Tăng cường tính thực tiễn trong dạy học lập trình web

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo giảng viên Phạm Văn Tiệp (Trường ĐH Đại Nam), vì đặc điểm môn học cần có kiến thức tổng hợp của rất nhiều các môn học ở kỳ trước, nên trong quá trình học, sinh viên yếu sẽ khó tiếp thu nội dung môn học. Môn học mang tính thực hành cao nên nếu học lý thuyết đơn thuần mà không có minh họa cụ thể sẽ khiến sinh viên khó hình dung cách thực hiện…

Từ những khó khăn trên, giảng viên Phạm Văn Tiệp chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lập trình web với những nội dung sau:

Tăng cường tính thực tiễn trong giảng dạy

Bên cạnh cung cấp kiến thức giúp sinh viên có khả năng tự xây dựng và thiết kế web thì giảng viên còn đưa ra những bài tập thực hành dựa trên nội dung môn học.

Đây là những kỹ năng vô cùng cần thiết cho sinh viên khi tiếp cận với công việc trong thực tế và điều này cũng giúp sinh viên có hứng thú học tập hơn nhiều so với chỉ học lý thuyết đơn thuần.

Giảng viên đồng thời có thể tổ chức làm đồ án nhóm, yêu cầu mỗi nhóm sử dụng đề bài được giao để thiết kế và lập trình một web hoàn chỉnh với các bước sau:

Bước 1: Yêu cầu chia nhóm với số lượng sinh viên từ 3 - 4 người.

Bước 2: Giảng viên giao đồ án cho mỗi nhóm kèm theo các yêu cầu cụ thể.

Bước 3: Các nhóm được giao tiến hành phân chia công việc cho các thành viên trong nhóm.

Bước 4: Giảng viên giải đáp thắc mắc và hướng dẫn sinh viên hoàn thành đồ án môn học.

Đẩy mạnh tính chủ động học tập của sinh viên

Để thành công trong đổi mới phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, điều quan trọng là sinh viên phải tăng cường tính chủ động trong học tập, chủ động tiếp thu những kiến thức được giảng dạy.

Đối với môn Lập trình web - môn học người học có thể thỏa sức thiết kế và xây dựng ý tưởng - giảng viên có thể áp dụng những bước sau:

Bước 1: Yêu cầu sinh viên tự thiết kế và xây dựng một website được giao.

Bước 2: Sinh viên phải báo cáo tiến độ công việc cho giảng viên vào địa chỉ mail cùng mã nguồn.

Bước 3: Giảng viên giải đáp thắc mắc, đánh giá những cái làm được và chưa được.

Khuyến khích sinh viên đặt ra những câu hỏi liên quan đến môn học. Vì sinh viên đã được giao tự thiết kế và xây dựng một website trước đó nên sẽ phát sinh những vướng mắc, câu hỏi trong quá trình tự học. Điều này sẽ khiến sinh viên tích cực hơn trong việc tự mình đặt ra câu hỏi và yêu cầu có được câu trả lời từ giảng viên.

Từ đó, bản thân sinh viên sẽ chủ động hơn trong quá trình tìm hiểu môn học vì cảm thấy kiến thức đang học thực sự cần thiết cho công việc tương lai.

Đánh giá kết quả qua kiểm tra, làm đồ án

Đối với kiểm tra, môn học Lập trình web, điểm kiểm tra chiếm trọng số 30%, giảng viên sẽ chia thành nhiều cột điểm, trong đó có những bài kiểm tra sau: Bài tập kiểm tra lần 1 (15%); bài tập kiểm tra 2 (15%).

Ngoài ra, trong quá trình học sẽ có hững điểm cộng cho những sinh viên trả lời tốt những câu hỏi mà giảng viên đưa ra.

Điều quan trọng ở kiểm tra và thi đó là nội dung phải gắn sát với môn học và phải đảm bảo được tính công bằng cho mỗi sinh viên.

Điểm đồ án của môn Lập trình web chiếm trọng số 60% và được tổ chức theo hình thức thuyết trình nên giảng viên sẽ chấm trực tiếp và thông báo điểm cho sinh viên ngay khi kết thúc.

Sinh viên có thể thắc mắc ngay tại chỗ về kết quả thi của bản thân và sẽ nhận được sự giải đáp trực tiếp từ giảng viên.


Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của giảng viên Phạm Văn Tiệp (Trường ĐH Đại Nam) tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top