'Thơ là những quân cờ' trong 'Đêm và những khúc rời của Vũ'

#1
Thứ bảy, 13/08/2011, 10:12

Đối với Lê Vĩnh Tài, thi sĩ xem thơ như là quân cờ. Sự bày binh bố trận của các quân cờ không bao giờ kết thúc. Hết ván này lại bày ra ván khác, kế khác: “thật ra thơ là những quân cờ/ trên bàn cờ tôi chơi cho đến chết”.

Việc nắm bắt, định hình “vân chữ” nhà thơ là điều quan trọng đối với người tiếp nhận. “Đêm và những khúc rời của Vũ”là tập thơ có nhiều đường vân. Đường vân nào cũng có những khoảng trống đang chờ đợi làm đầy. Bởi lẽ, chúng được xây dựng bằng vật liệu đặc biệt: sự tháo rời và lai ghép ngôn từ.
Hiện tại, Lê Vĩnh Tài đang thẳng tiến trên con đường bằng bánh xe của nàng thơ. Bánh xe nàng thơ khi đã vào guồng thì sự dấn thân càng sắc hoạt: thơ, trường ca, tùy bút... Ở đó, anh tung hứng niềm đam mê nghệ thuật và chất giọng trữ tình vào cái mới, cái lạ của phố núi - miền đất hứa của thơ.
Thơ hậu hiện đại khước từ tính thứ tự, chuộng kiểu phân mảnh, vô trật tự. Trong tập “Đêm và những khúc rời của Vũ”, con chữ có kiểu kết cấu mảnh vỡ của thơ hậu hiện đại. Những mảnh vỡ ấy tràn từ chữ sang câu, sang đoạn và đến cả bài thơ. Vì thế, để xác định thi ảnh hay biểu tượng thơ là điều không dễ dàng. Mỗi mảnh vỡ là một tâm điểm (theo cách nói của Hoàng Ngọc Tuấn). Nghĩa là mỗi mảnh vỡ có thể là một hình ảnh. Chúng ta lắp ghép, sắp xếp đa tâm điểm ấy mới phát hiện được dòng chảy trong thơ Lê Vĩnh Tài.
Trong “Đêm và những khúc rời của Vũ”, các chữ vốn dĩ không có liên hệ, không khi nào xuất hiện liền kề được Lê Vĩnh Tài sắp xếp ngẫu nhiên trên một con thuyền thơ. Liệt kê một số cặp chữ mang tính chất dán ghép trong tập thơ mới thấy được bút thơ khá tinh tế, điêu luyện của thi sĩ: trán chiếc lá, cơn hấp hối cũ kỹ, ngực em buông vó, những ý tưởng bị xẻ thịt, chiếc xe gào rách cổ họng, giấc mơ tỉnh lẻ, thành phố mù loà… Sự nới lỏng khoảng cách giữa các con chữ không đánh đố, ma mị người đọc là cách Lê Vĩnh Tài tránh sự quen thuộc, mòn chán của tư duy và khơi gợi người đồng sáng. Khi nhà thơ trở thành người “phu chữ” (Lê Đạt), khoảng rỗng con chữ làm tiền đề, tạo đà cho tính chất phân mảnh của cả câu thơ, đoạn thơ và bài thơ. Trò chơi chữ đẩy ý nghĩa câu thơ vượt ra khỏi trường trạng thức đơn thuần của người đọc, vươn tới lãnh địa của vô thức: “từ tôi đến mắt tôi/ xa quá không sao thấy được/ từ tôi đến mũi tôi/ xa quá không sao thở được” (Xa quá không sao biết được); “buổi sáng, tôi không biết có còn gương mặt. Mắt và môi đã thành xa lạ. Miệng của mình đang bị tàn phá. Những lời nói bị thương rơi xuống vỉa hè” (Buổi sáng)... Đằng sau sự phi lý ấy là cái hữu lý: người nghệ sĩ sáng tạo nhưng anh ta không thể vượt nổi khung, luôn bị cái gông chực sẵn bên mình:“tiếng chim hót trôi ngược vào cổ họng”, làm ta sực nhớ đến câu thơ của Hoàng Vũ Thuật: "hét thật to vô ích/ âm thanh vừa bật ra khỏi miệng lưỡi đã bị nuốt chửng" (Vô thức).
Đặc điểm mảnh vỡ chi phối rất rõ trong bài thơ “Đêm và những khúc rời của Vũ”. Mảnh vỡ hạnh phúc-khổ đau, mảnh vỡ sự sống-cái chết, mảnh vỡ cái chết-sự sống, mảnh vỡ thực-mộng, mảnh vỡ đen-trắng…Các mảnh vỡ xuất hiện trong thế đối lập. Chúng biểu hiện tính chất hai mặt của cuộc sống. Hạnh phúc trong cuộc đời chỉ là nhỏ giọt bởi chúng không thể vượt ra ngoài “vũng lầy”, vượt ra chính cái tôi của mình:
tháng ngày bám gót như tên cơ hội
vùng vẫy cũng chỉ vũng lầy làm người chèo đò
ngạt thở với mái chèo đã gãy
xung quanh toàn người & người
lúc nào cũng nghe ngóng, câm nín và dẫm đạp
làm đôi khi mắt chảy máu

Hơn nữa, cuộc sống có nhiều khối u, ung nhọt. Các khối u ấy vỡ ra, loang chảy khắp và lại tiếp tục hồi sinh. Sự cưỡng chế là điều không thể:
giống như không phải rơi xuống
mà hơi nóng mù loà
không phải tan chảy
vết phỏng bây giờ rộp da
một khối u làm ta hèn nhát
không dám tin cái chết nảy mầm
qua một lỗ thủng như ổ gà trên mặt đường PMU18
mọc ra đứa trẻ như nấm sau mưa
xoè bàn tay
Nhưng chết chưa phải là kết thúc. “Sự sống đã pha vào cái chết”, hoá thân vào cái chết những cố tật của nó:
sau này trong đất ẩm
Vũ thành chùm rễ sâu nuôi dưỡng cái chết
hát bài ca hơn cả nụ môi khô
hát bài ca màu xanh của cỏ

màu xanh phát chán vì đóng vai bất tử
lầm lẫn giả dối thành thói quen vô thức
lầm lẫn giả dối thành thói quen đau nhức
báo cáo thành tích cả khi đã chết
Câu chuyện “vỡ vụn” không xác lập một tín hiệu nào để người đọc gắn kết, xâu chuỗi. Vấn đề đưa ra bàn luận rồi lại bị bác bỏ, rồi lại tiếp tục vấn đề khác… Tìm sự tận quyết trong câu chuyện này, người đọc gặp khó khăn như đi vào mê lộ địa đạo. Kiểu kết thúc mở, lấp lửng buộc người tiếp nhận thông qua cuộc “đối thoại trong độc thoại” giữa nhà thơ và người bạn đã mất mà tìm mạch ngầm tư tưởng, tự cảm, thấu thị theo cách riêng của mình. Những khúc rời ký ức, những câu chuyện đứt nối, những đối lập bỏ ngỏ… là cách Lê Vĩnh Tài nghiệm chứng về cuộc sống. Cuộc sống luôn tồn tại, hiện hữu các mặt đối lập. Tìm được quy luật vận hành và ý nghĩa của sự đối lập, đó là lúc con người mới thực sự là chính mình.
Duyên nợ với thơ, các nhà nghệ sĩ thường bộc bạch những nghĩ suy, trăn trở của mình về chính nó. Trong tập “Đêm và những khúc rời của Vũ”, thơ xuất hiện với nhiều gương mặt: “câu thơ như súng đạn”, “con chữ vo viên mà mất mạng người”, câu thơ “cà nhắc vào quá khứ”, “câu thơ hết hạn”, “thơ mang gương mặt buồn của người nông dân bỏ quê ra phố”, “câu thơ đang bám chặt linh hồn/ câu thơ đang trốn qua lỗ thủng”, “thơ không làm được điều dâu bể”… Đó là cái thế giới đa phức và bí ẩn của hành trình thơ ca. Ngay cả chuyện “Cãi nhau với T…” cũng làm rõ giá trị của thơ. Khi nhà thơ viết về mưa, về gió, về cỏ xanh và sự quên lãng, về chuyện loanh quanh… T. phản đối và triết lý: “thơ là cái lặng lẽ ta nhìn thấy/ nhà thơ như con bò phải có nhiều hơn một dạ dày/ nhai mọi thứ và nuốt mọi thứ”. Thơ là cõi lặng của tâm hồn, là lớp trầm tích. Người làm thơ cần “nhai”, “nuốt” mọi thứ, chịu những cơn đau đớn để sinh hạ những đứa con đầy đủ tố chất: về mặt ngôn từ, về nội dung, về ý, về tứ… Nếu nhà thơ không chịu nổi những cơn đau đớn thì “làm sao một mình một cõi”? T. phải chăng là sự hoá thân của nhà thơ? Thủ thuật phân thân này giúp Lê Vĩnh Tài nêu ra những mối trăn trở, sự quan tâm của người nghệ sĩ trước vận mệnh của thơ ca.
Đối với Lê Vĩnh Tài, thi sĩ xem thơ như là quân cờ. Sự bày binh bố trận của các quân cờ không bao giờ kết thúc. Hết ván này lại bày ra ván khác, kế khác: “thật ra thơ là những quân cờ/ trên bàn cờ tôi chơi cho đến chết”. Nghĩa là, người làm thơ cần có những cuộc phiêu lưu mới và không khi nào là đích cuối cùng. Trọng trách của nhà thơ đối với sứ mệnh thơ rất lớn. Trước những làn roi của nghệ thuật, sức ép dư luận, việc giữ được chính mình là vấn đề rất khó khăn. Nhà thơ cần có bản lĩnh. Với một nhà thơ đích thực, lá cờ trắng không phải là thứ ngáng chân. Chỉ cần niềm đam mê sáng tạo, tâm huyết, sống còn với thơ thì người nghệ sĩ sẽ chiến thắng. Tất nhiên, những bài thơ phản cảm, đi ngược lại với xã hội, đạo đức, phong tục, mất hết chức năng thơ ca là điều không cần bàn luận. Người nghệ sĩ làm nên những bài thơ đúng nghĩa thơ thì sức sống của nó là bất diệt. Lê Vĩnh Tài là nhà thơ đích thực. Như tầng nham thạch, thơ anh đang cuộn hết nội lực để tạo ra núi lửa-thơ:
như thể họ muốn bịt lại
cái lỗ thủng mà thơ tìm mọi cách trồi lên
họ cũng chẳng phải một nhà biên tập
mộng mị ân cần chữ nghĩa
họ phất những lá cờ trắng
trên những cái tên

