Thu hồi tiền trợ cấp theo Nghị định 116 ở Hồng Dân, Bạc Liêu: Tạo mọi điều kiện để giáo viên...

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trước vấn đề nhạy cảm này, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hồng Dân đề xuất hướng giải quyết nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian để giáo viên hoàn lại số tiền; không bắt giáo viên gồng mình trả theo kiểu dứt điểm “một cục”.

Sự cố không mong muốn

Sự việc bắt đầu do nhầm lẫn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng là cán bộ, viên chức, giáo viên được hưởng chế độ chính sách theo trên địa bàn huyện Hồng Dân. Chính việc chi sai và thu hồi đã gây khó khăn rất lớn cho ngành Giáo dục huyện.

Theo đó, quá trình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP về chế độ chính sách đối với đối tượng là cán bộ, giáo viên, viên chức thuộc những vùng khó khăn trên địa bàn huyện Hồng Dân giai đoạn 2011 - 2013. Do xác định sai đối tượng được thụ hưởng trợ cấp lần đầu, phụ cấp lâu năm, trợ cấp chuyển vùng một lần, huyện đã chi sai số tiền và tiến hành thu hồi.

Trước sự việc này, nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Hồng Dân rất lo lắng. Cụ thể như ông Nguyễn Thanh Sơn và Trần Minh Đồng cùng ngụ tại xã Ninh Thạnh Lợi. Đây là 2 giáo viên xin nghỉ hưu từ năm 2014, tuy nhiên thời điểm này phát hiện xác định sai đối tượng được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định nên buộc Phòng GD&ĐT phải tiến hành thu hồi trước khi có quyết định thu hồi chính thức (trước khi 2 nhà giáo nghỉ hưu).

Ông Trần Minh Đồng giãi bày: Nhà trường đã trừ tiền nhận được từ chế độ nghỉ việc số tiền là 45.637.000 đồng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Kim Túc cho hay tiền chuyển vùng theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP là Sở Tài chính cấp dư. Phòng GD&ĐT Hồng Dân chỉ đạo trừ lại. “Tôi thiết nghĩ, số tiền cấp theo Nghị định 116, Phòng GD&ĐT đã xuống tận trường họp đôi ba lần cách tính toán chi ly rồi mới đưa ra cách hưởng của tất cả cán bộ, công nhân viên. Vậy mà số tiền tôi được hưởng năm 2013 đến năm 2014 lại nói là tính dư chế độ rồi lại trừ số tiền của tôi!”.

Nghiêm túc sửa sai

Trước sự việc này, Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu đã có công văn về việc báo cáo lại kinh phí thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP đã nêu rõ: “Do các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP khá phức tạp; đối tượng thụ hưởng rất dễ nhầm lẫn với các chế độ quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP; thời gian thực hiện từng loại chính sách rất khó xác định” nên dẫn đến việc phát hiện xác định sai đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn huyện Hồng Dân sau khi đã trợ cấp tiền theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP cho giáo viên được hưởng.

Công văn cũng nói rõ trường hợp chi sai đối tượng hoặc vượt mức quy định thì thu hồi bằng cách trừ vào lần cấp sau. Chi sai đối tượng hoặc vượt mức quy định (trợ cấp ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc về hưu) mà không thể thu hồi (bằng cách trừ vào lần cấp sau), địa phương cần báo cáo cụ thể từng trường hợp để xem xét giải quyết.

Qua quá trình thẩm định lại đối tượng được hưởng chế độ chính sách trên địa bàn huyện Hồng Dân, tháng 1/2016 UBND huyện Hồng Dân có quyết định chính thức về việc thu hồi tiền với số tiền phải thu lại gần 7 tỷ đồng do chi vượt các chế độ phụ cấp theo Nghị định trên.

Việc thu hồi tiền cấp sai đối tượng theo Nghị định của Phòng GD&ĐT huyện Hồng Dân từ năm 2014 là đúng quy định. Nhiều giáo viên từng được cấp tiền nhầm đã sử dụng vào việc tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Do nhầm lẫn nay bị thu lại quả thật khiến họ rơi vào tình trạng lo lắng bởi tiền đã sử dụng nay buộc hoàn trả lại họ không biết tìm đâu ra nguồn để trả. Cuộc sống những giáo viên được hưởng nhầm Nghị định này cũng bấp bênh, chủ yếu trông chờ vào tiền lương giảng dạy.

Vì truy thu số tiền cấp sai, nắm rõ được điều kiện đông đảo giáo viên trên địa bàn huyện có cuộc sống khó khăn, số tiền cấp trước kia họ sử dụng hết và thu hồi lại thì đa phần hạn chế khả năng chi trả. Bên cạnh đó cũng xem xét thực tế những giáo viên nghỉ hưu trước quyết định thu hồi tiến hành thu hồi… Nhận thấy điều đó, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hồng Dân đề xuất những hướng giải quyết như trừ vào lương hưu đối với giáo viên trước đây được cấp nhầm khi có quyết định thu hồi sau thời gian nghỉ hưu. Còn giáo viên đứng lớp thì trừ vào tiền lương hàng tháng theo khung thời gian kế hoạch.

Cách làm này của ngành GD&ĐT huyện Hồng Dân có thể giúp giáo viên “trả góp” số tiền chi sai, tạo mọi điều kiện kéo dài thời gian để giáo viên hoàn lại số tiền chứ không phải bắt họ gồng mình trả theo kiểu dứt điểm “một cục”.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Dân, khẳng định: “Khi có công văn kèm danh sách cấp dư được chuyển xuống trường công khai khoảng 7 ngày nơi có đối tượng được cấp nhầm. Nếu ai không có thắc mắc thì tiến hành thu hồi tùy theo từng đối tượng chi trả”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top