũng đã hoàn thành việc dạy bù kiến thức cho HS trong những ngày phải nghỉ học do mưa bão.
Không những thế, Phòng GD&ĐT Kỳ Anh đang triển khai nhiều hoạt động thể dục thể thao như thi bóng đá, văn nghệ và nhiều hoạt động chuẩn bị chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11. Không khí học tập, rèn luyện của các thầy và trò rất sôi nổi, nhiệt tình.
Ông Đinh Sỹ Quân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đến các trường học là không để HS nghỉ học sau bão. Bởi thời điểm đó, các địa phương như một công trường khẩn trương xây dựng, sửa chữa hậu quả bão…
Các em học sinh thi đấu đá bóng trong sân trường nhân dịp 20/11
Vật liệu xây dựng ngổn ngang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích cho HS. Vì thế, trường học được ưu tiên hoàn thành khắc phục thiệt hại xong trước, chính là môi trường an toàn cho các em.
Đặc biệt, trước đó công tác phòng chống bão được ráo riết thực hiện nên dù con bão rất lớn, Kỳ Anh không có thiệt hại về người. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, thành lập 13 đoàn về cơ sở để kiểm tra, trực tiếp truyền đạt công điện chỉ đạo của Giám đốc.
Hệ thống trang thiết bị, máy móc đều được kê đặt, di chuyển đến nơi an toàn. Ví dụ sách vở được chuyển lên nhà cao tầng, phủ bạt lại, để tránh nước ngập hoặc mưa tạt vào phía trong. “Vì thế, sau bão, các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Anh vẫn đảm bảo đầy đủ dụng cụ, thiết bị dạy học trở lại. Đồng thời triển khai đồng đều những hoạt động, phong trào thi đua sáng tạo”, ông Đinh Sỹ Quân nói.
Công tác xây dựng hoàn thiện khuôn viên trường vẫn đang tiếp tục
Trận bão lớn đi qua, có những cái thiệt hại không thể cân đong đo đếm được và phải đến hàng năm sau mới có thể khôi phục lại. Người dân sống bằng nghề trồng rừng, trồng keo, giờ nguồn sống của họ lại phải bắt đầu lại từ đầu, chưa biết đến bao giờ mới thu hoạch được.
Ông Trần Trung Dũng – Giám đốc sở GD&ĐT Hà Tĩnh kiểm tra các trường khắc phục sau bão.
Nhưng con người vẫn kiên cường, bền bỉ nhẫn nại với từng tấc đất. Ở khoảng sân trường bằng đất, cát, những đứa trẻ vẫn say sưa với phong trào thi đấu thể thao. Và trong những lớp học mái ngói được vá lại cũ mới lẫn lộn, thầy trò vẫn không giảm sự hăng say trong dạy và học. Sự quyết tâm đó chính là điều sẽ kéo vực dậy mọi thứ, dù cơn bão dữ đến mức nào.
Đặc biệt, cả hệ thống chính trị cũng vào cuộc giúp các nhà trường. Toàn bộ các lực lượng an ninh, quân đội, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ đã được huy động đến giúp trường trồng lại cây, lợp ngói, dọn dẹp vệ sinh... Thời điểm bão vào Kỳ Sơn là vào thứ 6, thì sau 2 ngày ngày thứ 7, Chủ nhật đến ngày thứ 2 tuần sau đó, HS trở lại đi học bình thường .
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại