“Thầy giáo 3K” và những con chuột gỗ năm Canh Tý

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Năm 2015, thầy giáo Kù Kao Khải đã xuất sắc vượt qua hàng trăm tác phẩm điêu khắc chuyên nghiệp toàn quốc để nhận giải thưởng cao nhất với tác phẩm “Chuyện quê”. Từ những nguyên liệu đơn giản như gỗ mục, phế liệu, thầy Khải đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật kể về biển đảo quê hương với những mặn mòi, gian truân của ngư dân.

Thầy giáo đa tài

Đón chào năm Canh Tý 2020, thầy Khải cho ra mắt loạt tác phẩm về chuột – những con chuột khổng lồ với hàm ý sâu sắc, mang giá trị nghệ thuật độc đáo, mới lạ.

Sinh năm 1978, Kù Kao Khải thuộc lớp nghệ sĩ đa năng cả về hội họa lẫn điêu khắc sắp đặt. Sau khi ra trường, anh để lại sau lưng tất cả những ồn ào phố thị trở về quê hương miền biển Kim Sơn (Ninh Bình) và theo nghề dạy học tại Trường THCS Kim Tân.

Ngoài trọng trách đào tạo con em vùng biển, thầy Khải còn sáng tác nghệ thuật về vùng quê mà mình đang sống. Sau những giờ học chính khóa, nhiều em học sinh ở Kim Sơn còn được thầy Khải giảng giải về hội họa, điêu khắc; về những ý tưởng sáng tác và cách nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật.


Thầy giáo Kù Kao Khải đã miệt mài tạo ra những con chuột khổng lồ. Ảnh: TG

Năm nay, lấy ý tưởng từ nội dung và tạo hình trong tranh dân gian Đông Hồ với “Đám cưới chuột”, thầy Khải muốn ca ngợi vẻ đẹp của văn hóa dân gian nên sau nhiều ngày miệt mài đã cho ra đời tác phẩm điêu khắc sắp đặt thú vị mang tên “Cưới chuột”, tác phẩm vừa đạt giải Nhì Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2019.

Không đơn thuần là sự sao chép ý tưởng từ nghệ thuật đồ họa dân gian sang tạo hình điêu khắc hiện đại, ở đây thầy Khải muốn đưa đến câu chuyện về thân phận con người qua hình ảnh của những con chuột - con giáp đầu tiên và sự mâu thuẫn đối kháng ngàn đời của chúng với loài mèo - con giáp thứ 4 của người Việt trong bộ 12 con giáp.

Mặc dù có những ảnh hưởng về nội dung và đề tài, nhưng “Cưới chuột” cho thấy một khoảng cách nhất định về tư duy và phương thức sáng tạo so với bức tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”. Đây là tác phẩm được công chúng mến mộ và Hội đồng nghệ thuật ghi nhận với kết quả: Giải B triển lãm Mỹ thuật Khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24 và giải Nhì Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2019.

Những tác phẩm của thầy Khải từ “Chuyện quê”, “Chuông” đến “Cưới chuột” đều có chất liệu đục gỗ tô màu, chắc khỏe ứng hợp hài hòa với tính dân gian của đề tài. Lấy cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ, thầy Khải đã đưa các hình ảnh 2D trên mặt phẳng giấy điệp kích thước khiêm tốn bước ra đời sống thực mang không gian 3D rộng lớn, đồ sộ và sống động theo cảm quan thẩm mỹ riêng.

Thông điệp từ những con chuột gỗ


Quà cho mèo

Với quy mô tác phẩm là 2m ngang, 2m dọc và 2,2m cao, gồm các hình dạng nhẹ nhàng, thô khỏe đầy ngẫu hứng. Hiểu một cách đơn giản là tác giả đã dựa vào hình thể ban đầu của từng cây gỗ, có sẵn những mảng hình mềm mại, nương vào đó và tạc, cắt bỏ đi những phần thừa. Từ đó, để lộ ra gần 30 hình thể với các kích cỡ tương thích đã làm người xem đi hết từ ngạc nhiên này đến kỳ thú khác.

