TP.HCM yêu cầu không soạn đề cương cho học sinh kiểm tra cuối kỳ

nttvy27

Thành viên
#1
Các trường được yêu cầu xem kiểm tra cuối kỳ như một hoạt động đánh giá thông thường, không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm.

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra cuối học kỳ cấp tiểu học năm học 2023-2024.


Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp trong một tiết học mở được tổ chức ở vườn trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo đó, việc tổ chức ôn tập kiểm tra cuối kỳ được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập.

Các trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh và có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh yếu kém; thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt cho học sinh.

Các trường tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em. Tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ đối với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá thông thường hằng ngày dành cho các em.

Mục tiêu của việc kiểm tra cuối kỳ đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh.

Việc kiểm tra cuối kỳ đối với lớp 1,2,3,4 phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng và cách triển khai các mạch này trong nhà trường. Các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức nhận biết, kết nối và vận dụng.

Đối với lớp 5, thực hiện theo hướng dẫn đánh giá học sinh Tiểu học kể từ năm học 2018-2019 của Sở GD&ĐT.

Thời gian tổ chức kiểm tra cuối kỳ căn cứ vào khung chương trình, kế hoạch dạy học và phân phối chương trình. Tuy nhiên các phòng GD&ĐT có thể linh hoạt bố trí tránh cận các ngày lễ được Nhà nước quy định trong năm hoặc các ngày có ý nghĩa khác.

Học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập tùy theo dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, được đánh giá như đối với học sinh không khuyết tật, có điều chỉnh yêu cầu cho phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật. Tuyệt đối không cắt xén đề kiểm tra của học sinh không khuyết tật để sử dụng cho học sinh khuyết tật học theo phương pháp giáo dục hòa nhập.

Nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM (PLO)
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top