Thực hành nghề trong đào tạo giáo viên trên thế giới

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Việc lựa chọn mô hình tổ chức, một mặt chi phối mối quan hệ giữa trường sư phạm và trường phổ thông, mặt khác sẽ làm cơ sở để thiết kế các nội dung, nhiệm vụ, lịch trình, trọng số lí thuyết/thực hành, huy động các nguồn lực tham gia…cho chương trình thực tập.

Nhấn mạnh điều này, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) – dẫn một chuyên khảo nghiên cứu mới đây về thực tập sư phạm, các tác giả Matts Mattsson, Tor Vidar Eilertsen, Doreen Rorrison (Chủ biên) về 9 mô hình đang được triển khai trong thực tiễn đào giáo viên hiện nay trên thế giới:

Mô hình “Thợ nghề - học việc”

Là mô hình khá thịnh hành hiện nay trong đào tạo giáo viên ở các nước. Giáo sinh thực hành, thực tập nghề trong môi trường phổ thông, dưới sự hướng dẫn của các giáo viên có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn (mô hình thực tập sư phạm truyền thống)

Mô hình “Phòng thí nghiệm nghề”

Là mô hình sử dụng các trường thực hành trong cơ sở đào tạo giáo viên làm nơi triển khai thực tập sư phạm, ứng dụng các công nghệ dạy học, với triết lí: giáo sinh thực tập phải được thụ hưởng một môi trường giáo dục thực tập thuận lợi, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia sư phạm, giáo dục chuyên nghiệp.

Mô hình “Đối tác”

Mô hình này dựa trên một thỏa thuận giữa trường sư phạm và trường phổ thông địa phương (được lựa chọn kĩ lưỡng, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện, năng lực tổ chức thực tập sư phạm). Nhà trường sẽ cung cấp các cơ hội triển khai thực tập sư phạm, kể cả giáo viên hướng dẫn, chỉ đạo thực tập.

Mô hình “Phát triển cộng đồng”

Là mô hình thường được áp dụng ở những vùng địa phương có khó khăn về kinh tế, văn hóa giáo dục. Trong quá trình đi thực tập sư phạm, các giáo sinh vừa thực hành nghề, vừa góp phần nâng cao nhận thức, dân trí, phương pháp sư phạm v.v. cho học sinh và giáo viên tại nhiệm.

Trong quá trình này, giáo sinh sẽ có cơ hội đối mặt, tìm hiểu và học hỏi từ thực tế giáo dục đa dạng, đồng thời cũng đóng góp một phần vào việc phát triển cho một nhà trường cụ thể tại địa phương.

Mô hình “Tích hợp”

Là mô hình kết hợp giữa nhà trường sư phạm và cộng đồng địa phương trong việc chia sẻ trách nhiệm đào tạo giáo viên. Chính quyền địa phương có thể “đặt hàng” một số cơ sở để tổ chức thực tập sư phạm, trường sư phạm chịu trách nhiệm cử giáo sinh, giám sát và đánh giá kết quả thực tập.

Mô hình “Thực tập điển hình”

Dựa trên ý tưởng thực hành lâm sàng trong đào tạo bác sĩ, chương trình thực tập sư phạm được thiết kế dựa trên một số lượng lớn các nội dung, trường hợp, tình huống xác thực.

Giáo sinh sẽ phải tự đối mặt, thực hiện giải quyết các nhiệm vụ này trong bối cảnh thực tế nhà trường phổ thông. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ tình huống sư phạm giáo sinh sẽ hình thành, phát triển kĩ năng dạy học, nghiên cứu, vận dụng lí thuyết và huy động kinh nghiệm của cá nhân.

Mô hình “Nền tảng”

Chương trình nhiệm vụ thực tập sư phạm được thiết kế mang tính mở và khá linh hoạt, dựa trên định hướng nhu cầu, sự quan tâm của giáo sinh. Mô hình này cho phép giáo sinh, ngoài việc thực hiện chương trình thực tập theo thông lệ, còn được tham gia vào các hoạt động khác của 2 nhà trường. Việc theo dõi, đánh giá kết quả thực tập được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Mô hình “Cộng đồng học tập”

Với triết lí học tập (thực hành sư phạm) là một phần của thực hành mang tính xã hội, cộng đồng, trong đó mọi người đều học hỏi lẫn nhau, giáo sinh sẽ được “nhúng sâu” vào các bối cảnh thực tập đa dạng, để hình thành các năng lực, khuyến khích sự khác biệt, sự tự tin cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.

Mô hình “Nghiên cứu và phát triển”

Mô hình này dựa trên sự thỏa thuận giữa trường sư phạm và cộng đồng địa phương nhằm phối hợp thực hiện các nghiên cứu liên quan và phát triển của nhà trường tại địa phương (mô hình này khá phổ biến tại Hà Lan và các nước vùng Scandinavi).
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top