tràn lan những lá cờ trắng
chỉ câu thơ tìm mọi cách
trồi lên
tro^i le^n…
tro^i le^n…
tro^i le^n…
(thơ à…)
Thơ “còng lưng” gánh vác tất thảy những vấn đề bé nhỏ, rộng lớn của xã hội. Trong nó hội tụ biết bao vui buồn, khổ đau, chết chóc… Ở tập “Đêm và những khúc rời của Vũ” thấm đẫm các vấn nạn xã hội. Để nói về cảm thức thế sự, nhà thơ chia tách “câu” và “thơ” - vốn là một thực thể như hai mặt của một bàn tay làm hai đối tượng. Từ cách nhìn giữa “câu” và “thơ”, nỗi đau của nhân loại được phơi trải. Khi “câu” chú trọng hình thức, đeo trang sức cho “thơ”, “thơ” rơi vào cảnh ngộ: “thơ ngất xỉu khi thi sĩ tỉa râu đội mũ tạo dáng/ như diễn viên vào vai mang giày cao gót/ ưỡn ẹo không nhìn xuống quầy vé/ người ta đang chen nhau tìm chỗ đứng/ nếu không muốn bị con chữ dìm xuống sông ngộp thở/ ôi cái thời câu sợ biết thơ”. “Câu” dửng dưng trước cảnh cây cầu, núi đá sập, trước những mảnh “đời vé số”, thơ lại cảm thông: “đừng hỏi/ câu trả lời/ chúng tôi đã làm tất cả…/ chúng ta đã làm hết khả năng…/ câu trả lời trét bơ lên mặt/ và mở cửa chiếc Camry đi mất/ chỉ có thơ ngơ ngác xúm quanh”. “Thơ” xuất phát từ “câu”, “câu” làm ra câu thơ, đoạn thơ, bài thơ, gương mặt thơ, nhưng “thơ” lại hiểu và bao quát bộ mặt của cuộc sống. Thủ thuật này phải chăng đó chính là sự đấu tranh giữa người nghệ sĩ và thơ của mình? Khi trải qua nhưng đớn đau, những va vấp trong cuộc sống, phải chăng người nghệ sĩ mới thực sự tập nói được bằng chính chất giọng của mình?
cứ tưởng viết, cứ viết
vẽ, cứ vẽ
hát lên người ta nghe thấy cả tim mình
hát đến mức nốt nhạc rơi ra túi áo
lăn như những đồng xu
như diễn viên xiếc nuốt thanh gươm ta đi tìm chai rượu
cả trái đất này cạn ly
từ trong hẻm diễu hành ta gặp những người
trôi trên đường như là đã chết

