Thầy hiệu phó chia sẻ kinh nghiệm giúp HS nghiên cứu khoa học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Nhóm học sinh lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Trường Thúy trao đổi, thảo luận, xây dựng đề cương NCKH bằng sơ đồ tư duy


Cũng bởi vậy nên công tác quản lý, chỉ đạo của các trường THPT còn rất nhiều lúng túng. Đó là chưa kể kinh phí đầu tư cho hoạt động này khá tốn kém…Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật (NCKHKT) của học sinh ở các trường THPT?

Từ thực tế hoạt động NCKHKT và những thành tích mà nhà trường đã đạt được trong một số năm ở lĩnh vực này, thầy Trần Xuân Trà - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động NCKHKT trong nhà trường, việc tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức, triển khai có hiệu quả cuộc thi NCKHKT cấp trường là là vấn đề trọng tâm, cơ bản nhất.

"Mọi lý thuyết chỉ là màu xám. Công tác tuyên truyền, hay các nội dung tập huấn chỉ là những vấn đề thiên về màu sắc lý luận. Trước hoạt động thực tiễn mới mẻ này, lãnh đạo nhà trường phải tích cực nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo; tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong việc hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, giáo viên và học sinh triển khai có hiệu quả cuộc thi NCKHKT cấp trường, tạo tiền đề để lựa chọn các dự án có thể tham gia dự thi ở các cấp cao hơn" - thầy Trần Xuân Trà cho hay.

Thầy Trần Xuân Trà đồng thời chia sẻ các công đoạn Trường THPT Nguyễn Trường Thúy đặc biệt quan tâm khi chỉ đạo triển khai, tổ chức cuộc thi NCKHKT cấp trường.

Thi ý tưởng sáng tạo

Điều cốt yếu là học sinh phải hình thành được ý tưởng sáng tạo ban đầu dựa trên nền tảng kiến thức, kỹ năng cơ bản kết hợp với những quan sát, chiêm nghiệm thực tiễn, gắn với 20 lĩnh vực khoa học được quy định trong quy chế cuộc thi - Đây là điều đầu tiên thầy Trà nhấn mạnh khi chia sẻ công đoạn Thi ý tưởng sáng tạo

Để thực hiện có hiệu quả công đoạn quan trọng này, trước hết, lãnh đạo nhà trường cần phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo khoa học thuộc 20 lĩnh vực của Cuộc thi cấp quốc gia tới cán bộ, giáo viên và học sinh để học sinh tích cực tham gia đăng ký dự thi.

Đồng thời, trong quá trình tổ chức triển khai phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo cấp trường, lãnh đạo nhà trường cần chú ý gắn kết với các cuộc thi dành cho học sinh THPT như: Thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn; thi hùng biện Tiếng Anh; thi thí nghiệm thực hành; thi sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên và nhi đồng;…và các phong trào thi đua khác trong nhà trường. Bởi các cuộc thi này vừa có mục tiêu chung: Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, vừa bổ trợ cho nhau để phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Lãnh đạo nhà trường cần đặc biệt lưu ý với học sinh, những ý tưởng sáng tạo ban đầu của các em phải xuất từ thực tiễn cuộc sống, gắn với với 20 lĩnh vực được quy định của cuộc thi và có tính khả thi cao. Không nên lựa chọn những “phát minh”, “sáng chế”, hay những ý tưởng sáng tạo quá lớn lao, quá sức.

"Thực tế, nhiều dự án đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo rất giản dị, gần gũi với thực tiễn cuộc sống, như: “Lọc nước bằng than hoạt tính”, “Mũ bảo hiểm thông minh”, “Xích đu xanh”..." - thầy Trần Xuân Trà cho hay.

Trên cơ sở những ý tưởng sáng tạo ban đầu học sinh đăng ký dự thi, Hiệu trưởng nhà trường ra Quyết định thành lập Ban giám khảo, chọn cử những cán bộ, giáo viên có năng lực NCKH, am hiểu về những lĩnh vực học sinh đăng ký dự thi tham gia chấm ý tưởng sáng tạo ban đầu của học sinh.

Từ đó, Ban giám khảo lựa chọn những ý tưởng tiêu biểu, khả thi đề xuất với lãnh đạo nhà trường phát triển thành các đề tài, dự án NCKHKT của học sinh.

Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định phê duyệt dự án, tập trung đầu tư, hỗ trợ cho học sinh về kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị, phân công người hướng dẫn... cho các đề tài, dự án NCKHKT được lựa chọn.

