Thầy hiệu phó trăn trở với học sinh nghèo

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Hết lòng với học trò

Chia sẻ về người đồng nghiệp, thầy Nguyễn Văn Bướm, Hiệu trưởng Trường Thới Long tâm sự: Tháng 9/2012, Trường THCS Thới Long thành lập, thầy Lê Hoàng Anh Tuấn được UBND quận Ô Môn bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Trong những ngày đầu thành lập, thầy cùng với lãnh đạo và tập thể giáo viên (GV) nỗ lực vượt qua thử thách và khó khăn để ngôi trường được vận hành một cách tốt nhất.

Với trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất và hoạt động xã hội, trong những năm qua, thầy Lê Hoàng Anh Tuấn đã tham mưu có hiệu quả với lãnh đạo cấp trên cũng như thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục góp phần xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Thầy Tuấn luôn đồng hành với BGH để xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương trách nhiệm.

“Là một cán bộ trẻ, thầy Lê Hoàng Anh Tuấn luôn năng nổ, quan tâm đến từng hoàn cảnh, nguyện vọng của cán bộ, GV, nhân viên trong nhà trường, cảm thông chia sẻ, tạo điều kiện để thầy cô cùng hoàn thành nhiệm vụ. Thầy luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những HS nghèo, vượt khó học giỏi, những em mắc bệnh hiểm nghèo.

Thầy Tuấn thường xuyên liên hệ với những chương trình nhân đạo, những cá nhân, tổ chức xã hội để vận động hỗ trợ giúp những HS này tiếp tục được cắp sách đến trường như: Giới thiệu cho chương trình “Đồng cảm và sẻ chia” của Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ, Hội hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ xem xét hỗ trợ các em”, thầy hiệu trưởng cho biết.

Chia sẻ về điều này, thầy Lê Hoàng Anh Tuấn trải lòng: “HS là niềm hy vọng, chủ nhân tương lai của đất nước. Bên cạnh những em có điều kiện cắp sách đến trường thì còn không ít hoàn cảnh khó khăn như không được sống chung với cha mẹ, không có điều kiện học tập phải bỏ học giữa chừng, gia đình đang gặp khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…

Với vai trò là một cán bộ quản lý, tôi luôn trăn trở để thực hiện tốt công tác xã hội hóa chăm lo ‘3 đủ’ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho các em. Ngoài ra, việc quan tâm học sinh cũng xuất phát từ lòng ‘yêu nghề, yêu trẻ’ của tôi.

Tôi luôn cố gắng mang lại những điều tốt nhất cho các em, nhưng vẫn có những hoàn cảnh khiến tôi day dứt mãi. Đó là trường hợp em Phan Ngọc Thuận học sinh lớp 6A4, lớp phó học tập bị bệnh ung thư máu.

Khi biết được tin em bệnh tôi đã trực tiếp đến nhà thăm thì em Thuận có nói ‘thầy ơi! Em muốn sớm được đi học lại để gặp thầy cô và bạn bè, em nhớ trường lớp lắm...’.

Trước hoàn cảnh đó tôi đã tìm đủ mọi cách để vận động các nguồn tài trợ chăm lo chữa bệnh cho em, nhưng do căn bệnh hiểm nghèo khiến tâm nguyện của tôi không thành. Với tôi, người thầy phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ, quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu”.

“Học đi đôi với hành”


Theo thầy Tuấn, phương pháp giáo dục nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường hiện nay phải đáp ứng yêu cầu “Học đi đôi với hành”, trong đó phương pháp giáo dục hành động cho HS theo dự án Windy.

Đây là chương trình giáo dục hành động và hợp tác, có sự tham gia của cộng đồng, với mục đích hướng HS phổ thông chủ động bảo vệ môi trường sống lành mạnh và bền vững. Với ý nghĩa trên, sau khi được Sở GD&ĐT kết hợp với Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tổ chức tập huấn mở rộng giai đoạn 2017 - 2019, thầy Lê Hoàng Anh Tuấn đã triển khai cho GV và HS trải nghiệm, thâm nhập với chương trình dạy học tích cực này.

Tham gia chương trình giáo dục hành động, các em hứng thú tham gia hoạt động, có ý thức tự giác trong hành động giáo dục bảo vệ môi trường. Các em biết sắp xếp ngăn nắp các dụng cụ học tập, vật dụng gia đình, chăm sóc cây cảnh, trồng rau sạch, sử dụng vật liệu tái chế làm dụng cụ học tập.

Đối với các thầy cô được nâng cao được chất lượng giảng dạy bộ môn, tích hợp có hiệu quả thể hiện qua các sản phẩm, hành động thực tế của HS. Kết quả trong năm học 2018 - 2019 trường đã thu thập được 70 sản phẩm cải tiến của HS và 15 sản phẩm cải tiến của GV.

Để duy trì và thực hiện có hiệu quả trong năm học 2019 - 2020, thầy Lê Hoàng Anh Tuấn mạnh dạn đề xuất với Hiệu trưởng nhà trường nhân rộng phương pháp giáo dục này thông qua mô hình “Góc Windy, lớp học Windy”. Tại Góc Windy, HS có thể thỏa sức sáng tạo những sản phẩm của riêng mình. Các sản phẩm này do chính các en thực hiện và đã tham gia Hội thảo thành tựu Windy của TP Cần Thơ năm 2018 đạt giải Nhì.

Bên cạnh đó, HS được tham gia vào giờ ra chơi của ngày thứ Hai và thứ Sáu mỗi tuần. Ở đây, có chuẩn bị sẵn những dụng cụ và vật liệu đã qua sử dụng như chai nhựa, thùng giấy... được gom từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” và từ những đồ dùng sinh hoạt thường ngày đã cũ như giấy màu, keo, kéo, màu… Các em sẽ suy nghĩ và dùng bàn tay khéo léo của chính mình tạo ra các đồ dùng học tập hay vật dụng thường ngày vô cùng độc đáo.

Sau mỗi buổi thực hiện hoạt động sáng tạo, HS sẽ nhận biết được việc tái chế những thứ đã qua sử dụng là rất hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường.

Châu Anh
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top