Thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Lưu ý khi làm phần Đọc hiểu

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong đề thi thường có 4 câu hỏi với mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Các câu hỏi nhận biết (câu 1, 2) thường là: xác định phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, các thông tin được tái hiện theo tác giả, các biện pháp tu từ…

Các câu hỏi thông hiểu (câu 3) thường là: hiệu quả của các biện pháp tu từ; ý nghĩa của các chi tiết, hình ảnh, câu nói; nêu nội dung chính của văn bản; hiểu về một quan điểm trong bài viết; lý giải 1 ý kiến …

Câu hỏi vận dụng (câu 4) thông thường: rút ra bài học, ý nghĩa, thông điệp của văn bản với người viết; trình bày quan điểm của người viết về các vấn đề được nêu trong văn bản.

Trong đề tham khảo năm 2020 của Bộ GD&ĐT, đề tập trung vào các dạng câu hỏi: xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích/ tái hiện thông tin có trong đoạn trích/ tái hiện các thông tin dưới góc nhìn của tác giả/ cách hiểu của bản thân về các quan điểm, ý kiến/ ý nghĩa của các chi tiết hình ảnh/ quan điểm của bản thân với 1 vấn đề/ ý nghĩa của một vấn đề hay toàn bộ văn bản tới bản thân thí sinh…

Như vậy, mức độ khó của đề tham khảo lần 2 có giảm nhẹ hơn với đề tham khảo lần thứ nhất. Từ thực tế đó, thí sinh cần quan tâm chú ý đến quá trình đọc văn bản và trả lời.

Lưu ý trước khi làm bài

Trước khi làm bài, thí sinh cần đọc kĩ văn bản (từ nội dung văn bản đển nguồn trích dẫn). Việc chú ý nguồn trích dẫn sẽ giúp thí sinh có cái nhìn tổng thể về vấn đề và có những định hướng trong việc lý giải các câu hỏi thông hiểu và vận dụng.

Khi đọc văn bản, có thể gạch chân ngay những cụm từ có tính chất lặp đi lặp lại, những câu những đoạn có chứa biện pháp tu từ hoặc những câu thể hiện rõ quan điểm, thái độ của người viết vì những chố đó hay chứa đựng nội dung trọng tâm và thường liên quan đến câu hỏi.

Cần gạch các câu đầu và câu cuối (với văn bản nghị luận) vì nó thường khái quát nội dung văn bản.

Lưu ý khi làm bài

Khi làm bài, thí sinh cần trả lời ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc. Ở câu hỏi 1, 2 thường là câu hỏi ở mức độ nhận biết thì cần nắm vững kiến thức tiếng Việt, cần đọc kỹ văn bản, đọc kỹ câu hỏi để trả lời theo yêu cầu của đề thi.

Tránh tình trạng chỉ đọc lướt đề. Đề hỏi "theo tác giả", "theo đoạn trích" thì lại trả lời là "theo em"; đề hỏi "xác định phương thức biểu đạt chính" thì lại nêu tên tất cả các phương thức biểu đạt có trong văn bản hoặc yêu cầu xác định thao tác lập luận lại trả lời thành phương thức biểu đạt…

Với câu hỏi 3, 4 thường là câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng thì cần có kỹ năng phân tích, cảm nhận để trả lời yêu cầu của đề thi. Muốn làm tốt phần này thì cần vận dụng cả kiến thức về tiếng Việt, về đời sống, kĩ năng đọc hiểu văn bản và những cảm nhận riêng của học sinh.

Với kiểu câu hỏi về: ý nghĩa của văn bản/ 1 nội dung trong văn bản đối với người viết thì cần trình bày 1 cách rõ ràng vì câu trả lời có thể chứa nhiều hơn 1 ý; cần diễn đạt một cách ngắn một cách rõ ràng, ngắn gọn nhưng lý giải phải phù hợp.Việc chỉ ra các ý nghĩa cần chân thành bằng chính trải nghiệm của bản thân, ngoài ra có thể "tận dụng" một số ý có ngay trong văn bản.

Với kiểu câu hỏi vận dụng "anh/ chị có đồng tình với quan điểm của tác giả không" thì có thể lựa chọn 1 trong ba phương án trả lời: đồng tình/ không đồng tình/ chỉ đồng tình một phần.

Sau khi đã lựa chọn thì phải có những lý giải có tính khách quan, đảm bảo tính thuyết phục. Lưu ý là các em không được trả lời trống không – mà cần có chủ ngữ, cần có lời dẫn dắt.

Ví dụ: cần viết "tôi đồng tình với quan điểm... của tác giả" chứ không nên viết là "có/ không". Bên cạnh đó, cần chú ý không nên viết quá dài. Trong thực tế đã có rất nhiều bạn "tham" ở câu này nên "say sưa" lý giải nên đã viết những câu trả lời quá dài dòng. Các em cần tạo lập các ý gọn, rõ.


Thời gian tối đa cho phần đọc hiểu: nên là từ 15 – 20 phút. Làm nhanh, gọn, chuẩn xác phần đọc hiểu thì học sinh sẽ có tâm thế tốt và dành nhiều thời gian hơn cho phần làm văn.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top