Giúp học sinh xây dựng đề cương sơ lược

Từ các đề tài, dự án đã được phê duyệt, cán bộ, giáo viên được phân công hướng dẫn học sinh NCKHKT, giúp các em xây dựng đề cương sơ lược để từng bước hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo ban đầu của học sinh.

Khi xây dựng đề cương sơ lược cho mỗi dự án, thầy Trần Xuân Trà lưu ý, cán bộ, giáo viên cần hướng dẫn học sinh bám sát cấu trúc của một đề tài NCKH để đảm bảo tính quy phạm của một văn bản khoa học. Đồng thời, đặc biệt quan tâm tới cách đánh giá, cho điểm dự án khoa học để xác định đâu là những vấn đề trọng tâm, cơ bản cần làm nổi bật (câu hỏi nghiên cứu; kế hoạch và phương pháp nghiên cứu; cách thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu; tính sáng tạo).

Đề cương sơ lược của một dự án khoa học vừa bước đầu hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo ban đầu của học sinh vừa là “khung” của một báo cáo khoa học, có tính định hình, định hướng cho người tham gia nghiên cứu xây dựng những luận điểm khoa học. Từ đó, người nghiên cứu thu thập thông tin, phân tích và sử dụng dữ liệu làm nổi bật những luận điểm khoa học ấy. Vì vậy, xây dựng đề cương sơ lược có vị trí khá quan trọng trong NCKH.

Ở đó, bên cạnh việc nắm chắc cấu trúc của một đề tài NCKH, người nghiên cứu phải xây dựng được một hệ thống luận điểm khoa học lôgíc, chặt chẽ với những dẫn chứng xác đáng, cụ thể, sinh động, được phân tích một cách sâu sắc, thấu đáo giàu sức thuyết phục. Điều ấy quả là vấn đề khó đối với học sinh, rất cần sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ, giáo viên hướng dẫn.

"Tuy nhiên, đây là đề tài NCKHKT của học sinh, nên các em phải là người chủ động chọn ý tưởng sáng tạo, chủ động xây dựng đề cương sơ lược. Cán bộ, giáo viên chỉ là người tư vấn, giúp đỡ, hoặc nêu câu hỏi phản biện, tuyệt nhiên không làm hộ, làm thay học sinh.

Chẳng hạn, trước những luận điểm khoa học mà học sinh nêu ra trong các đề cương sơ lược, cán bộ giáo viên hướng dẫn có thể nêu các câu hỏi sau: Vì sao em lại chọn luận điểm này? Luận điểm này bao gồm những khía cạnh cơ bản nào? Chúng được thể hiện qua những dữ liệu (dẫn chứng) cơ bản nào? Cách sắp xếp các luận điểm ấy đã hợp lý chưa? Có cần bổ sung, điều chỉnh thêm không?...

Trên cơ sở cùng trao đổi thảo luận cán bộ, giáo viên hướng dẫn và học sinh NCKHKT đi đến thống nhất đề cương sơ lược, tiến hành các bước tiếp theo của dự án" - thầy Trà chia sẻ thêm.

Tổ chức, hướng dẫn thu thập thông tin, phân tích, sử dụng dữ liệu

Ở công đoạn này, thầy Trần Xuân Trà lưu ý: Từ đề cương sơ lược đã thống nhất với cán bộ, giáo viên hướng dẫn, học sinh tham gia NCKHKT cần tiến hành thu thập thông tin, phân tích và sử dụng dữ liệu để cụ thể hóa những luận điểm khoa học đã được nêu ra ở đề cương sơ lược.

Những thông tin, dữ liệu cần thu thập phong phú, đa dạng học sinh có thể truy cập từ nhiều nguồn khác nhau, như: Sách báo, các tài liệu tham khảo, mạng Internet, thực tiễn cuộc sống…

Tùy thuộc vào từng đề tài, lĩnh vực cụ thể, học sinh có thể lựa chọn các nguồn tư liệu khác nhau, bằng các hình thức khác nhau, như: Ghi chép, sao chụp, phỏng vấn, điều tra xã hội học…

Nhưng điều cốt yếu, những thông tin, dữ liệu ấy phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tính chính xác cao và là cơ sở để người nghiên cứu phân tích, chứng minh, hay bác bỏ một luận điểm khoa học được nêu ra ở dự án.

Bởi vậy, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu là khâu tốn kém nhiều thời gian, công sức, tiền của nhất. Nó đòi hỏi cán bộ, giáo viên hướng dẫn và học sinh phải xây dựng kế hoạch cụ thể, đề xuất với hiệu trưởng phê duyệt và được lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ về kinh phí, tổ chức, hướng dẫn học sinh thu thập thông tin, dữ liệu.