Sự kết hợp gần gũi của những nhát đục - khắc táo bạo trên những thân cây gỗ xù xì vết thời gian. Sự thô ráp ấy gắn liền với bản năng tạo hình trong con người vốn rất phong trần, gai góc của một người thầy - nghệ sĩ đất biển.


Câu chuyện “Cưới chuột” không kể bằng ngôn ngữ kiểu cách văn hoa mà mang tính hồn hậu, đậm chất làng Việt, vì thế dễ dàng thấm vào tâm tưởng của người thưởng ngoạn. Thầy Khải tạo ra 24 con chuột khổng lồ biểu hiện cho nhiều năm hoặc cả “nhiệm kỳ” của một câu chuyện đâu đó trong xã hội. Việc đàn chuột đang xách quà đến để cống nạp cho mèo được bảo lưu như nguyên tác. Quà là chim bồ câu, cá… với tiếng kèn như trong “Đám cưới chuột”.

Những con chuột khổng lồ của thầy Khải lộ ra các tâm trạng khác nhau, mang những câu chuyện riêng: Đau khổ, vui vẻ, sung sướng, lo lắng… đủ cả hỉ - nộ - ái - ố. Với hình hài mỗi con một vẻ: Béo tốt đẫy đà, e thẹn, thỏa mãn, hốt hoảng… tạo ra sự tò mò cho người xem.

“Tôi muốn khái quát câu chuyện đời thường, đó là những chuyện liên quan đến đời sống hàng ngày trong xã hội, mỗi người có một số phận, một cách nhìn, cách nghĩ, một câu chuyện riêng, các nỗi khổ, niềm vui không đồng điệu, không ai giống ai và không ai là ai”, thầy Kù Kao Khải cho hay.

Nếu như tranh Đông Hồ lấy màu sắc tự nhiên như vàng (hoa hòe), đen (than lá tre), xanh (lá chàm), đỏ (sỏi son), trắng (bột điệp) làm ngôn ngữ chung chủ đạo, thì màu sắc trong “Cưới chuột” của thầy Khải cho thấy sự chủ động ám thị của người nghệ sĩ. Màu sắc theo kiểu cung đình vàng son quyền quý: Bốn “ông mèo” ở tầng trên thì có màu đen đậm làm nền toàn thân, phủ vàng lên những khối nổi có dáng nằm rình rập dưới tán ô, lọng vàng, đỏ.

Các hình khối ấy kết hợp với ánh sáng tạo nên những nhát phạt chắc khỏe và dung dị đầy phấn khích. Những con chuột lại biểu đạt các thân phận của nó ở tầng dưới, vẫn cách tạo màu như mèo, nhưng lại điểm một mảng nhỏ hoặc chi tiết phụ màu xanh lục tạo nên sự thú vị.

Không đơn thuần là 1 con mèo và 12 con chuột đồng hiện như trong tranh dân gian “Đám cưới chuột”, thầy Khải còn sử dụng nghệ thuật sắp đặt để bài trí tác phẩm “Cưới chuột” rất ngẫu hứng. Có tới 4 con mèo và 24 con chuột, nói lên câu chuyện chung của xã hội đương đại.

Các yếu tố tạo hình như quà, tiền vàng trên trán của bốn “ông mèo”, chúng chễm chệ trên cao thể hiện sự tự đắc của bề trên. Bên dưới, chuột vui vẻ trao nhau tình cảm và thể hiện cách ứng xử khôn khéo và nền nã… tác phẩm cho thấy vẻ đẹp hồ hởi, thô giản của những con người chân chất thân thuộc ở làng quê Bắc Bộ.

“Thông qua tác phẩm “Cưới chuột”, tôi muốn phản ánh câu chuyện về thân phận con người nhưng không nặng nề bi quan như mạch suy nghĩ thông thường. Trái lại, tôi muốn chuyển tải tinh thần lạc quan mà cuộc sống vốn có - phải có trong mọi hoàn cảnh”, thầy Khải chia sẻ.

Trần Hòa
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top