Những thông tin ở đây được Tổ chức Y tế Thế Giới WHO cung cấp.
NẾU H1N1 CHỈ LÀ TÌNH TRẠNG BỆNH NHẸ, TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI LO LẮNG?
Vi rút cúm là không thể dự đoán trước được và có thể thay đổi nhanh chóng. Theo định nghĩa,các căn bệnh mới là chúng ta biết về chúng rất ít khi chúng xuất hiện. H1N1 là một loại vi rút mới và không ai có thể dự báo nó biến đổi như thế nào hoặc tình hình sẽ tiến triển ra sao. Ví dụ như, vi rút có thể biến đổi để trở nên nguy hiểm hơn và gây ra một căn bệnh lây lan trên phạm vi rộng hơn và gây tử vong nhiều hơn.
CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA H1N1 LÀ GÌ VÀ NÓ ĐƯỢC LÂY LAN NHƯ THẾ NÀO?
Các triệu chứng của cúm H1N1 cũng tương tự như các triệu chứng của cúm thông thường theo mùa: đột nhiên sốt cao, đau khắp người, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, chảy nước mũi, và đau họng.
Một số người mắc loại vi rút này cũng được báo cáo là cảm thấy buồn nôn, bị nôn và tiêu chảy, đó không phải là những triệu chứng đặc trưng.
Vi rút đã và đang lây lan từ người sang người cùng theo cách giống như cách cúm mùa thông thường lây truyền: qua tiếp xúc gần (thường là trong vòng một cánh tay) khi người đó nói chuyện, ho, hay hắt hơi. Hay qua việc tiếp xúc với đồ vật mà những đồ vật này bị các giọt nhỏ của người bị nhiễm bắn vào, ví dụ như qua việc bắt tay sau khi người đó vừa hắt hơi mà dùng tay của mình để che miệng.
Một người có thể lan truyền cúm của mình sang người khác nếu họ tiếp xúc gần với nhau, nên cúm có thể dễ dàng lan truyền ở những nơi có nhiều người tiếp xúc gần gũi với nhau, ví dụ như ở các đám đông.
NẾU TÔI (HAY MỘT THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH) CÓ CÁC TRIỆU CHỨNG NHƯ VẬY, CÓ PHẢI TÔI ĐÃ MẮC H1N1?
Ngay bây giờ, bạn có thể cho rằng bạn KHÔNG MẮC vi rút H1N1 TRỪ KHI:
o Các ca H1N1 được báo cáo là có trong khu vực nơi bạn đang sống, làm việc, hay vừa mới đến Việt Nam
o Bạn vừa đến một quốc gia có các ca được báo cáo
o Vừa mới tiếp xúc với một người mà người đó vừa đến một quốc gia có các ca H1N1 về
Nếu bạn có các triệu chứng cúm và phù hợp với bất cứ tiêu chuẩn trong những tiêu chuẩn trên, bạn phải tìm đến y tế. Bạn phải báo cáo cho người phụ trách và không đi làm.
Trên đường đi tới phòng khám/bệnh viện, bạn phải đeo khẩu trang. Bạn cũng phải thông báo cho nhân viên của phòng khám/bệnh viện trước khi hay ngay khi bạn đến rằng bạn nghĩ là bạn có thể bị nhiễm cúm H1N1.
Và, trong trường hợp bạn đang tính tới việc bạn sẽ đi công tác khi bị ốm – đề nghị bạn hãy đừng làm vậy.
ĐEO KHẨU TRANG CÓ BẢO VỆ ĐƯỢC MÌNH KHÔNG?
Khẩu trang được thiết kế để giảm vi trùng mà một người sẽ thở ra.
Nếu bạn không ốm, bạn không cần phải đeo khẩu trang.