Hướng dẫn học sinh viết báo cáo NCKHKT

Viết báo cáo NCKH là khâu “thi công” và hoàn thiện sản phẩm có ý nghĩa quyết định tới sự thành công dự án. Ở đó, giáo viên cần học sinh huy động vốn kiến thức tổng hợp trên nhiều phương diện khác nhau và trình bày sao cho tõ ràng, chính xác, lôgic , chặt chẽ, đáp ứng đúng yêu cầu của một văn bản khoa học.

Để đạt được những yêu cầu ấy, thầy Trần Xuân Trà cho rằng, bên cạnh việc nắm chắc cấu trúc của một dự án NCKHKT cũng như đề cương sơ lược đã thống nhất, học sinh phải bộc lộ rõ tư duy khoa học trong việc lựa chọn, sắp xếp các luận điểm, luận cứ, khai thác, sử dụng, phân tích các dữ liệu và rút ra những kết luận mang tính khái quát khoa học.

Tuy nhiên, điều cốt yếu là học sinh cần tự trình bày, giáo viên hướng dẫn chỉ là người tham gia, góp ý, giúp học sinh chỉnh sửa báo cáo trên cơ sở tôn trọng chính kiến của các em, tuyệt đối không làm thay, viết thay học sinh.

Hơn nữa, cách trình bày của các em đảm bảo tính khoa học, nhưng không mang tính hàn lâm, kinh viện thể hiện đúng những suy nghĩ, tìm tòi của một người lần đầu tiên làm quen với NCKHKT, gắn những vấn đề các em đang nghiên cứu với thực tiễn sinh động của cuộc sống.

Rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho học sinh

Khẳng định đây một thử thách lớn đối với học sinh, thầy Trần Xuân Trà chia sẻ kinh nghiệm: Trước hết, giáo viên hướng dẫn cần rèn luyện học sinh tính tự tin trong thuyết trình. Đồng thời, hướng dẫn thuyết trình sao cho cô đọng, ngắn gọn, rõ ràng, làm nổi bật nội dung trọng tâm, cơ bản nhất của dự án.

Trong đó, học sinh cần thể hiện rõ: Câu hỏi nghiên cứu; kết quả nghiên cứu; những điểm mới và đóng góp mới của đề tài; hướng nghiên cứu tiếp theo…

Bên cạnh đó, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh kỹ năng thuyết trình hấp dẫn, cuốn hút và thuyết phục được người nghe thông qua cử chỉ, điệu bộ, nét mặt và cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo của mình. Đặc biệt, giáo viên còn cần hướng dẫn học sinh kỹ năng trả lời các câu hỏi phản biện của ban giám khảo sao cho trúng, đúng ý và hấp dẫn.

Lựa chọn và hoàn thiện các dự án dự thi cấp tỉnh

Từ kết quả thi NCKHKT cấp trường, lãnh đạo nhà trường phối hợp với Ban giám khảo lựa chọn và hoàn thiện từ một đến hai dự án khả thi nhất tham gia dự thi cấp tỉnh.

Với công đoạn cuối này, theo thầy Trần Xuân Trà, bên cạnh việc hoàn thiện các loại hồ sơ dự án theo quy định, giáo viên hướng dẫn cùng với học sinh NCKHKT phải lắng nghe những ý kiến tham gia, đóng góp, những câu hỏi phản biện của Ban giám khảo cuộc thi cấp trường để bổ sung, hoàn thiện dự án dự thi cấp tỉnh.

Trên cơ sở đó, giáo viên hướng dẫn và Ban giám khảo cấp trường cần tích cực rèn luyện kỹ năng thuyết trình, trả lời các câu hỏi phản biện cho học sinh bằng cách cho học sinh thuyết trình nhiều lần báo cáo tóm tắt dự án NCKHKT và trả lời các câu hỏi xoay quanh nội dung dự án.

Sau mỗi lần thuyết trình, giáo viên hướng dẫn và Ban giám khảo cấp trường cần đánh giá, nhận xét một cách khách quan, trung thực, kịp thời ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của học sinh và đề xuất những ý kiến bổ sung, đóng góp, hoàn thiện dự án.

Có như vậy, mới tạo tâm lý tự tin cho các em trước khi bước vào Hội thi NCKHKT cấp tỉnh. "Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Hội thi NCKHKT cấp tỉnh" - thầy Trà nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top