Thay đổi trong tương tác với trò

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lắng nghe cả những điều học sinh không nói

Cô Hà Thị Hạnh - giáo viên Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc) chia sẻ: Học sinh tìm đến giáo viên chưa hẳn đã vì cần những lời khuyên lớn lao. Cái mà HS cần đầu tiên, là một người nghe không phán xét. Đúng như câu hỏi của một học trò: “Em có chuyện này rất muốn kể với cô. Nhưng cô có thể lắng nghe mà không phán xét được không?”.

“Quả thật, ban đầu, tôi có xu hướng lắng nghe và nôn nóng muốn đưa ra giải pháp, bình luận, thậm chí lấn át cả câu chuyện của học trò. Sau rồi, tôi hiểu ra, muốn lắng nghe, cần kiên nhẫn, khi nào cái tôi của mình còn lớn, khi đó khả năng lắng nghe sẽ nhỏ, vì ham muốn thể hiện đẳng cấp của ta chỉ làm học trò thấy cách xa” - cô Hạnh kể lại.

Dần dà, cô giáo đã học cách lắng nghe chính mình và hỗ trợ HS lắng nghe chính các em, qua những việc nhỏ. Như trong một giờ sinh hoạt của năm học lớp 10, cô Hạnh tạo cho HS cơ hội viết thư tay, với lời dặn: Đừng để các kỳ thi bủa vây các em. Lời yêu thương không nói rất có thể sẽ không bao giờ còn cơ hội nói. Ban đầu, các em ngần ngại, rồi dần đi vào thế giới cảm xúc của riêng mình.

Nhưng lắng nghe HS nói vẫn chỉ là ở cấp độ 1, cao hơn, cần lắng nghe cả những điều các em không nói. Nghĩa là quan sát từ những biểu hiện nhỏ của các em, thấu hiểu tâm lý để khơi gợi sự sẻ chia.

Hạnh phúc của lớp học còn đến từ một nhân tố - không trực tiếp xuất hiện trong lớp nhưng luôn ảnh hưởng sâu sắc, đó là các phụ huynh. Nếu kết nối giữa giáo viên - phụ huynh không đạt được hiệu quả, khó có thể tạo ra một môi trường giáo dục tốt.

Cô Hạnh chia sẻ: Ban đầu, trong các cuộc họp phụ huynh sơ kết học kỳ hay tổng kết năm học, tôi thường hăng hái nhận xét kết quả của từng em, nêu ra những sai lầm, khuyết điểm của HS một cách chi tiết trước mặt toàn thể phụ huynh. Kết quả, học sinh sợ họp và phụ huynh cũng không còn nhiều người mong đi họp. Áp lực đó, nếu không chuyển hóa được, sẽ trút lên HS.

Để thay đổi, kết quả riêng của từng em được gửi tới trước cho phụ huynh. Còn trong cuộc họp chung, cô giáo đã cho HS viết thiếp gửi mẹ cha và không ghi tên ở cuối thiếp. Trong hành trình đi tìm thiếp, phụ huynh sẽ đọc được tâm sự của rất nhiều “con người ta”, qua đó mà hiểu tâm tư của con hơn và nhìn lại mối quan hệ với con mình.

Quyền lực mềm của người làm giáo dục


Cô Hà Thị Hạnh và học sinh Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc)

Học sinh đặc biệt nhạy cảm với những lời khen chê mà thầy cô dành cho mình. Từ băn khoăn của một học trò, “sao cô cứ chê con một cách công khai còn khen thì lại nói riêng”, cô Hạnh đã nghĩ lại về thói quen của mình, hay công khai lỗi lầm của học trò và nhắc đi nhắc lại, như một cách khiến các em xấu hổ để tự sửa đổi.

Dưới góc độ tâm lý học, điều đó có thể khiến học sinh cảm thấy tự ti, không được tôn trọng và không muốn sửa mình. Bởi vậy, cô đã thay đổi bằng cách góp ý riêng hoặc nhắc nhở nhẹ nhàng với lỗi lần đầu, kiên định với lần 2 và nghiêm khắc với lần 3 để HS học cách chịu trách nhiệm, khen công khai để lan tỏa giá trị và HS có cảm hứng phát huy điều tốt.

Với cô Hạnh, hạnh phúc của lớp học đến từ những điều nhỏ bé, khi GV biết kết nối với chính mình và kết nối với học trò, biết lắng nghe và tạo cơ hội cho HS thể hiện.

Cô Hạnh chia sẻ: Nếu giáo viên tự thân là một người hạnh phúc, thì hạnh phúc ấy sẽ lan tỏa theo cấp số nhân. Đó chính là quyền lực mềm của người làm giáo dục.

Thanh Tuấn
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top