Tiếp cận CDIO trong xây dựng chương trình đào tạo sư phạm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đây là quy trình đào tạo chuẩn, căn cứ đầu ra để thiết kế đầu vào và được xây dựng đảm bảo tính khoa học, hợp lý, lôgic và về phương pháp tổng thể mang tính chung hóa, do đó CDIO có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.

Cô Dương Thị Ánh Tuyết và Lý Thị Thu Hoài (Phòng Đào tạo, Trường ĐH Quảng Bình) cho rằng, việc áp dụng mô hình CDIO để chuẩn hóa công tác phát triển chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp dạy và học, cải thiện môi trường học tập nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo giáo viên tại Trường ĐH Quảng Bình, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới toàn diện như hiện nay.

Đề xuất của cô Dương Thị Ánh Tuyết và Lý Thị Thu Hoài có thể là những tham khảo bổ ích trong xây dựng chương trình đào tạo khối ngành sư phạm.

Bước 1: Khảo sát, thu thập và xử lý thông tin

Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về kiến thức, năng lực giảng dạy, công tác chủ nhiệm và hoạt động khác của sinh viên kiến tập, thực tập từ các trường tiểu học, THCS, THPT, phụ huynh và học sinh, Sở GD&ĐT và từ các cựu sinh viên.

Nắm bắt và phân tích tình hình giáo dục phổ thông hiện nay, đặc biệt bám sát tinh thần Nghị quyết 29; chương trình sách giáo khoa hiện hành, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các văn bản, quy định mới về chương trình giáo dục, phổ thông,...

Bước 2: Xây dựng và hoàn thiện chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra phải tiếp thu, vận dụng những xu hướng về sự thay đổi chức năng của người giáo viên trong bối cảnh khoa học, kĩ thuật, công nghệ đang phát triển nhanh chóng hướng tới nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Chuẩn đầu ra đối với khối ngành sư phạm theo mô hình CDIO được xây dựng dựa vào việc khảo sát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng chuẩn nghề nghiệp của giáo viên trung học mà bản chất là các tiêu chuẩn đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên.

Theo đó, năng lực nghề nghiệp của giáo viên biểu hiện ở phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực sư phạm của người giáo viên.

Năng lực sư phạm là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu của hoạt động giáo dục và dạy học, đảm bảo cho hoạt động này có kết quả, bao gồm 5 nhóm năng lực cơ bản:

Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; năng lực dạy học; năng lực giáo dục; năng lực hoạt động chính trị xã hội; năng lực phát triển nghề nghiệp.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay cần đặc biệt nhấn mạnh các năng lực chẩn đoán, đánh giá, giải quyết các vấn đề và cần chú ý những yêu cầu mới về năng lực thực hiện kế hoạch giáo dục.

Chuẩn đầu ra các ngành sư phạm phải tích hợp được quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục của Đảng trong giai đoạn hiện nay, xu hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể,...




Mô hình tiếp cận CDIO trong xây dựng chương trình đào tạo khối ngành sư phạm tại Trường Đại học Quảng Bình

Bước 3: Thiết kế cấu trúc chương trình

Căn cứ các nhóm năng lực giáo viên cần đạt được trong Chuẩn đầu ra và các văn bản của Bộ GD&ĐT về xây dựng, ban hành chương trình giáo dục đại học, chương trình sách giáo khoa hiện hành, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể,. thiết kế cấu trúc chương trình đào tạo theo các môđun kiến thức và khối lượng kiến thức (tổng số tín chỉ) cho mỗi môđun như: Tin học, ngoại ngữ, chính trị pháp luật, Kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học, nghiệp vụ sư phạm,.

Bước 4: Thiết kế lại các môn học theo các môđun

Sắp xếp các học phần đã có trong chương trình hiện hành theo các môđun. Đối chiếu mục tiêu, nội dung từng môn học với chuẩn đầu ra để phân loại: Học phần đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra; Học phần chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra cần bổ sung, điều chỉnh hoặc loại bỏ.

Xây dựng thêm các học phần mới đáp ứng các nhóm năng lực cần thiết của người giáo viên. Đặc biệt, phần mô tả học phần phải tích hợp được chuẩn đầu ra vào từng học phần, là cơ sở để giảng viên xây dựng đề chương môn học theo các tiêu chuẩn CDIO.

Bước 5: Xây dựng kế hoạch đào tạo

Đánh giá mối liên hệ chặt chẽ giữa các học phần trong cùng môđun và khác môđun, sắp xếp thứ tự các môn học từ căn bản đến chuyên sâu, xây dựng điều kiện tiên quyết và phân bổ theo từng năm học, kỳ học.

Bước 6: Hoàn thiện chương trình Giáo dục đại học

Chương trình giáo dục đại học hoàn thiện phải thể hiện được mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành tố: mục tiêu, nội dung, phương pháp,.

Bước 7: Xây dựng đề cương học phần

Trong chương trình đào tạo CDIO, mỗi học phần, ở góc độ khác nhau, góp một phần vào việc đạt chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình đào tạo.

Do vậy, từng giảng viên phải tuân thủ các chuẩn mực của chương trình, đồng thời có những cam kết về việc truyền tải chuẩn đầu ra các học phần mà giảng viên phụ trách.

Chuẩn đầu ra và chương trình giáo dục đại học được xây dựng trên cơ sở kết hợp mô hình cấu trúc nhân cách với mô hình hoạt động nghề nghiệp, phản ánh những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người giáo viên. Trong mỗi bài giảng, giảng viên phải thực hiện năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Chúng ta thường phân biệt năng lực chuyên môn (kiến thức) với năng lực nghiệp vụ (kĩ năng sư phạm). Thực ra, phẩm chất và kiến thức cũng là những yếu tố cấu thành năng lực của người giáo viên và mỗi giảng viên cần phải tích hợp cả hai yếu tố này vào đề cương học phần do mình phụ trách.

Trên cơ sở các chương trình chi tiết đã và đang sử dụng, đối chiếu với chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung theo chương trình mới được xây dựng theo tiêu chuẩn CDIO, mỗi giảng viên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới đề cương các học phần do mình phụ trách.

Bước 8: Đánh giá kết quả học tập của sinh viên và toàn bộ chương trình đào tạo

Đánh giá kết quả học tập của sinh viên và toàn bộ chương trình đào tạo nhằm rà soát, điều chỉnh chương trình hàng năm theo Quy định tại Thông tư 7, đảm bảo nội dung chương trình mang tính khoa học và phù hợp với thực tiễn đời sống cũng như nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã hội.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top