Tạo hứng thú cho giờ dạy Ngữ văn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đó là những chia sẻ tâm huyết của cô Trần Thị Thúy – giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) – khi nói về kinh nghiệm tăng hứng thú cho học sinh khi tiếp cận tác phẩm văn học.

Giáo viên chưa tin vào năng lực thi công

Dạy Ngữ văn cũng cần đòi hỏi phải có năng khiếu. Thầy dạy không hay, không say mê, nhiệt tình thì khó mà làm cho học trò thích môn Văn. Khẳng định điều này, cô Trần Thị Thúy cho rằng, một số tiết dạy bình thường giáo viên lại quay về phương pháp cũ, tức là cung cấp cho học sinh từng kiến thức, thậm chí đọc chép cho học sinh. Điều này cũng do nguyên nhân giáo viên chưa tin vào năng lực “thi công” của mình, nhất là đối với học sinh yếu kém.

Giáo viên thường ghi câu chữ, hình ảnh, biện pháp tu từ sau đó đánh mũi tên sang ngang ghi tác dụng, ý nghĩa … một cách máy móc giản đơn. Điều đó vừa làm mất đi tính toàn vẹn của tác phẩm, vừa gây khó khăn cho học sinh khi học bài ở nhà.

Bên cạnh đó, thao tác vào bài (giới thiệu bài) của giáo viên thường là nhắc lại tên bài học trước, nêu tên bài học hôm nay. Kiểu dẫn dắt đơn điệu này không kích thích được hứng thú học tập của học sinh.

Thao tác tìm hiểu bài còn hạn chế: Câu hỏi quá dễ hoặc quá khó, diễn giảng vụn vặt sau câu trả lời của học sinh, bỏ qua chỗ diễn giảng cao trào để bổ sung, nâng cao, mở rộng cách hiểu cho học sinh.

Ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học Ngữ văn còn ở thái độ của học sinh, cha mẹ học sinh với môn học; cơ sở vật chất, tài liệu minh họa, đồ dùng dạy học để phục vụ giảng dạy và bổ sung kiến thức học tập môn Văn còn nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là một số tranh ảnh và sách tham khảo.

Từ đó dẫn đến việc giáo viên dạy chay còn học sinh thì lúng túng không biết chọn lựa sách nào để đọc cho phù hợp. Những hoạt động ngoại khoá để khắc sâu, mở rộng kiến thức, gây hứng thú học tập môn Ngữ văn cho học sinh rất ít được tổ chức vì tốn kém, mất nhiều thời gian và công sức...

Chuẩn bị tâm thế cho giờ dạy Ngữ văn thành công

Để tạo hứng thú cho giờ dạy Ngữ văn, theo cô Trần Thị Thúy, giáo viên phải chuẩn bị nhiều phương diện cho một giờ lên lớp: Nắm vững bài dạy, xác định kiến thức trọng tâm. Hình thành giáo án theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Tìm hiểu thực tế lớp dạy cụ thể trong từng tiết học.

Giáo viên phải chú ý tạo tâm thế học tập tốt cho học sinh, giúp các em nhận thức được lợi ích của bộ môn cũng như tạo sự phát triển trí tuệ, tư duy và tâm hồn, tình cảm cho người học. Tác dụng này phải được giáo viên nhấn mạnh trong những tình huống phù hợp.

Khi chú ý đến điều này giáo viên sẽ khắc phục được thái độ thờ ơ, lãnh đạm, thụ động của học sinh; dần dần học sinh sẽ tích cực chủ động hơn trong việc chuẩn bị bài, lĩnh hội kiến thức, vận dụng kiến thức Ngữ văn trong học tập và đời sống.

Như vậy, việc chuẩn bị tâm thế trong giờ học Ngữ văn rất quan trọng đối với việc tạo hứng thú cho học sinh. Nhưng khơi gợi hứng thú cho học sinh có thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào các biện pháp giáo viên thực hiện lên lớp, trong giờ dạy cụ thể.

Muốn vậy, cô giáo dạy Văn của Trường THCS Giảng Võ cho rằng, giáo viên phải phối hợp nhiều biện pháp để tạo nên những giờ học sinh động lôi cuốn học sinh. Cụ thể như:

Quy trình dạy học hợp lí với sự chủ động bình tĩnh, một giờ dạy lôi cuốn học sinh trước hết ở nghệ thuật dẫn dắt, hướng dẫn học sinh. Trên cơ sở nắm vững kiến thức trọng tâm của bài học, giáo viên chú ý đến tính vừa sức, điều tiết thích hợp để tránh nhàm chán bởi sự lặp lại hoặc chán nản vì kiến thức khó. Đối với những bài mà các em đã học giáo viên phải huy động và củng cố kiến thức cũ làm cơ sở hình thành kiến thức mới.

Đối với những kiến thức hoàn toàn mới, giáo viên hướng dẫn học sinh từ dễ đến khó, mạnh dạn tinh giản kiến thức, tránh ôm đồm quá tải làm học sinh không hứng thú vì cảm thấy bài dài và khó.

Tăng cường giao tiếp trong giờ học là một biện pháp cơ bản để khơi gợi hứng thú học tập. Thông qua giao tiếp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, giờ học trở nên sinh động hơn.

Để đạt điều này, giáo viên phải tạo những tình huống có vấn đề để gợi mở suy nghĩ của học sinh, học sinh sẽ cố gắng khám phá tìm hiểu vấn đề. Từ đó học sinh tranh luận, thảo luận bảo vệ ý kiến của mình khi có những ý kiến trái ngược nhau. Lưu ý là phải tạo điều kiện để các em lựa chọn cách hiểu và hướng dẫn đến ý kiến đúng một cách kịp thời, phù hợp.

Hoạt động giao tiếp trong giờ học được thực hiện từ khâu tìm hiểu bài, hình thành kiến thức mới và luyện tập thực hành. Phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động của thầy và trò.

Tổ chức trò chơi cũng chính là hoạt động giao tiếp nhằm khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Có thể tổ chức trong tiết dạy với hình thức thi giữa các nhóm nhỏ với nhau để làm bài tập củng cố kiến thức, cũng có thể củng cố kiến thức bằng các hoạt động “ học mà chơi, chơi mà học”. Hoặc kết hợp với những đề tài cụ thể để lôi cuốn học sinh vào trò chơi, có động viên khen thưởng kịp thời.

Cô Thúy cũng nhấn mạnh việc giáo viên thay đổi các ví dụ minh họa trong giờ học cũng là một biện pháp tạo ra được hứng thú học tập của học sinh. Trong những bài mà ví dụ khô khan, xa lạ, khó hiểu giáo viên nên chủ động nêu các ví dụ gần gũi với cuộc sống, với tình hình thời sự và đặc điểm của lứa tuổi học sinh. Chính các ví dụ này làm cho tiết học bớt khô khan cứng nhắc, vui hơn, khơi gợi hứng thú học tập của học sinh hơn.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top