Trận đánh đặc biệt nhất Tam quốc, mưa lớn quét sạch bảy đạo quân

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong Tam quốc, Bàng Đức bị Quan Vũ bắt sống khi đại quân của Vũ nhân cơn mưa lớn nước dâng cao, tập kích Phàn Thành. Vũ khuyên hàng Đức nhưng không được đành mang ra chém.


Quan Vũ (? - 220) tự Vân Trường là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Cũng bởi tài năng và sự trung nghĩa này, ông được người đời sau tôn làm Võ thánh, sánh ngang với Văn thánh Khổng Tử.


Tạo hình Quan Vũ trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Quan Vũ được mô tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.

Trong suốt cuộc đời chinh chiến, ông lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt khởi nghĩa Khăn Vàng, chém Hoa Hùng (đại tướng của Đổng Trác), chém Nhan Lương, Văn Xú (2 tướng tài của Viên Thiệu), vượt 5 ải chém 6 tướng của Tào Tháo, chiếm quận Trường Sa, thu phục được Hoàng Trung, bức hàng Vu Cấm, chém Bàng Đức. Trong đó lần chém Bàng Đức, Quan Vũ ngoài dùng sức mạnh còn kết hợp cả mưu kế.

Theo đó, đầu năm 219, Lưu Bị đoạt được Hán Trung từ tay Tào Tháo, Bàng Đức hộ tống Tào Tháo từ Hán Trung về Hứa Đô an toàn khi Tào Tháo bị quân Thục truy kích.


Bàng Đức trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Giữa năm 219, Hầu Âm, Vệ Khai nổi dậy chống lại Tào Tháo ở huyện Uyển. Tào Tháo phong Tào Nhân là Chinh Nam tướng quân, Bàng Đức làm Chinh Tây đô tiên phong, dẫn quân bản bộ hợp với Tào Nhân cùng vây đánh huyện Uyển, chém Hầu Âm, Vệ Khai, rồi xuôi Nam đóng quân ở Phàn Thành, tấn công Quan Vũ.

Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, viết là Vu Cấm cùng với Bàng Đức khởi 7 đạo quân tiến đánh Quan Vũ giải vây Phàn Thành. Các tướng ở Phàn Thành thấy anh họ của Bàng Đức là Bàng Nhu ở Hán Trung phục vụ Lưu Bị, đều nghi ngờ về lòng trung thành của ông. Ông đã khẳng khái tuyên bố: “Ta đã chịu quốc ân, về nghĩa phải lấy cái chết để báo đáp. Ta muốn thân chinh đi đánh Quan Vũ. Năm nay nếu ta không giết được Vũ, tất Vũ sẽ giết ta”.

Thậm chí để thể hiện quyết tâm và lòng trung với Tào Tháo, Bàng Đức còn sai quân sỹ khiêng theo một cỗ quan tài và đi trước đoàn quân. Bàng Đức diễu võ dương oai, chỉ tay phía quân Thục thét gọi muốn Quan Vũ ra quyết chiến. Quan Vũ xuất trận, hai người đại chiến hơn trăm hiệp không phân thắng bại, hai bên gióng trống khua chiêng thu quân.


Quan Vũ giao đấu với Bàng Đức.

Quan Vũ về đến trại nói với Quan Bình rằng: “Đao pháp của Bàng Đức vô cùng thành thục, quả không hổ danh là dũng tướng của quân Tào”. Quan Bình nói: “Tục ngữ có câu: ‘Nghé mới sinh thì không sợ hổ’. Cho dù cha có chém được người này, thì cũng là chém một tiểu tốt người Tây Khương mà thôi. Nếu xảy ra sơ suất, chẳng phải hủy hoại uy danh của cha đó sao”.

Quan Vũ thấy dựa vào võ lực thì nhất thời khó mà thắng được Bàng Đức, thế là nghĩ ra một kế. Lúc đó đang vào mùa thu, mưa liên miên, nước sông Hán Thủy dâng cao rất nhanh. Trại quân Ngụy lại đóng quân nơi đất trũng, Quan Vũ đã bí mật chuyển bị các chiến thuyền sau đó phá đê sông Hán Thủy, nước tràn xuống ngập chìm toàn bộ cánh quân Vu Cấm.

Quan Vũ nhân cơ hội đó chỉ huy thủy quân dùng thuyền đến tập kích, lính ở trên thuyền lớn bốn bề cùng bắn tên lên trên đê. Bàng Đức tuy không mặc áo giáp che tên, nhưng thân thủ phi phàm nên tên không bắn trúng.

Dưới áp lực tấn công mãnh liệt của Quan Vũ, tướng quân Đổng Hành và bộ tướng là Đổng Siêu muốn hàng, đều bị Bàng Đức chém chết để nâng cao tinh thần chiến đấu.


Quan Vũ phá đê sông Hán Thủy.

Cuộc giao chiến rất ác liệt, "từ sáng sớm đến quá trưa", Quan Vũ càng tập trung quân đánh mạnh, khi tên hết, Quan Vũ lại dùng đoản binh đánh tiếp. Bàng Đức bảo Đốc tướng là Thành Hà rằng:

“Ta nghe bậc lương tướng chẳng sợ cái chết để cẩu thả thoát thân, kẻ sĩ cứng cỏi chẳng huỷ danh tiết để cầu sống, hôm nay, là ngày ta chết đây”.

Rồi quyết tâm chiến đấu đến cùng, càng đánh càng hăng, khí thế càng mạnh mẽ, nhưng nước dần dâng cao, tướng sĩ đều ra hàng. Bàng Đức cùng một viên tướng cầm cờ chỉ huy, là hai người khoẻ nhất, cùng giương cung đặt tên, cưỡi một chiếc thuyền nhỏ định quay về doanh trại của Tào Nhân.

Nước lớn khiến thuyền bị lật, cung tên rơi mất, chỉ đành bám vào chiếc thuyền trôi trong làn nước, sau đó bị Châu Thương bắt được.

Tam quốc chí chép ở mục Ngụy thư – Bàng Đức truyện. Bàng Đức tuy sa vào tay kẻ thù nhưng vẫn hiên ngang, đứng thẳng không chịu quỳ.

Quan Vũ bảo rằng: "Anh ngươi ở Hán Trung, ta muốn dùng ngươi làm tướng, sao chẳng sớm hàng đi?" Bàng Đức mắng Quan Vũ rằng:

“Nguỵ vương có trăm vạn giáp binh, uy chấn thiên hạ. Lưu Bị nhà ngươi chỉ là kẻ tầm thường thôi, há có thể địch nổi sao ! Ta thà làm con ma ở nước Nguỵ, chẳng thèm làm tướng của lũ nghịch tặc vậy”.

Không thể chiêu hàng, Quan Vũ đành chém Bàng Đức. Khi ấy, Bàng Đức 39 tuổi. Quan Vũ thấy thương tiếc vì lòng trung, nên ông cho mai táng đối phương tử tế.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top