Thiết kế bài dạy Địa lý theo cách tiếp cận năng lực

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Thiết kế bài dạy là nội dung cơ bản, có tính chất quyết định thành công hay thất bại của một tiết lên lớp.


Là giáo viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Trường THPT số 1 Bát Xát, Lào Cai) – cho biết: Thiết kế bài dạy phải đảm bảo những nội dung cơ bản, cụ thể:

Thể hiện được nội dung bài dạy một cách tường tận, chi tiết; phản ánh được mục đích đạt được trong từng mục của bài và toàn bộ hệ thống bài dạy; thể hiện đổi mới PPDH, hạn chế giảng giải, thuyết trình minh họa, dành nhiều thời gian cho học sinh làm việc.

Cô Nhung chia sẻ trình tự thiết kế bài dạy như sau:

Xác định mục tiêu bài học

Mục tiêu bài học phải đạt được 2 nội dung: Kiến thức và kỹ năng. Về kiến thức, đó là những kiến thức cơ bản của bài cần cung cấp cho học sinh, những yêu cầu cụ thể về kiến thức cần đạt được trong một bài học và ở trong từng nội dung của mục bài.

Những kỹ năng cần cung cấp trong bài cho học sinh gồm: Kỹ năng hiểu biết, phân tích biểu đồ, lược đồ, tranh ảnh, hình vẽ có nội dung bài dạy… Thông qua hệ thống kênh hình, kênh chữ trong SGK, đồ dùng học tập, tài liệu…

Chuẩn bị đồ dùng, thiết bị dạy học

Với môn Địa lý, thiết bị dạy học bao gồm: Biểu đồ, bản đồ, lược đồ, tranh ảnh, băng đĩa. Lưu ý, phương tiện, thiết bị dạy học được sử dụng trong 1 tiết học không nên quá nhiều mà cần được lựa chọn kỹ càng.

Phương tiện dạy học phải mang tính khoa học, thẩm mỹ, tính sư phạm, đáp ứng được yêu cầu cho từng bài học cụ thể.

Phương pháp dạy học và thiết kế hoạt động học tập

Giáo viên lựa chọn PPDH cho từng bài học phù hợp với nội dung kiến thức, đối tượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong đó bao gồm hoạt động của giáo viên và học sinh trên lớp.

Cùng PPDH, thiết kế hoạt động học tập của học sinh là công việc có vai trò quan trọng cho giáo viên chủ động trong quá trình dạy học. Công việc thiết kế càng kỹ lưỡng, càng khoa học bao nhiêu thì kết quả việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh trên lớp càng đạt hiệu quả, đồng thời giúp giáo viên tự tin, sáng tạo trong quá trình dạy học.

Thông thường, trong 1 bài dạy thường tập trung 2 hoạt động chủ yếu: Hoạt động tập thể, cá nhân; hoạt động theo nhóm.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, hiện nay, có một số quan niệm đổi mới PPDH là tăng cường các hoạt động nhóm, hạn chế hoạt động tập thể, cá nhân; hiểu như vậy là không hoàn toàn đúng.

Trên thực tế, cần sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động trên, tùy thuộc vào từng bài học cụ thể, những kiến thức, kỹ năng cần cung cấp cho học sinh để chọn hình thức phù hợp.

Cụ thể, đối với những bài chủ yếu cung cấp khái niệm, sử dụng phương pháp hoạt động tập thể, cá nhân, hạn chế hoạt động theo nhóm;

Với những bài nội dung phức tạp, dễ gây nhiều ý kiến khác nhau hoặc cần có sự hợp tác trong giải quyết vấn đề, nên tổ chức học sinh hoạt động theo nhóm.

Tổ chức hoạt động trên lớp

Để tổ chức các hoạt động học tập của học sinh trên lớp hiệu quả, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho rằng, người giáo viên cần đề ra mục tiêu cụ thể cho từng hoạt động; những phương tiện dạy học cần dùng cho mỗi hoạt động; hình dung các bước tổ chức hoạt động; nội dung để học sinh làm việc theo nhóm, tập thể, cá nhân. Đặc biệt, với mỗi hoạt động, giáo viên cần đưa ra yêu cầu cụ thể để hướng dẫn hoạt động của học sinh.

Đối với hoạt động tập thể, cá nhân, giáo viên cần sử dụng phương pháp nêu và giải quyết vấn đề. Đây là phương pháp trong đó giáo viên đưa ra câu hỏi, đặt học sinh trước một (hoặc hệ thống) vấn đề nhận thức, đưa học sinh vào một tình huống có vấn đề, sau đó, giáo viên phối hợp cùng học sinh (hoặc hướng dẫn, điều khiển học sinh) giải quyết vấn đề, đi đến kết luận cần thiết trong nội dung học tập.

Với hình thức hoạt động nhóm, đòi hỏi giáo viên phải đưa ra câu hỏi phù hợp, vừa sức, hướng dẫn học sinh hoạt động để đi đến nhận thức.

Hoạt động này có 2 hình thức: Giáo viên nêu một số câu hỏi theo hình thức vấn đề, phân công các nhóm thảo luận, viết báo cáo;

Giáo viên chia học sinh thành các nhóm và thảo luận theo nội dung của phiếu học tập đã chuẩn bị trước.

Các bước tiến hành thảo luận

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung gợi ý, giáo viên có thể tiến hành theo 4 bước thảo luận.

Bước 1: Chia nhóm, giáo viên phân chia học sinh theo các nhóm khác nhau, mỗi nhóm có cả học sinh khá, giỏi, trung bình. Sau đó, chọn nhóm trưởng, thư ký cho từng nhóm.

Bước 2: Giao nhiệm vụ, giáo viên có thể giao mỗi nhóm 1 nhiệm vụ riêng hoặc 2 nhóm cùng chung 1 nhiệm vụ.

Bước 3: Tiến hành thảo luận nhóm. Trong quá trình học sinh thảo luận, thư ký nhóm ghi chép lại các ý kiến, nhóm trưởng tổng hợp.

Giáo viên theo dõi thảo luận của từng nhóm, uốn nắn, điều chỉnh hướng thảo luận. Những nhóm thảo luận chưa thống nhất, giáo viên không giải đáp ngay mà có thể gợi ý để học sinh có thống nhất chung…

Bước 4: Tổng kết thảo luận. Ở bước này, đại diện từng nhóm trình bày kết quả thảo luận của mình. Các nhóm khác nêu nhận xét về nội dung nhóm bạn đã trình bày. Giáo viên tổng kết, đi sâu vào nội dung nhận thức đúng, uốn nắn những sai sót, giải đáp thắc mắc, đưa ra kết luận chuẩn kiến thức cho từng nội dung thảo luận.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung lưu ý, khi chuẩn bị nội dung thảo luận, giáo viên cần chuẩn bị tình huống có thể xảy ra khi thảo luận nhóm; tổ chức thảo luận nhóm sôi nổi, tiết kiệm thời gian, đúng trọng tâm; phân phối đúng, đủ thời gian cho từng hoạt động phù hợp với nội dung và yêu cầu về thời gian của một tiết học.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top