THẦY VÕ

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Thầy là tiếng gọi thiêng liêng, như gọi cha, gọi mẹ. Thầy là “sư phụ”. Xưa quan niệm thầy là thiên chức không phải là nghề, thầy dạy chữ là giáo sư, thầy dạy võ là võ sư. Thầy là người có công ơn dạy dỗ, trau giồi, truyền đạt kiến thức, hun đúc ý chí, làm tấm gương soi rọi về nhân phẩm, đạo đức cho học trò noi theo mà nên người. Có những vị thầy đã trở thành “vạn thế sư biểu” bởi tri thức và đức độ, chan chứa tình yêu thương đối với học trò.


Võ sư Trương Văn Bảo
Sách Tứ thư - Đại học viết: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chỉ, nhi hậu hữu định. Định, nhi hậu năng tĩnh. Tĩnh, nhi hậu năng an. An, nhi hậu năng lự. Lự, nhi hậu năng đắc”. Có nghĩa là đạo của đại học là ở tỏ đức sáng, ở mới dân và ở chỗ chỉ ư chí thiện. Trước hết phải biết mục đích, rồi sau mới quyết định, quyết định rồi bình tĩnh, bình tĩnh rồi sau mới vững được tinh thần. Tinh thần có vững mới nghĩ được những công việc cho đi đến kết quả.

Viện Đại học Đà Lạt (1957 - 1975) trước đây đã dùng hai chữ “Thụ nhân” (Trồng người) làm tiêu chí giáo dục, đào tạo. Sách Quản Tử của Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN) viết:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc;
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc;
Bách niên chi kế mạc như thụ nhân.
Có nghĩa là:
Kế một năm không gì bằng trồng lúa;
Kế mười năm không gì bằng trồng cây;
Kế một trăm năm không gì bằng trồng người.

The best annual plan is cultivating rice;
The best decade plan is cultivating trees;
The best century plan is cultivating human beings.


Người xưa quan niệm truyền thụ võ công là việc trang nghiêm, người học đến võ đường phải làm lễ nhập môn, bái tổ, bái sư. Nghi thức ấy xem ra cổ mà kính, đó là khởi nguồn của lễ. Võ thuật bắt đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ. Chính từ những quan niệm xưa ấy mà thầy trò giữ lễ với nhau, lấy nhân nghĩa làm tiêu chí hành xử. Thầy sẽ là tấm gương soi trong sáng cho hậu thế, lời nói đi đôi với việc làm, tri hành hợp nhất. Ngoài khả năng chuyên môn, tư cách đạo đức, người thầy còn làm sáng lên nhân cách xử thế, người học nhìn vào mà noi theo.

Người xưa trọng tinh thần hơn vật chất, do vậy ít nghe chuyện khoe khoang, quảng cáo, công nghệ đánh phấn tô hồng chữ tôi, mà tâm niệm học võ là để phát huy chữ đức. Thầy quang minh lỗi lạc, chính trực công minh như tướng lĩnh can trường ngoài mặt trận. Chuyện dùng những thủ đoạn thấp hèn, độc quyền xưng bá đồ vương võ lâm là điều không có với những người thầy liêm sỉ. Thầy trượng phu, quân tử coi cuộc đời như thủy bạc, tình nghĩa đón đưa đôi bờ, bốn bể là nhà, đất trời là giang sơn.


Thầy là sự mẫu mực từ tri thức đến đạo hạnh. Dạy môn sinh bằng tâm đức, lấy lòng yêu thương, tâm huyết truyền thụ võ công, nên có câu: “Danh sư xuất cao đồ”. Làm người thật khó, làm thầy còn khó hơn. Quan niệm xưa và nay đã khác. Ngày xưa quan niệm: “Hữu xạ tự nhiên hương”, thầy giỏi và đức độ học trò tự “tầm sư học đạo”. Ngày nay kinh tế thị trường, quảng cáo tiếp thị là phương tiện giúp con người tìm đến nhau, nên có thầy đã tìm trò. Chính vì vậy mà nảy sinh chênh lệch đạo lý thầy trò, xã hội nhìn hình ảnh người thầy bằng một góc khác. Võ thuật là môn học đặc thù, trọng võ đức, nêu cao tinh thần thượng võ, chết đứng không sống quỳ, thuyền trưởng chết theo tàu, tướng lãnh chết theo thành. Những quan niệm uy phong đầy dũng khí ấy, xã hội hiện đại bây giờ có thể cho là lỗi thời, lạc hậu.

