Tránh nặng nề, hình thức tiết chào cờ đầu tuần

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Tiết chào cờ, tránh nặng về phê bình, kiểm điểm

Là giáo viên, đồng thời là Bí thư Đoàn trường nhiều năm và được giao nhiệm vụ tổ chức các giờ chào cờ, thầy Lê Đình Thắng (Trường THPT Triệu Sơn 2 – Thanh Hóa) chia sẻ: Tiết chào cờ đầu tuần là thời điểm mở đầu của một tuần học mới, một tháng học mới, một chủ điểm mới.

Nó có tính chất định hướng hoạt động cho học sinh trong một tuần, một tháng trên cơ sở khắc phục những mặt tồn tại của tuần qua và tiếp tục phát huy những ưu điểm đã có.


Tiết chào cờ đầu tuần là một dịp để học sinh sinh hoạt tư tưởng, tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức (sinh hoạt kỷ niệm các ngày lễ lớn, văn nghệ, chơi trò chơi dân gian, sinh hoạt tự quản...) đồng thời cũng là dịp để các tập thể lớp thấy được kết quả phấn đấu, rèn luyện sau một tuần thực hiện nhiệm vụ người học sinh.

Thầy Lê Đình Thắng


Mặt khác, trong tiết chào cờ có sự hoạt động nhịp nhàng giữa tập thể sư phạm đối với tập thể học sinh toàn trường, có sự phối hợp điều khiển giữa giáo viên và học sinh.

Do đó, tiết chào cờ là cơ hội để tập thể lớp này với tập thể lớp khác có dịp thể hiện thi đua trực tuyến hơn thông qua việc tuân thủ kỷ luật của tiết.

Tuy nhiên, thầy Thắng cũng cho rằng trong nhà trường hiện nay, cách thức tổ chức Lễ chào cờ, tiết chào cờ ở mỗi trường học không đồng nhất trong định hướng, trong cấu trúc.

Một số trường hợp trong tiết chào cờ nặng về kiểm điểm nhận xét đánh giá, phê bình, thậm chí chỉ trích nặng nề và áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với học sinh.

Chính vì thế nhiều học sinh cảm thấy tiết chào cờ đầu tuần nặng nề và tham dự chào cờ một cách miễn cưỡng. Việc tổ chức thiếu sự chuẩn bị chu đáo, nội dung chương trình qua loa, chủ yếu tập trung công bố điểm thi đua và xếp vị thứ lớp, thiếu sự phân công cụ thể.

Trong khi chào cờ, nhiều hoạt động vẫn diễn ra bình thường như học sinh quyét lớp, giáo viên còn chuyện trò, học sinh đi học tự nhiên... là một việc không phải hiếm thấy ở một vài trường học.

Điều đó chứng tỏ rằng vị trí tiết chào cờ chưa được nhận thức một cách đầy đủ và chưa được đặt đúng vị trí của nó.

“Từ thực tiễn trên, tôi nhận thấy rằng hiện nay việc lồng ghép các nội dung có tính giáo dục cho học sinh như: Thi đố vui tìm hiểu kiến thức các môn học, thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục kỹ năng sống, biểu diễn các tiểu phẩm về an toàn giao thông, ma túy, HIV/AIDS sẽ tạo hứng thú hơn cho học sinh” - Thầy Thắng chia sẻ.

Những nguyên tắc cần đảm bảo trong tiết chào cờ

Để có một tiết chào cờ hiệu quả, thầy Lê Đình Thắng đã đưa ra 5 nguyên tắc, cụ thể như sau:

Tính trang nghiêm: Trang nghiêm trước Quốc kì là nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối thì tính giáo dục mới cao, phải có người phụ trách theo dõi về kỷ luật trong học sinh (Ban nề nếp)

Tính giáo dục: Bao gồm giáo dục tư tưởng, hạnh kiểm, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, xây dựng được tinh thần thái độ học tập, bồi đắp khát vọng, hoài bão lớn làm cho học sinh có ý thức trân trọng với Quốc kì, Quốc ca...

Như vậy tiết chào cờ phải có nội dung phong phú, bám sát các chủ đề của tháng, các vấn đề có tính thời sự của thực tiễn cuộc sống xã hội.

Tính khoa học : Nội dung phải được chuẩn bị một cách cẩn thận, có nội dung, có mục, có người thực hiện cụ thể. Hình thức tổ chức phải nhịp nhàng, tiết kiệm thời gian mà hiệu quả.

Tính thời sự: Những vấn đề thời sự lớn trong nước, thành phố ...cần được trở thành một trong những nội dung của tiết chào cờ như các sự kiện chính trị lớn của đất nước: Đại hội Đảng, các thông tin về thiên tai, bão lũ...

Tính thuyết phục, có sức hấp dẫn, lôi cuốn: Cần có nhiều hoạt động thu hút sự chú ý của học sinh. Muốn thế hoạt động ấy phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, có tính thách đố về trí tuệ, vui chơi, không biến giờ chào cờ thành giờ phê bình các cá nhân và tập thể.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top