Thống nhất từ ngữ tiếng Việt ở các vùng, miền trong sách giáo khoa

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc thống nhất về từ ngữ tiếng Việt ở các vùng, miền trong sách giáo khoa để học sinh, nhất là người dân tộc thiểu số dễ sử dụng và tiếp cận được tri thức là hết sức cần thiết, được Bộ GD&ĐT quan tâm tiến hành nhiều năm qua, góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Để tạo sự thống nhất, điều chỉnh những bất cập, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số quy định:

Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt (Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ Giáo dục). Quy định này áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành Giáo dục;

Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa (Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003 của Bộ GD&ĐT). Quy định này được sử dụng trong việc biên soạn, biên tập sách giáo khoa viết theo Chương trình các môn học ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (Quyết định số 43/2001/QĐ-BGDĐT ngày 9/11/2001, Quyết định số 03/2002/QĐ-BGDĐT ngày 24/1/2002 và Quyết định số 47/2002/QĐ-BGDĐT ngày 19/11/2002 của Bộ GD&ĐT).

Quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Quyết định số 1989/QĐ-BGDĐT ngày 25/5/2018 của Bộ GD&ĐT).

Đến nay, việc thống nhất từ ngữ tiếng Việt trong sách giáo khoa đã được thực hiện theo hướng thiết thực, hiệu quả, để mỗi học sinh không chỉ hiểu biết mà còn có kĩ năng sử dụng tiếng Việt một cách trong sáng, ngày càng yêu tiếng Việt và có ý thức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top