Dạy võ là dạy nhân cách sống, nhân cách hành xử:
- Điều thứ nhất là trong võ có đạo, đạo ở đây là đạo đức thuợng võ, đạo lý làm người, vì vậy người dụng võ trước tiên phải trọng võ đức, khi hành xử phải tự chủ, tự thắng chính mình để tránh được tối đa các kết quả xấu, ngoài ý muốn.
- Điều thứ hai là võ không chỉ đơn thuần quyền cước, binh khí chiến đấu mà đỉnh cao của võ là trí tuệ, mưu lược, khôn ngoan, uyển chuyển, khi cần thì lên cao, lúc không cần thì xuống thấp, linh hoạt ẩn hiện như con rồng. Người đánh trăm trận trăm thắng chưa phải là người giỏi nhất, không đánh mà buộc đối phương phải hàng, tâm phục, khẩu phục mới thật là người giỏi nhất.
- Điều thứ ba khi cần thiết phải dụng võ để chiến đấu tự tồn, mưu sinh thoát hiểm thì như mãnh hổ chốn rừng sâu, uy nghi, dũng cảm, cương quyết, tỉnh táo làm chủ trong mọi tình huống.
- Điều thứ tư là văn ôn, võ luyện, võ là hơi thở hằng ngày, là hành trang vạn dặm, có như vậy thì sự học võ mới không hoài công vô ích.
- Điều thứ năm là Thiên Mưu Công trong Tôn Tử Binh Pháp viết:
“Biết người biết ta trăm trận không nguy; Không biết người chỉ biết ta một được một thua; Không biết người không biết ta hễ đánh là nguy”.
Nhưng dù sao đi nữa thì: “Trong thế gian không có hương thơm nào bay ngược được chiều gió, chỉ có hương thơm đức hạnh mới có khả năng bay ngược chiều gió và tỏa ngát muôn phương” (Kinh Pháp cú).

Trong các bài quyền Võ thuật cổ truyền Việt Nam mở đầu và kết thúc bao giờ cũng có phần bái tổ, kính sư để tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với tổ với thầy là các bậc tôn sư, trưởng thượng dạy dỗ ta nên người.

Thầy dạy võ là:
“Sổ hàng di biểu lưu thiên địa.
Nhất phiến đan tâm phó sử thi”.
Có nghĩa là:
Đôi hàng soi dấu lưu muôn thuở.
Một tấm lòng son tạc sử xanh.
(Cổ thi)

Bài viết của Võ sư Trương Văn Bảo - Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, gửi từ email tvbaodl@gmail.com, Thu Giang đăng lại.
Cảm ơn thầy Bảo đã gửi bài viết cho Diễn đàn Bụi phấn, một bài viết rất sâu sắc của người thầy dạy võ nhiều năm, tâm huyết với nghề. Nhân dịp 20/11 sắp tới, Diễn đàn Bụi phấn kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.
 
Last edited by a moderator:

hungcuong

Thành viên
#2
Đọc bài này mình lại nhớ thuở nhỏ đi học võ. Thầy dạy mình rất nghiêm khắc mẫu mực. Thầy dạy võ không đơn thuần chỉ dạy võ mà dạy mình nhân cách sống. Ngày nay mình chững chạc, biết nhường nhịn, nhẫn nại trong cuộc sống cũng là nhờ phần nhiều vào thầy dạy võ thuở nhỏ của mình.
 

Anh Minh

Không có gì
#3
Đọc bài này mình lại nhớ thuở nhỏ đi học võ. Thầy dạy mình rất nghiêm khắc mẫu mực. Thầy dạy võ không đơn thuần chỉ dạy võ mà dạy mình nhân cách sống. Ngày nay mình chững chạc, biết nhường nhịn, nhẫn nại trong cuộc sống cũng là nhờ phần nhiều vào thầy dạy võ thuở nhỏ của mình.
Dạy võ luôn đi đôi với dạy đạo đức làm người.
 

Bình luận bằng Facebook

Top