Trẻ bỏ lỡ những gì từ sách?

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trẻ Trường mẫu giáo mầm non B (Hà Nội) chăm chú trong góc đọc sách


Nhiều nguồn thông tin quý bị bỏ lỡ

TS Trịnh Thị Xim cho rằng, có rất nhiều cách giúp trẻ tận dụng được nguồn thông tin đáng quý trong sách, tuy nhiên, không nhiều trẻ cũng như các bậc phụ huynh biết cách để hướng dẫn trẻ làm điều này.

Đơn cử, trẻ có thể chỉ đọc một trang giới thiệu và tập tư duy, hay tư duy từng phần, sau đó đối chiếu tư duy của mình với nội dung ở trong sách. Những câu hỏi có vấn đề rất cần trong lúc này. Sẽ vô cùng thú vị nếu phán đoán của trẻ và nội dung trong sách có phần trùng lặp nhau. Bên cạnh đó, trong sách có nhiều câu nhiều ẩn ý, những cách kết thúc rất thông minh... nếu chỉ đọc lướt, trẻ sẽ bỏ phí rất nhiều cơ hội phát triển tư duy, trí tuệ từ sách.

Hình ảnh trong sách cũng vô cùng thú vị. Sẽ rất tuyệt vời nếu học sinh cảm nhận được toàn bộ cách người ta sử dụng hình ảnh có hồn và đầy ý nghĩa trong sách. Các em thường xuyên đặt câu hỏi lật ngược lại vấn đề: Tại sao? Sao lại thế? Vì sao? Nó sẽ như thế nào? Có thể là khác hay không? Nếu ở vị trí đó mình sẽ xử lý như thế nào?... Khi đặt câu hỏi, các em viết ra ý tưởng của mình, đó là cơ hội để học sinh bộc lộ cảm xúc, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo...

Người lớn cũng nên định hướng trẻ chú ý đến chất liệu tạo ra cuốn sách, độ dày mỏng, cách trình bày... Nhiều cuốn sách rất được lưu ý đến điều này để giúp trẻ phát triển các giác quan.

Bên cạnh đó, theo TS Trịnh Thị Xim, thông điệp gửi qua sách rất nhiều, đôi khi trẻ phải đọc, ngẫm, phải đặt ra câu hỏi và tự giải quyết câu hỏi đó. Nếu không tự giải quyết được, trẻ có thể hỏi người lớn. Thậm chí, trường hợp không tìm được câu trả lời cũng không sao cả, vì các em còn cả một quá trình trải nghiệm dài trong cuộc sống để sau đó ngẫm lại.

"Trong sách sẽ có những điều tuyệt vời mà trẻ không tiếp nhận được ở trường học, ở những người xung quanh. Trẻ khi đọc sách xong có thể cười thích thú hoặc lắng đọng cảm xúc, cũng có thể sau khi đọc sách sẽ tràn trề ý tưởng hoặc hình thành một ước mơ nào đó...

Nếu không trả lời được cũng không sao cả, các em sẽ trải nghiệm tiếp trong cuộc sống để sau này ngẫm lại. Các em luôn làm việc tích cực, tư duy tưởng tượng sáng tạo như thế rất tuyệt vời. Độ tinh tế trong xử lý vấn đề, chỉ có sách mới có điều kiện diễn giải các ý tưởng, cách nhìn nhận con người, cách tư duy, cách xử lý vấn đề... Đôi khi nói bằng lời, giảng giải bằng lời không thực sự có thể truyền tải hết. Thi thoảng mở sách ra chiêm nghiệm, suy nghĩ, đó là quá trình tuyệt vời. Sách đôi khi thúc đẩy cho một quá trình học tập, sáng tạo mới, biết đâu sau này giúp các em trở thành những nhà phát minh trong tương lai" - TS Trịnh Thị Xim chia sẻ.

Cha mẹ phải là người truyền cảm hứng

Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ khó có thể hiểu được hết những tác dụng tuyệt vời của sách? Vậy làm sao để trẻ có niềm đam mê với sách? Trả lời câu hỏi này, TS Trịnh Thị Xim cho rằng, điều quan trọng nhất là người lớn phải trở thành tấm gương cho trẻ.

Trẻ không thể thích sách nếu trong nhà bố mẹ chỉ thích xem ti vi, lướt điện thoại mà ít đọc sách. Nếu bố mẹ trân trọng sách, luôn giành thời gian cho việc đọc sách, cùng con chia sẻ những thú vị khi đọc sách... Ngoài ra, mỗi một gia đình nên tạo thư viện riêng và trân trọng thư viện đó. Có thể nói, có rất nhiều cách bố mẹ có thể đồng hành cùng con trong việc đọc sách.

"Để trẻ thích đọc sách, cần tạo ra môi trường mọi người yêu và trân trọng sách. Người lớn phải là bộ lọc sách trước, sau đó hãy là người truyền cảm hứng.

Cha mẹ hãy tạo cho con nhu cầu bằng cách khuyến khích, động viên con viết ra ý tưởng của mình, làm tạp chí nhỏ, viết nhật ký... Đó cũng là cách giúp trẻ biểu lộ cảm xúc, ý tưởng, tâm sự sâu lắng của mình" - TS Trịnh Thị Xim chia sẻ.

Bên cạnh vai trò của gia đình, nhà trường cũng vô cùng quan trọng kích thích tình yêu sách của trẻ. Thư viện trường học hãy là không gian mở, thư thái, có những khoảng lắng trong không gian đọc.

"Những thư viện nổi tiếng trên thế giới có không gian đọc rất tuyệt vời, những đường đi, cầu thang uốn lượt, những ô tròn nhỏ riêng tư, những khe ngồi nhỏ bên giá sách, sự phối hợp của màu sắc, ánh sáng, cách để sách... Đó là những không gian có tính mời gọi, sinh động, vô cùng ấn tượng. Và khi ngôi trong không gian đó, con người sẽ thực sự thả hồn mình vào trang sách. Những thư viện điện tử cũng là một cách cần tính đến" - TS Trịnh Thị Sim cho hay.

Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều trường học còn khó khăn ở Việt Nam, hoàn toàn có thể tạo ra những thư viện sách sống động, gần gũi với thiên nhiên mà vẫn không kém đi tính hấp dẫn, mời gọi. Đó có thể là giá sách di động đặt dưới bóng cây trên sân trường. Thiên nhiên Việt Nam vô cùng tuyệt vời, tại sao chúng ta không tận dụng điều đó làm không gian đọc sách?

"Khi dạy về thiết kế môi trường, tôi có chia sẻ với các thầy cô là sao không lật hết sân trường bê tông, thay bằng đó là cát, nước, là không gian mở - nơi có thể là thư viện nhỏ ngoài trời cho học sinh. Nhà sách có thể di chuyển được, từ mái nhà đến tường đều là sách, cửa ra vào có rèm, trên có cửa sổ, không gian bên trong có thảm, chiếu để ngồi đọc. Đó sẽ là không gian riêng đọc sách rất thú vị" - TS Xim chia sẻ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top