Thời điểm thích hợp giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo ThS Trần Văn Thọ - giảng viên Tâm lý Trường ĐH Đồng Tháp - các bậc phụ huynh cần tìm thời điểm thích hợp để nói với con về giới tính và nội dung thông tin tuỳ thuộc vào bản thân họ; mức độ trưởng thành, tính cách của trẻ và môi trường chung quanh.

Dưới đây là những chia sẻ của ThS Trần Văn Thọ về kinh nghiệm giáo dục giới tính cho trẻ theo từng độ tuổi cụ thể:

Với trẻ từ 2 tuổi

Đây là thời gian trẻ bắt đầu hỏi những câu về cơ thể mình và cơ thể người khác. Các em để ý đến sự khác nhau giữa nam và nữ, đôi khi sử dụng những từ ngữ làm các bậc phụ huynh bối rối.

Ở giai đoạn này, trẻ thích thú tìm hiểu cơ thể mình là điều hoàn toàn tự nhiên. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng và nên xem đó là chuyện bình thường.

Đây là thời điểm thích hợp để cha mẹ dạy trẻ về những sờ chạm “được phép” và “không được phép”, nơi công cộng và nơi riêng tư, với bản thân mình và với người khác.

Đồng thời, để ngăn ngừa việc trẻ bị lạm dụng, cha mẹ nhất thiết phải dạy con biết những vùng cấm mà người khác không được đụng chạm, và phải báo ngay cho người lớn biết khi có ai đó hành động như vậy.

Lứa tuổi này, trẻ tò mò và đặt các câu hỏi về cơ thể của mình và của người khác, cũng như về việc thụ thai và sinh con. Cha mẹ cần trả lời cho con cái một cách tự nhiên, đơn giản và trung thực.

Với trẻ từ 9 đến 11 tuổi

Đây là giai đoạn cơ thể trẻ chuẩn bị phát triển. Do đó, trẻ cần có những thông tin về việc cơ thể sẽ thay đổi như thế nào.

Một số bé gái dậy thì sớm, cha mẹ cần giải thích cho trẻ biết về kinh nguyệt, sự phát triển cơ thể, hướng dẫn với trẻ cách vệ sinh thân thể. Cha mẹ cần nói cho bé trai biết về việc đôi khi quần bị ướt, khi ngủ dậy.

Với trẻ từ 12 đến 17 tuổi

Lứa tuổi này trẻ dậy thì và đã có những thay đổi về tâm sinh lý: Bé gái có kinh nguyệt, ngực phát triển; bé trai bắt đầu vỡ tiếng, lún phún râu và mặt có mụn trứng cá.

Trẻ thích sự riêng tư, thích khám phá, thử nghiệm bản thân. Đây là thời gian mà cha mẹ cần phải trò chuyện nghiêm túc với con cái về các vấn đề như: cảm giác rung động đầu đời với người khác giới; việc quan hệ vợ chồng, các phương pháp tránh thai, tội ác của vấn nạn phá thai, khả năng mang thai và sinh nở.

Việc đồng hành với con trong gia đoạn này vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần giúp con cái biết giữ gìn và bảo vệ cơ thể, tránh những thử nghiệm nguy hiểm, các bệnh lây lan qua đường tình dục, rủi ro từ việc chọn trang phục và thể hiện bản thân có liên quan tới sex và sự hãm hiếp, cưỡng bức.

Đối với trẻ lớn tuổi hơn, trong những hoàn cảnh thích hợp, các bậc phụ huynh nên chủ động hỏi để biết trẻ nghĩ gì về vấn đề này, đồng thời uốn nắn và cung cấp cho chúng những thông tin đúng và cần thiết.


"Nói với con về giới tính chỉ là bước đầu trong quá trình giáo dục giới tính cho con cái, nhằm đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và giới tính vị thành niên, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc, lâu dài do hiếu kỳ hoặc thiếu hiểu biết. Để đảm bảo hiệu quả cho việc giáo dục giới tính cho trẻ, đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội" - ThS Trần Văn Thọ
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top