Thầy cô tự hào: Ai bảo đề thi Hóa học cứng nhắc, không có tính ứng dụng nào!

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thầy Nguyễn Thành Sơn – giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội):

Đề thi có cấu trúc gồm 28 câu hỏi lý thuyết (gần 60%) và 22 câu bài tậptính toán (hơn 40%).

Phần Hóa đại cương - vô cơ lớp 10 và 11 có 7 câu, phần hữu cơ lớp 11 có 8 câu, phần hóa vô cơ lớp 12 có 17 câu, phần hữu cơ lớp 12 có 18 câu.

Như vậy 30% các câu hỏi chỉ thuộc chương trình lớp 10, 11 và 70% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12.

30 câu đầu (chiếm 60%) rất dễ, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nhìn qua có thể làm được ngay nên học sinh trung bình dễ dàng đạt 5-6 điểm. 40% câu hỏi còn lại có mức độ khó tăng dần đáp ứng được yêu cầu phân hóa cho mục đích tuyển sinh đại học, trong đó có 5 câu (chiếm 10%) thực sự khó khiến học sinh mất nhiều thời gian để tìm được hướng giải.

Các câu khó vẫn rơi vào chủ đề hỗn hợp hữu cơ thuộc nhiều dãy đồng đẳng, bài tập hợp chất hữu cơ chứa nitơ, bài toán liên quan đến sắt và HNO3. Đề thi có câu hỏi yêu cầu kiến thức về thực hành, ứng dụng thực tiễn của các chất và đây là nội dung cần thiết với môn khoa học thực nghiệm như hóa học.

Với đề thi này, học sinh khá có thể được 8-9 điểm. Điểm 10 sẽ khó khăn. Đề thi đáp ứng được hai yêu cầu tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Đề thi có mức độ tương đương với đề thi năm 2015. (Hiếu Nguyễn ghi)

Cô Hoàng Thị Hải - Trường THPT Vũ Tiên (Thái Bình)

Phần lý thuyết phân bổ chủ yếu trong chương trình lớp 12. Không có câu hỏi đánh đố, bẫy học sinh.

Đề có khoảng 60% câu hỏi yêu cầu ở mức độ trung bình và trung bình khá dành cho học sinh thi tốt nghiệp. Số còn lại có 20 câu hỏi dành cho học sinh thi lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ. Học sinh có học lực trung bình có thể đạt mức 6 điểm.

Ở mốc 7 đến 8 điểm bắt đầu thể hiện sự phân hóa, học sinh khá có thể làm được. Còn ở mức 9 đến 10 điểm, yêu cầu của đề khó hơn đòi hỏi học sinh có học lực giỏi, xuất sắc, chịu khó ôn luyện mới làm được;

Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu là 6 đến 7 điểm.

Như vậy, đề thi môn hóa năm nay phù hợp với mục đích của kì thi “2 trong 1”, vừa bao quát kiến thức chương trình vừa thể hiện sự phân hóa trình độ học sinh trong quá trình xét tuyển đúng ngành nghề, trình độ vào các trường. (Thanh Thủy ghi)

Cô Vũ Thị Hương – Giáo viên môn Hóa học Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân - Hải Phòng):

Đề thi Hóa học kỳ thi THPT quốc gia năm nay ra đúng cấu trúc đề, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, tăng cường câu hỏi có liên quan đến thực tiễn.

Lời dẫn của một số câu hỏi đưa các thông tin đầy đủ, có tính hội nhập với cách kiểm tra đánh giá trên thế giới (câu 1, 6, 7, 9 - Mã đề 814)

Hình thức đề bố cục phân hóa từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phần vận dụng, vận dụng cao (giống hình thức đề 2015) nên tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm theo năng lực và không bị áp lực về tâm lý.

Đề thi có nhiều câu hỏi hay, kiểm tra đánh giá được đa dạng đơn vị kiến thức hóa học THPT. Số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao tăng so với đề thi 2015. Cụ thể:

+ Có tới 20 câu hỏi phải lập luận từ 2 bước tư duy trở lên mới giải quyết được;

+ Phần lý thuyết sử dụng tên gọi của các chất quá nhiều, không cung cấp CTPT hoặc CTCT dẫn đến thí sinh khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề tiếp theo của đề;

+ Có 9 câu hỏi Toán Hóa (câu 33, 34, 38, 39, 40, 41, 42, 45, 50 - mã đề 814 ) và 3 câu hỏi lý thuyết (câu 32,37,48 - mã đề 814) được cho là mức độ vận dụng cao, cần nhiều thời gian giải quyết.

Đánh giá chung: Đề thi Hóa học năm nay ở mức độ khó đối với nhóm thí sinh dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT QG 2016 và cả nhóm thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ 2016.

Dự đoán, thí sinh đạt điểm = 8 sẽ chiếm một lượng không nhiều. (Kim Thoa ghi)

Cô Vàng Thị Khu - Giáo viên Trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái):

Cũng giống như năm trước, đề thi môn Hóa năm nay bám sát vào chương trinh sách giáo khoa, chủ yếu là lớp 12. Vì vậy với đề thi này, học sinh học "chắc" kiến thức trong sách giáo khoa cũng có thể làm được.

Các câu hỏi về bài tập đa dạng, phong phú và thể hiện rõ nét sự phân loại giữa thí sinh từ mức trung bình đến giỏi. Chẳng hạn như các câu hỏi về hỗn hợp kim loại...

Nhìn chung với đề thi này để đạt được từ 8 điểm trở lên, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa mà cần có khả năng tư duy, liên hệ tốt với kiến thức ở lớp 10, lớp 11 và khả năng vận dụng thực tế.

