Thành phố hẻo lánh nhất thế giới “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Norilsk của Nga được nhiều người mệnh danh là "thành phố u ám nhất thế giới" khi nó hẻo lánh đến mức không thể tiếp cận bằng đường bộ, và có tuổi thọ thấp hơn trung bình quốc gia tới 10 năm vì quá ô nhiễm.

Nó cũng là một trong những khu mỏ quan trọng nhất nhưng vi ở vĩ độ quá cao, địa điểm này không thấy ánh mặt trời suốt 2 tháng mùa đông. Với dân số 170.000 người, Norilsk là thành phố hẻo lánh nhất thế giới, cách Moscow tới gần 3.000km và thủ phủ vùng Krasnoyarsk Krai 1.500km.

Không có con đường bộ nào dễ dàng dẫn đến Norilsk. Chỉ một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa chạy ra vào thành phố. Lối còn lại là qua đường biển, tại thành phố cảng Dudinka cách đó khoảng 60km - dù vậy, con đường này "vô dụng" vào mùa đông vì nước đóng băng.



Nó bị cô lập đến nỗi khi người dân địa phương rời khỏi thành phố, họ nói đùa rằng mình đang "trở về đất liền".

Norilsk chỉ mới có internet đạt chuẩn vào năm 2017 - trước lúc đó thành phố nhỏ này dựa hoàn toàn vào một kết nối vệ tinh chập chờn.

Do quá khó tiếp cân, phương án duy nhất để di chuyển đến Norilsk vào bất kỳ thời điểm nào trong năm là bằng đường hàng không, dù cách này cũng không hề dễ dàng gì. Thời gian bay từ Moscow kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ.

Lịch sử hiện đại của thành phố khởi phát từ những năm đầu thế kỷ 20, khi một nhà địa chất học khám phá ra các mỏ niken, đồng, coban và palladium vô cùng dồi dào tại đây. Thậm chí, trữ lượng mỏ các kim loại ở Norilsk được xếp hạng là lớn nhất thế giới.

Từ năm 1936, Liên Xô bắt đầu cho nhân công khai thác vùng mỏ khắc nghiệt này.

Ngày nay, 1/5 lượng niken toàn cầu và 1/2 palladium đến từ Norilsk. Đây đều là những kim loại quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp như hợp kim, ô tô.

Gần như tất cả cư dân thành phố đều có mối liên hệ tới nhà máy niken tại đây, hoặc làm việc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua các công ty phụ thuộc vào nó. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào khai thác khiến thành phố trở thành nơi ô nhiễm nhất nước Nga và nằm trong top 10 thế giới.



Mỗi năm, nhà máy niken thải ra hơn 2 triệu tấn khí độc, bao gồm sulfur dioxit, nitơ oxit, carbon, phenol và hơn thế nữa. Khoảng 1% khí thải sulfur dioxit trên thế giới đến từ nhà máy này.

Vì ô nhiễm, tuổi thọ trung bình công nhân Norilsk chỉ là 59, thấp hơn 10 năm so với con số đó của đàn ông Nga. Tỉ lệ ung thư tại đây cũng gấp đôi những vùng khác trong đất nước.

Các dòng sông gần thành phố từng chứng kiến màu nước chuyển đỏ do nước thải hoặc rò rỉ diesel từ nhà máy kim loại. Thậm chí theo một cư dân địa phương, vào mùa đông tuyết cũng chuyển sang màu đỏ.



Cuối cùng, điều khiến thành phố mang biệt danh "u ám nhất thế giới" là vì nó có 45 ngày trong năm không thấy ánh mặt trời, do địa điểm quá gần cực Bắc. Vào mùa đông, nhiệt độ trung bình là -30 độ C và từng đạt mức kỷ lục -63 độ C. Trái ngược với đó, mùa hè trải qua 65 ngày mặt trời không lặn.

Lý do khiến vẫn còn nhiều người trụ lại thành phố khắc nghiệt này là vì thu nhập trung bình gần 1.000 USD/tháng của công nhân khu mỏ.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top