Sự thật về những gì đã xảy ra với tin tức trên Facebook ở Úc

chauquocanh

Điều hành viên
#1
Tuần trước, Facebook đã tuyên bố dừng việc chia sẻ tin tức của người dùng trên nền tảng Facebook tại Úc - một động thái có thể khiến nhiều người cảm thấy đột ngột và bất ngờ. Vấn đề này hiện đã được giải quyết sau các cuộc thảo luận với Chính phủ Úc với mong muốn đạt được thỏa thuận mới với các cơ quan báo chí, và cho phép người dùng ở Úc chia sẻ các liên kết tin tức.

Vậy rốt cuộc điều gì đã xảy?

Theo quan điểm của Facebook, mấu chốt vấn đề ở đây là sự hiểu lầm cơ bản về mối quan hệ giữa Facebook và các cơ quan báo chí. Bản thân các cơ quan báo chí là người lựa chọn chia sẻ câu chuyện/tin tức của mình trên mạng xã hội, hoặc cho phép người dùng chia sẻ chúng, vì họ được hưởng lợi từ điều này. Đó là lý do tại sao các trang tin luôn có nút chia sẻ, khuyến khích độc giả chia sẻ tin tức.



Những lùm xùm giữa Facebook và Chính phủ Úc đã "hạ màn". (Ảnh minh họa)

"Nếu nhấp chuột vào một liên kết được chia sẻ trên Facebook, bạn sẽ được chuyển hướng đến trang web của tờ báo. Bằng cách này, năm ngoái, Facebook đã tạo ra khoảng 5,1 tỉ lượt “giới thiệu miễn phí” đến các cơ quan báo chí ở Úc, tương đương khoảng 407 triệu đô la Úc cho ngành công nghiệp tin tức của nước này", Nick Clegg - Phó Chủ tịch về các Vấn đề toàn cầu của Facebook cho biết.

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Facebook ăn cắp hoặc sử dụng báo chí nguyên bản vì lợi ích riêng. Ông Nick Clegg tuyên bố: "Đây là một khẳng định sai lầm".

"Chúng tôi bị yêu cầu trả giá rất cao cho những nội dung mà chúng tôi không lấy cắp và cũng không đòi hỏi. Thực tế, các liên kết tin là một phần nhỏ trong trải nghiệm mà hầu hết người dùng Facebook nào cũng có. Trong số 25 bài đăng trên News Feed, nhiều nhất chỉ có một bài chứa liên kết tới một tin tức, trong khi nhiều người dùng còn cho biết họ không muốn xem nhiều bài chia sẻ tin tức và nội dung chính trị", ông Nick Clegg nhấn mạnh.



Thẻ tin tức đã được Facebook bổ sung ở một số khu vực với việc trả tiền cho đơn vị báo chí, truyền thông để sử dụng nội dung.

Theo Nick Clegg, ông Tim Berners-Lee - người phát minh ra world wide web (www) đã cảnh báo đạo luật của Úc sẽ khiến internet “không còn tác dụng”. Ông cho rằng “việc yêu cầu trả tiền cho việc chia sẻ liên kết giữa một số nội dung trực tuyến có thể vi phạm nguyên tắc cơ bản của web”.

Tất nhiên, internet đã và đang gây xáo trộn cho ngành công nghiệp tin tức. Bất kỳ ai kết nối với internet đều có thể tạo một trang web hoặc viết một bài đăng, trong khi không phải ai cũng có thể bắt đầu một tờ báo. Khi quảng cáo bắt đầu chuyển từ báo in sang báo điện tử, phương thức kiếm tiền từ tin tức đã thay đổi và ngành công nghiệp này buộc phải thích ứng. Một số tờ báo đã chuyển đổi thành công sang thế giới trực tuyến trong khi một số khác vẫn phải vật lộn để thích nghi.

"Có thể hiểu được việc một số tập đoàn truyền thông coi Facebook như một nguồn tiền tiềm năng để bù đắp cho khoản lỗ của họ, song liệu điều này có đồng nghĩa với việc họ có quyền đòi hỏi một tờ séc trắng?", ông Nick Clegg đặt câu hỏi.

"Đây chính là điều mà pháp luật Úc đề xuất là sẽ thực hiện. Facebook đã có thể bị yêu cầu trả những khoản tiền, có thể là vô số cho các tập đoàn truyền thông đa quốc gia dựa trên một cơ chế quyết định cố tình mô tả sai mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí và Facebook. Thậm chí còn không hề có sự đảm bảo nào, rằng số tiền đó được dùng để trả cho báo chí, chưa kể các khoản hỗ trợ các hãng tin nhỏ", ông Nick Clegg cho biết thêm.

Để tuân thủ quy định này, Facebook có hai lựa chọn: Trợ cấp không giới hạn cho các tập đoàn truyền thông đa quốc gia hoặc loại bỏ liên kết tin tức ra khỏi nền tảng dịch vụ của mình ở Úc. Rất may là sau nhiều cuộc thảo luận, Chính phủ Úc đã đồng ý thay đổi, khuyến khích đàm phán công bằng mà không cần phải thực hiện các quyết định mạnh tay và khó lường.

"Chúng tôi hiểu rằng quyết định chặn chia sẻ tin tức ở Úc có tính bất ngờ. Nhưng rõ ràng, Facebook đã chỉ rõ việc mình có thể bị ép vào tình thế này cách đây 6 tháng. Chúng tôi phải thảo luận với Chính phủ Úc trong ba năm để cố gắng giải thích với họ rằng tại sao dự luật được đề xuất sẽ không thể thực hiện được nếu không sửa đổi", ông Nick Clegg giải thích.

"Đây là một quyết định khá quan trọng. Khi quyết định này xảy ra, chúng tôi phải hành động thật nhanh vì đó là điều cần thiết phải làm về mặt pháp lý trước khi luật mới có hiệu lực. Vì thế, chúng tôi thiên về việc thực thi quá mức dẫn tới một số nội dung đã vô tình bị chặn khi đó. Rất may là phần lớn đã được khắc phục nhanh chóng", ông nói thêm.
Nguồn: Dân Việt
 

Bình luận bằng Facebook

Chủ đề tương tự

Top