Điều đáng ghi nhận là, đề thi không đánh đố học sinh, lượng kiến thức trải đều trong các phần học và phù hợp với mọi thí sinh trên các vùng miền.

Theo tôi nhận định, với đề thi này, học sinh vùng dân tộc thiểu số có học lực trung bình, trung bình khá cũng có thể đạt từ 4 - 5 điểm. (Minh Phong ghi)

Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Giáo viên Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa):

Đề thi môn Hóa năm nay hay, có sự phân hóa hơn so với năm trước. Cụ thể từ câu 1 đến câu 25, những thí sinh có học lực trung bình yếu đến trung bình cũng có thể làm được. Những câu còn lại có sự phân hóa rõ rệt, đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức.

Các câu hỏi trong đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chỉ một số ít là ở lớp 10 và lớp 11. Về tổng thể bám sát với định hướng của Bộ GD&ĐT và với những gì mà chúng tôi đã ôn luyện cho các em ở trên lớp.

Đề thi cũng được ra theo hướng mở và có liên hệ thực tế. Ví dụ: Câu hỏi về axetilen hay về rượu. Với đề thi này, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức và tư duy logic. Mặt khác đề thi cũng đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về Toán học mới có thể làm được. (Minh Phong ghi)

Ths Nguyễn Thị Thu – Giáo viên trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội):

Đề thi hay, hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, nhiều kiến thức Hóa học gần gũi gắn liền lý thuyết với thực tiễn cuộc sống và vấn đề ô nhiễm môi trường. Tôi cho rằng đề thi năm nay có tính phân loại thí sinh cao hơn năm 2015 một chút.

Đề thi có 28 câu hỏi lý thuyết, 22 câu bài tập tính toán. Đề Hóa năm nay cũng như năm 2015 là đã quan tâm đến dạng bài tập thực hành, còn phần liên hệ và ứng dụng thực tế là điểm mới hơn so với năm trước.

Thí sinh có học lực trung bình dự thi với mục đích xét tốt nghiệp, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản thì dễ đạt được điểm 5. Học sinh khá, giỏi thì dễ dàng làm được 13 câu bài tập.

Với 9 câu còn lại có mức độ khó tăng dần, đáp ứng được yêu cầu phân hóa cho mục đích tuyển sinh đại học, đòi hỏi học sinh phải có tư duy và rèn luyện nhiều. Câu hỏi khó khiến học sinh mất nhiều thời gian để tìm được hướng giải. Với đề thi này, học sinh khá có thể đạt được 8 điểm. Điểm 9, 10 sẽ khó khăn.

Nhìn một cách tổng quan, đề thi hóa học năm nay hay, đã bao quát nội dung trong SGK. Đề thi vừa sức với học sinh trung bình và kiến thức ở chương trình lớp 12 khá nhiểu nên học sinh ôn luyện chăm chỉ thì sẽ đạt trên 50 - 60%. Các học sinh muốn đạt điểm cao hơn thì đòi hỏi kiến thức, kĩ năng cũng như tư duy phải linh hoạt và tốt hơn. (Hiếu Nguyễn ghi)

Thầy giáo Phùng Văn Tùng - Giáo viên dạy Hóa học, Trường THPT Thanh Chương 1 (Nghệ An):

Đề thi môn Hóa học năm nay có cấu trúc “chuẩn” mà Bộ GD&ĐT ban hành, tính phân loại học sinh cao, đồng thời liên hệ đến nhiều ứng dụng của Hóa học vào thực tế.

Đề thi có 30 câu đầu là những câu hỏi với mức độ cơ bản không khác nhiều so với các năm trước. Với học sinh trung bình, nếu nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì các em sẽ làm được từ 5 – 6 điểm.

Bên cạnh đó, đề khá lý thú vì có những câu liên hệ với ứng dụng thực tế như sử vật liệu polymer trong công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước, tìm hiểu chất độc trong nọc kiến để xử lý khi bị kiến đốt…

Riêng với những câu hỏi phân loại thì đề khó hơn đề thi của năm trước. Trong đó tập trung vào những kiến thức liên quan hóa hữu cơ lớp 12 đòi hỏi yêu cầu tính toán chính xác và tư duy nhiều.

Với đề thi này, nếu so với học sinh khá giỏi thì các em có thể làm tốt. Còn để đạt điểm 10 thì phải là những học sinh thực sự giỏi và xuất sắc. (Hồ Lài ghi)

Các thầy cô tổ Hóa học – Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp):

Đề thi Hóa học chiều nay (3/7) hay nhưng sẽ hơi khó với nhiều học sinh.

Trong số 50 câu hỏi, 30 câu đầu giúp thí sinh lấy điểm xét tốt nghiệp THPT. Ở những câu hỏi này, về lý thuyết có thể thấy xuất hiện khá nhiều câu hỏi mới, một số học sinh khó nhận dạng; một số câu đòi hỏi học sinh phải tư duy. Bên cạnh đó cũng có một số câu hỏi mang tính ứng dụng thực tế khá thú vị.

Phần bài tập trong số 30 câu hỏi đầu tiên cũng có câu hỏi khó đối với học sinh trung bình. Để làm tốt các câu này, học sinh cần phải tư duy, suy luận.

Các câu hỏi từ 31 đến câu 50 giúp phân loại học sinh khá giỏi; trong đó phần bài tập phân có tính loại cao, có nhiều bài tập mới, lạ. (Hiếu Nguyễn ghi)
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top