Thông điệp sống đẹp của 2 cô giáo Ngữ văn

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Được tiếp xúc gần gũi với họ là điều may mắn. Ngoài tình yêu nghề, yêu người qua những bài giảng; các cô còn truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa từ những việc làm đơn giản.

Sứ giả của sách hay

Yêu thích đọc sách đối với một cô giáo dạy Ngữ văn cũng là lẽ thường, nhưng với cô Nguyễn Thị Thuật thì không chỉ như vậy. Cô đã đọc nhiều tác phẩm giá trị về cuộc sống, gia đình, chuyên môn và mong muốn có nhiều người yêu đọc sách và học được nhiều bài học từ sách. Vì thế, cô đã trở thành nhịp cầu đưa độc giả đến với sách bằng những việc làm thiết thực.

Đến Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng, TP Biên Hòa (Đồng Nai) hỏi cô Thuật ai cũng biết và sẽ vui vẻ chỉ cho bạn căn phòng làm việc nhỏ bé, xinh xắn của cô. Là Hiệu phó nhà trường, cô luôn tận tâm với từng hoạt động chuyên môn, nhiệt huyết với các phương pháp dạy học tích cực và quan tâm đến từng giáo viên, học sinh trong trường.

Phòng làm việc ở trường hay ở nhà của cô luôn có nhiều sách, một đầu sách có khi có cả chục quyển. Cô dành sẵn đó để tặng cho những ai yêu thích sách giống cô. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc đọc sách có vẻ hơi xa vời với nhiều người, nhưng cô và người thân trong gia đình vẫn dành thời gian đọc sách vào mỗi buổi tối. Cậu con trai của cô đã có được thói quen đó. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng số đầu sách mà cậu bé đọc đã nhiều hơn gấp mấy lần số tuổi của cậu.

Trên trang Facebook cá nhân, cô cũng thường chia sẻ những quyển sách hay, trang sách đẹp mà cô đã đọc. Ai thích sách mà cô giới thiệu là cô tặng ngay. Bạn bè lâu ngày gặp lại, cô tặng sách. Ngày Tết, cô lì xì trẻ nhỏ bằng sách. Những quyển sách mà cô đọc ngoài những tác phẩm chuyên môn về phương pháp dạy học tiên tiến còn có nhiều tác phẩm giúp con người bồi dưỡng tinh thần, cảm xúc, hiểu biết lẽ sống, nuôi dạy con theo lối sống văn minh…

Mới đây, để việc đọc sách trở thành thói quen đẹp trong Trường Song ngữ Lạc Hồng, cô Thuật cùng các cộng sự của mình thực hiện chương trình "Hoạt động khuyến đọc". Mục đích của chương trình là mang sách đến gần với học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân viên hơn; xây dựng thái độ yêu thích, hứng thú và thói quen đọc sách. Chương trình với nhiều hoạt động mới, lạ như: Tuyên truyền văn hóa đọc bằng cách giới thiệu sách hàng tuần, tổ chức chuyên đề "Đọc sách hiệu quả"; hoạt động "Kệ sách lớp học" và "Kệ sách công cộng" giúp cho việc đọc sách trở nên thuận lợi với mọi thành viên của nhà trường.

Những việc làm giản dị và nhân ái của cô Thuật khiến chúng tôi - những người đồng nghiệp của cô - nhận ra điều bình dị của yêu thương: Lan tỏa phương pháp tu dưỡng bản thân, những tấm gương thiện - nhân - trí, những bài học kim cổ từ những trang sách đẹp là lối sống ý nghĩa và luôn hướng về những điều tốt đẹp mỗi ngày.


Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung hạnh phúc bên gia đình. Ảnh: NVCC

Hoa tiêu cho sống xanh

Cô Nguyễn Thị Kim Dung là giáo viên dạy Văn ở Trường chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa (Đồng Nai). Cô luôn quan niệm "Sống đẹp như văn chương dạy mình mới khó chứ học văn không khó". Vì vậy, mỗi bài giảng của cô đều chất chứa kiến thức sâu rộng, đam mê và nhiệt huyết. Cái tài hoa được hun đúc từ nhỏ cộng thêm việc say nghề, sự kiên trì, không ngại khó ngại khổ đã đem đến cho cuộc đời này một cô giáo Ngữ văn vừa có tâm, vừa có tài. Không chỉ có vậy, nếu ai quen biết Dung thì không thể không biết đến hành trình lan tỏa sống xanh đầy chông gai của cô.

Giai đoạn nghỉ dạy do dịch bệnh Covid-19, cô Dung đã không hề bỏ phí thời gian. Bằng nhiều cách thức và thái độ cầu tiến, cô đã bén duyên với một loại nước rửa bát, lau nhà tự nhiên từ quả bồ hòn - một loại quả được mệnh danh là "xà phòng trên cây" cùng các loại phụ gia như quế, chanh, xả, cam, dứa... Hành trình để lan tỏa sống xanh với Dung không hề đơn giản: Tự làm, tự trải nghiệm, thất bại rồi mới thành công. Khi đã tìm được đúng công thức mà chữ "sạch" phải được đặt lên hàng đầu, cô Dung đã có những mẻ enzyme đầu tiên.

Công việc vất vả của cô đã được đền đáp. Sản phẩm mà cô tự tay làm ra là "sự tử tế, tình yêu, đam mê, lòng biết ơn vô hạn đối với thiên nhiên và những nhân duyên kì diệu trong cuộc đời". Bảo vệ sức khỏe và môi trường là mục đích mà cô Dung hướng tới. Do đó, khi rảnh rỗi, cô gom số lượng của những người cần để làm giúp. Khi không thể làm hết số lượng đặt hàng lớn, cô Dung chia sẻ luôn cách làm với từng bước tỉ mỉ, kì công để những ai có thể tự làm thì làm cho gia đình và người thân của mình sử dụng, điều đó như thông điệp sống xanh mà cô mang đến nhiều gia đình.

Hai câu chuyện đời thường của hai cô giáo, hai con người bình dị, họ đã làm được những điều tuyệt vời từ tâm sáng, chí thành. Những việc làm của họ nở ra những bông hoa đẹp, bắc những cây cầu nhỏ để mỗi người có thể tìm đến với cuộc sống tốt lành.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top