Nếu bạn đang chăm sóc người ốm, và họ cảm thấy quá bất tiện không thể đeo khẩu trang được, thì khi đó bạn có thể đeo khẩu trang cho mình khi tiếp xúc gần với người ốm đó. Nhưng bạn cần phải hủy bỏ khẩu trang đó ngay sau khi tiếp xúc, và sau đó rửa tay thật kỹ lưỡng.
Khi nào thì sử dụng và sử dụng khẩu trang như thế nào?
Sử dụng khẩu trang đúng cách trong tất cả các tình huống là thiết yếu. Sử dụng không đúng cách thực tế sẽ làm tăng cơ hội lây lan nhiễm trùng.
BẰNG CÁCH NÀO TÔI CÓ THỂ BẢO VỆ ĐƯỢC BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH?
Các biện pháp bảo vệ tốt nhất đối với H1N1 cũng GIỐNG NHƯ đối với bất cứ vi rút cúm nào.
o Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên và kỹ càng.
o Che miệng và mũi khi bạn ho và hắt hơi bằng tay áo, một khăn giấy, hay một khẩu trang.
o Tránh tiếp xúc gần với những người có vẻ như không khỏe và những người bị sốt và ho. (Nếu bạn là người bị ốm, hãy cố tránh xa những người khác.)
o Giảm thời gian ở những nơi đông người nếu có thể.
o Tăng cường thông khí tại nơi bạn ở bằng cách mở các cửa sổ.
o Thực hành các thói quen sức khỏe tốt bao gồm cả việc ngủ đủ, ăn thức ăn giầu dinh dưỡng, và tích cực hoạt động thể chất.
TÔI SẼ LÀM GÌ KHI BỊ ỐM GIỐNG NHƯ CÚM?
o Nghỉ ở nhà không đến nơi làm việc để tránh lan truyền bệnh, và làm giảm tiếp xúc gần với những thành viên trong gia đình bạn.
o Không quay trở lại nơi làm việc sau 7 ngày từ khi các triệu chứng của bạn bắt đầu, nhưng nếu bạn vẫn còn những triệu chứng đó sau cả một tuần, thì tiếp tục ở nhà cho đến khi các triệu chứng của bạn đã biến mất hoàn toàn.
o Nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng và cố gắng làm giảm sốt bằng cách uống thuốc như paracetamol. (Ghi chú: Nếu con bạn bị ốm, không được cho cháu uống aspirin.)
o Che miệng và mũi bằng khăn giấy hay tay áo khi bạn ho hay hắt hơi.
o Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên và kỹ càng, đặc biệt là sau khi ho hay hắt hơi.
TÔI PHẢI LÀM GÌ NẾU MỘT NGƯỜI SỐNG CÙNG VỚI TÔI BỊ CÚM?
Cố gắng cách ly người ốm trong một khu riêng biệt ở trong nhà bạn.
Nếu việc này là không thể, thì hãy cố và giữ cho người ốm cách với người khác tối thiểu là 2 mét.
Nếu bạn đang chăm sóc người bệnh
o Nếu người bệnh không đeo khẩu trang, thì bạn nên dùng khẩu trang hay khăn quàng che miệng và mũi của mình khi chăm sóc người bệnh.
o Rửa tay với xà phòng và nước sạch một cách kỹ lưỡng sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
o Giữ sạch môi trường với những chất tẩy rửa nhà cửa sẵn có
KHI NÀO THÌ MỘT NGƯỜI ỐM ĐANG NẰM NHÀ PHẢI ĐƯỢC ĐƯA ĐẾN BỆNH VIỆN
Hầu hết mọi người có thể được chăm sóc tại nhà.
Có một số người cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nếu họ bị ốm và có bất kỳ một trong các điều kiện sau:
• Người có bệnh mãn tính
• Phụ nữ có thai
• Người thở nông trong khi nghỉ, khó thở, đau khi thở hoặc thở khò khè,
• Người ho ra máu,
• Người còn sốt sau 5 ngày,
• Người cảm thấy khá hơn nhưng sau đó bị sốt mới hoặc ho tồi tệ hơn, hoặc
• Người cực kỳ uể oải, mơ hồ, hoặc bị đau đầu nặng.
