Sự thật bất ngờ hành trình tìm ra chất phóng xạ của Marie Curie

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Marie Curie (1867 - 1934) là một trong những nhà bác học tiên phong nghiên cứu về chất phóng xạ. Các thành tích trong nghiên cứu của bà đã ảnh hưởng rất nhiều tới các nhà vật lý nguyên tử sau này. Việc khám phá ra neutron của Sir James Chadwick và tính phóng xạ nhân tạo của Irène và Fréderic Jolio Curie đều bắt nguồn từ các công trình khảo cứu của bà Marie Curie.

Thuở niên thiếu khó khăn

Ngày 7/11/1867 tại Cracovie, một thị trấn nhỏ gần thủ đô Varsovie nước Ba Lan, một bé gái đáng yêu đã chào đời và được cha mẹ đặt tên là Maria Sklodowski. Maria là con gái út trong một gia đình có 5 người con và có cha mẹ đều là giáo viên. Từ nhỏ, Maria đã ưa thích việc đứng ngắm chiếc tủ đựng các dụng cụ khoa học của cha cô trong đó có bày rất nhiều thứ: nào các ống nghiệm, phong vũ biểu, cân tiểu ly, những cục đá địa chất…


Chân dung nhà khoa học Marie Curie.


Năm Maria lên 10 tuổi, người chị thân yêu và cũng là người bạn tâm sự của cô, chị Zosia, đã bị thiệt mạng vì mắc phải một bệnh truyền nhiễm do bị lây nhiễm từ các bạn cùng lớp. Ít lâu sau, mẹ cô sau nhiều năm bị vi trùng lao phổi tàn phá đã từ giã cõi đời, để lại cho người chồng gánh nặng nuôi dạy 4 đứa con thơ: một con trai Joseph và 3 con gái là Hela, Bronia và Maria, tất cả đều đang trong tuổi cắp sách đến trường.

Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng Maria được đánh giá là một bé gái sáng dạ và xuất sắc ở trường học. Maria luôn giữ vị trí đứng đầu ở trường trong những năm tháng đi học. Mặc dù vậy, những thành tích học tập có được không thể giúp Maria được nhận vào học ở Đại học Warsaw, ngôi trường chỉ dành cho nam sinh. Marie tiếp tục sự nghiệp học hành ở một "trường đại học chui" có các lớp bí mật dưới lòng đất.

Maria và chị gái Bronia đều có ước mơ du học và có một tấm bằng đại học chính thức, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, Maria đành tạm gác giấc mơ du học lại. Trong 6 năm, cô đi làm gia sư, giáo viên dạy trẻ, kiếm tiền trang trải chi phí cho cuộc sống. Thời gian rảnh, cô vẫn thường nghiên cứu và đọc các cuốn sách liên quan đến toán học, vật lý hay hóa học.

Năm 1884, chị Bronia sang Pháp theo học tại Đại học Sorbonne. Trong khi đó, Maria vẫn tiếp tục công việc gia sư của mình tại Ba Lan.

Hành trình du học của cô gái Ba Lan

Sau hơn 6 năm trời sống với công việc “gõ đầu trẻ”, đến năm 1891, Maria quyết định viết thư cho chị Bronia, xin chị giúp đỡ nàng sang Pháp du học.
Khi sống tại Pháp, để cho tên mình dễ đọc, Maria đã "phiên âm" tên mình sang tiếng Pháp thành Marie: Marie Sklodowski.

Sau khi sang Pháp, cô chọn theo học môn Khoa Học thuần túy. Trong những buổi đầu gặp khó khăn về ngôn ngữ, Marie đã nhận được sự hướng dẫn của một giáo sư trẻ tuổi, có tài: Giáo sư Paul Appell. Ngoài ra, cô còn được học hỏi với các Giáo sư Gabriel Lippmann và Edmond Bouty. Marie cũng gặp gỡ các nhà vật lý lừng danh thời bấy giờ như Jean Perrin, Charles Maurain và Aimé Cotton…

Sau ba năm miệt mài học tập, Marie đã được cấp bằng Thạc sĩ Vật lý và đến năm thứ tư được cấp tiếp bằng Thạc sĩ Số học. Ngoài ra, Marie còn nói, viết thành thạo các thứ tiếng: Pháp, Nga, Anh, Đức và quyết tâm làm luận án Tiến sĩ Vật lý.

Tiền học phí đại học của Marie chủ yếu nhờ vào số tiền đã dành dụm được trong 6 năm làm gia sư. Cô không có tiền và cũng không có thời gian, có khi mấy tuần liền chỉ ăn bánh mì với nước trà, thỉnh thoảng mới được ăn một vài quả trứng, một thỏi socola hay một trái táo. Sinh hoạt kham khổ khiến Marie bị bệnh thiếu máu, hay bị ngất. Cô cũng không có thì giờ để tính chuyện yêu đương và hôn nhân. Cũng một phần do Marie đã chịu tổn thương sâu sắc từ mối tình đầu khi còn làm gia sư với con trai của chủ nhà, khiến cô không còn niềm tin vào tình yêu.

Nhưng như một sự bù đắp dành cho cô gái trẻ, cuộc đời đã mang đến cho cô một người đàn ông giỏi giang, tâm đầu ý hợp.

Năm 1893, nhờ sự giới thiệu của bà Dydynska cũng là người Ba Lan, Marie xin được học bổng Alexandrowitch để học về ngành luyện sắt và thép. Nàng được giới thiệu làm việc với một vị giáo sư trẻ tuổi, đang khảo cứu về hiện tượng từ tính của các chất gang thép: giáo sư Pierre Curie.