cứ tưởng, viết cứ viết
hát lên người ta nghe thấy cả tim mình
(Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy một con hẻm)
Thơ ca đang vận hành và phát triển theo xu hướng hậu hiện đại. Các nhà nghệ sĩ đưa vào thơ yếu tố hậu hiện đại nhằm đổi mới cách nhìn, cách cảm và hệ thống thi pháp của thơ hiện đại. Chính họ là những nhân tố làm thay đổi gương mặt của thơ ca. Không ít nhà thơ đã và đang thành công khi đưa vào thơ cảm thức hậu hiện đại. Tuy nhiên, một số tác giả vì quá lạm dụng cái giả mới, cái giả lạ nên thơ mất dần chất thơ, tính thơ. Thơ khởi sự từ tâm, không dễ nhìn thấy. Nhưng cái không nhìn thấy ấy là cơ sở của sự ám ảnh, hấp dẫn đối với người đọc. Cho nên, những kiểu thơ “sắp đặt, trình diễn… cắt dán thơ lên thúng mủng phên nia” (Lê Vĩnh Tài) có thể hợp với người này mà không hợp với người kia. Với anh, “một bài thơ từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc luôn luôn chực chờ thoát khỏi sự kiểm soát của người viết, nhiều khi nó thay đổi đột ngột đến mức làm ta sững sờ. Sự lỏng lẻo của các ý tưởng trong thơ hình như là một quyền lực, ngay cả đối với người làm thơ” [1]. Nói như thế, Lê Vĩnh Tài rất chú trọng đến tính vô thức trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Tính vô thức bẻ gãy lý trí ban đầu và nhào nặn chúng một cách mềm mại, đem đến những yếu tố bất ngờ, lý thú. Hay nói cách khác, sáng tạo chỉ vươn tới điểm đỉnh khi vượt qua giới hạn của ý thức. Theo đó, những vấn đề xã hội được đào sâu hơn chứ không đơn thuần là thể hiện những gì mắt thấy tai nghe mà ở đó còn có cả chất triết luận của một người nghệ sĩ thăm thẳm:
chúng ta bất lực nhìn quanh thế giới
trong tấm gương đỏ máu màu chính nó
em hãy nhìn bức chân dung
rồi tự xoá mờ
em đã là lịch sử
lịch sử như cơn lũ quét quang để lại ngôi nhà dài xiêu vẹo không người

hắt hơi một bóng ma
bay qua tàn cây một người đàn bà xoã tóc
rơi như chiếc ly làm vỡ chính mình
(Rồi sớm mai im lặng sương mù…)
Tập thơ “Đêm và những khúc rời của Vũ” bố trận những quân cờ. Quân cờ của chữ. Quân cờ của “câu” và “thơ”. Quân cờ đời… Các quân cờ ấy di chuyển bằng các khúc rời, bằng những lát cắt của kí ức, bằng những cách lắp ghép, phân mảnh… Những khúc rời ấy tự thân giữa chúng là các khoảng trống. Khi con chữ được bố trí như các quân cờ thì quyền thắng thua không ở “Đêm và những khúc rời của Vũ” mà tuỳ thuộc vào sự lấp đầy khoảng trắng văn bản của người đọc. Lấp đầy đến đâu, khoảng trắng càng phát huy hiệu lực của nó. Đưa vào “Đêm và những khúc rời của Vũ” những khoảng trắng mảnh vỡ, chất thế sự, hành trình và số mệnh của thơ,… thơ của Lê Vĩnh Tài vừa có sự cách tân về hình thức vừa ký thác những vấn đề phổ biến của cuộc sống và nghệ thuật một cách sắc sảo.
Đồng Hới, ngày 3-7-2011
 

Bình luận bằng Facebook

Top