Phải đưa trẻ em đến bệnh viện ngay lập tức nếu chúng:
• Có bệnh mãn tính
• Thở nông trong khi nghỉ, khó thở, đau khi thở hoặc thở khò khè
• Có thân nhiệt trên 39°C,
• Bị nôn hơn bốn giờ, hoặc
• Rất khó đánh thức, im lặng bất thường, hoặc không phản ứng gì.
NẾU CÁC CA H1N1 ĐƯỢC XÁC ĐỊNH TẠI VIỆT NAM, CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ CÔNG CỘNG NÀO SẼ ĐƯỢC THỰC HIỆN?
Khi số người bị ảnh hưởng vẫn còn duy trì được ở mức độ giới hạn, chúng ta sẽ khuyến cáo các biện pháp liệt kê ở trên.
Nếu có nhiều người bị ảnh hưởng và/hoặc vi rút này dường như là nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh năng hơn, thì một số biện pháp cách ly xã hội có thể sẽ được khuyến cáo. Những nỗ lực này đã được thiết kế để làm giảm tiếp xúc giữa người với người, và có thể bao gồm cả việc đóng cửa các lớp học trong nhà trường và hạn chế các đám đông, như bằng biện pháp đóng cửa nhà hát, hủy bỏ các sự kiện thể thao, v.v… để không khuyến khích tụ tập đông người.
Nó cũng có nghĩa là thời gian họp chợ có thể cần được sắp xếp so le nhau để làm giảm số người có mặt trong cùng một thời điểm.
ĂN THỊT LỢN CÓ AN TOÀN KHÔNG?
Người ta KHÔNG bị nhiễm vi rút cúm H1N1 2009 vì ăn thịt lợn hay các sản phẩm từ thịt lợn. KHÔNG hề có bằng chứng cho thấy loại vi rút này bắt nguồn từ những con lợn.
Luôn luôn đảm bảo rằng thịt lợn và các loại thịt khác sẽ được nấu chín kỹ ở nhiệt độ 160°F/70°C.
THUỐC KHÁNG VI RÚT CÓ TÁC DỤNG KHÔNG?
Có một loại thuốc (một loại kháng vi rút) được gọi là oseltamivir với tên hiệu nhãn mác là Tamiflu đã được đưa ra cho một số ít các ca nhiễm H1N1.
Loại thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng và giảm thời gian ốm, và có thể phòng ngừa được các biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Tamiflu KHÔNG phải là cần thiết cho phần lớn số người mắc H1N1. Hầu hết các ca sẽ khỏi hoàn toàn tại nhà mà không cần phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút hoặc nhập viện.
Tamiflu CHỈ được sử dụng theo đơn của bác sĩ vì giống như tất cả các loại thuốc khác, Tamiflu có thể có một số tác dụng phụ.
Thuốc kháng vi rút là hiệu quả nhất khi chúng được sử dụng ngay trong hai ngày đầu mới bị mắc bệnh.
Khi cần, WHO có tiếp cận tới kho dự trữ thuốc kháng vi rút.
ĐÃ CÓ VẮC XIN CHO H1N1 CHƯA?
Các nhà khoa học đã bắt đầu có gắng tìm ra một loại vắc xin phòng ngừa được loại vi rút đang lưu hành. Tuy nhiên, vẫn chưa có một quyết định nào cho việc sản xuất vắc xin này.
Một khi quyết định đã được đưa ra cho việc sản xuất loại vắc xin này, sẽ mất ít nhất là 6 tháng để làm cho vắc xin này có sẵn rộng khắp. Ngay cả khi đó, sẽ không có đủ vắc xin cho tất cả mọi người và vắc xin này có thể không có hiệu quả nữa vì lúc đó vi rút này cũng đã biết đổi rất nhiều.
Không có khả năng là các loại vắc xin cúm theo mùa hiện tại có thể giúp phòng ngừa vi rút cúm H1N1 hiện nay.
TÔI CÓ CẦN PHẢI DỰ TRỮ THỰC PHẨM HAY NƯỚC UỐNG KHÔNG?
Vào giai đoạn này WHO không khuyến cáo việc dự trữ thực phẩm và nước uống vì H1N1.
Tuy nhiên, luôn luôn là một ý kiến hay có dự trữ sẵn một lượng thực phẩm, nước, và các vật dụng gia đình quan trọng khác cho trường hợp khẩn cấp.
VIỆT NAM ĐANG LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT H1N1?
Bộ Y tế, Việt Nam đã nhanh chóng ứng phó để chuẩn bị cho một đại dịch và bất cứ các ca H1N1 nào có thể xảy ra.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế, các Trung tâm Y tế dự phòng, các Viện Vệ sinh Dịch tễ khu vực, các cơ sở y tế và các trung tâm kiểm dịch y tế tăng cường công tác giám sát và các biện pháp phát hiện sớm và chuẩn bị để ứng phó với bất cứ ca mắc nào được xác định.
Với kinh nghiệm trước đây trong việc xử lý với cả dịch cúm gia cầm và SARS, Việt Nam hiện đã và đang có nhiều cơ chế giám sát và phát hiện sớm tại chỗ.
WHO tại Việt Nam và Bộ Y tế đang cùng nhau làm việc chặt chẽ để triển khai thực hiện tốt nhất và những quy trình chẩn đoán tại phòng xét nghiệm, kiểm dịch và quản lý các ca lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn và mặt hậu cần cụ thể đối với tình hình hiện nay.
TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI (WHO) CÓ KHUYẾN CÁO HẠN CHẾ VIỆC ĐI LẠI KHÔNG?
WHO không khuyến cáo việc hạn chế đi lại hay đóng cửa các biên giới.
Ngày nay, đi lại toàn cầu là một thông lệ và một số lượng lớn người đi lại khắp thế giới để làm ăn cũng như nghỉ ngơi. Hạn chế việc đi lại và áp dụng hạn chế đi lại là không có lý. Hạn chế việc đi lại sẽ không ngăn được sự lây lan của H1N1, mà nó sẽ phá vỡ cộng đồng toàn cầu.
WHO CÓ KHUYẾN CÁO SÀNG LỌC BIÊN GIỚI KHÔNG?
Mặc dù việc xác định được các dấu hiệu và triệu chứng của cúm trong số các hành khách có thể giúp cho việc truy tìm kiếm dấu vết của việc bùng phát dịch, nhưng việc sàng lọc tại biên giới sẽ không làm giảm việc lây lan của cúm này. Loại vi rút này có thể được lây truyền từ một người sang người khác trước khi người bị nhiễm có các dấu hiệu bị ốm.
Tuy nhiên, WHO tôn trọng các quyết định của các nhà chức trách quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp ở cấp quốc gia, như sàng lọc, để ứng phó với một nguy cơ y tế công cộng.
TÔI CÓ THỂ TÌM ĐƯỢC THÔNG TIN MỚI NHẤT VỀ TÌNH HÌNH TRÊN TOÀN CẦU Ở ĐÂU?
WHO cung cấp thông tin cập nhật trên trang mạng điện tử của mình không chỉ về tình hình toàn cầu mà còn cả các hướng dẫn và các câu hỏi thường gặp. Những thông tin này có sẵn tại trang mạng điện tử sau: http://www.who.int/csr/disease/swineflu/en/index.html
Bạn cũng có thể liên hệ với Bà Shelaye Boothey, Cán bộ Truyền thông của WHO, với các câu hỏi và những mối quan tâm của mình qua thư điện tử tại địa chỉ bootheys@wpro.who.int) hay điện thoại di động số 0915 413 814.