Pierre Curie sinh ngày 19/4/1859 tại Paris, là con thứ hai trong gia đình có cha là bác sĩ Eugène Curie. Năm 16 tuổi, Pierre đã đậu bằng trung học và năm 18 tuổi lại đậu Cử Nhân Khoa Học, rồi được chấp nhận làm Giảng Nghiệm Viên tại Trường Đại Học Paris vào năm 1878.

Mùa xuân năm 1894, trong thời gian nghiên cứu về hiện tượng điện từ của các chất gang thép, Pierre Curie đã gặp Marie Sklodowski đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi mới gặp nàng, Pierre đã thấy có cảm tình và kính trọng người thiếu nữ tài ba này. Lúc đó Pierre đã 35 tuổi, chàng vẫn sống độc thân vì còn mải mê nghiên cứu.


Marie Curie và chồng

10 tháng sau khi gặp nhau, Marie nhận lời thành hôn với Pierre. Hôn lễ tiến hành rất đơn giản vào ngày 25/7/1895. Không nhẫn cưới, không tiệc cưới, cũng không có nghi thức tôn giáo nào diễn ra. Họ hạnh phúc cùng nhau đạp xe đến một vùng quê và hưởng tuần trăng mật tại đây.

Vào tháng 7 năm 1897, Marie sinh hạ được cô con gái đầu lòng, đặt tên là Irène, cũng trùng với khoảng thời gian bà chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ. Bà đã chọn hiện tượng phóng xạ của nguyên tố Urani làm đề tài nghiên cứu.


Vợ chồng nhà bác học cùng cô con gái Irène

Thành công tìm ra chất phóng xạ mới và nhận hai giải Nobel danh giá

Khởi đầu, bà Curie tìm ra hai chất phóng xạ khác nhau, chất đầu tiên được bà đặt tên là "Polonium" để tưởng nhớ quê hương Ba Lan thân yêu của bà, chất thứ hai được gọi bằng tên "Radium", khám phá ra vài tháng sau đó. Vì tinh luyện Radium từ quặng Pechblend rất vất vả và tốn kém, hai vợ chồng Curie quyết tâm tìm cách sáng chế.

Trong 4 năm trời từ 1898 tới 1902, sau khi gạn lọc 8 tấn pechblend, hai nhà bác học đã tìm ra được 1 gam Radium nguyên chất. Đây là gam Radium đầu tiên của thế giới và trị giá của nó lên tới 750 ngàn quan tiền vàng. Radium quả là một chất kim đắt giá nhất. Từ nay chất Radium đã chính thức được ông bà Curie "khai sinh", phân tử khối của nó là 225.


Marie Curie cùng chồng đã dành nhiều năm tháng và công sức để tìm ra chất Radium.

Với thành công này, năm 1903. Viện Khoa học Hoàng gia London trao tặng hai ông bà Huy chương Devy và một tháng sau Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao tặng hai người giải thưởng Nobel Vật lý. Trường đại học Paris phong tặng bà Marie Curie danh hiệu Tiến sĩ khoa học Vật lý xuất sắc. Marie Curie đi vào lịch sử khoa học thế giới vào năm 1903 khi trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel lĩnh vực vật lý. Một năm sau đó, học có cô con gái thứ hai.

Sau thành công vang dội với việc tìm ra Radium, năm 1904, Pierre được Viện Trưởng Đại Học Sorbonne bổ nhiệm làm Giáo Sư Vật Lý. Trường cũng chấp nhận cho nữ bác học Curie làm trưởng phòng Vật Lý, dưới quyền chồng và lại cho thêm hai nhân viên phụ tá.

Năm 1906, một tai họa đã đột ngột giáng xuống cuộc đời của Marie Curie. Trên đường tới Viện Hàn lâm khoa học, Pierre bị tai nạn giao thông và qua đời. Để ghi nhớ nhà bác học vĩ đại Pierre Curie, ngày 13 tháng 5 năm 1906, trường Đại Học Sorbonne đặc cách mời bà Curie thay chồng trong chức vụ giảng dạy. Bà Marie Curie là nữ giáo sư đầu tiên của Trường Đại Học Sorbonne, Paris.

Vào năm 1908, bà cho xuất bản cuốn sách có nhan đề "Các Công Trình của Pierre Curie". Năm 1910, tác phẩm "Khảo cứu về tính phóng xạ" (Traité de Radioactivité) dày 960 trang của Marie Curie đã trở thành công trình chứa đựng những kiến thức khoa học mới mẻ nhất của thời kỳ đó về ngành khoa học phóng xạ.
Với nghị lực phi thường, vừa phải một mình nuôi hai con nhỏ, vừa đảm đương công việc dạy học và nghiên cứu khoa học, năm 1911 Marie Curie lại một lần nữa nhận giải Nobel Hóa học. Chính phủ Pháp quyết định tặng bà Huân chương Bắc đẩu bội tinh.


Marie một mình nuôi nấng hai con gái và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu.

Tháng 7 năm 1914, Viện Radium Paris được xây dựng xong tại đường Pierre Curie. Đây chính là "Lâu Đài của Tương Lai", nơi mà trước kia ông Pierre Curie đã hằng mong ước được sống tại đó để nghiên cứu, tìm tòi, và giờ đây, bà Marie tiếp tục ước nguyện của chồng. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Marie Curie cùng con gái là Iren đã ra sức ứng dụng tia Radi để cứu người.

Chiến tranh đã làm cho công cuộc khảo cứu của bà bị gián đoạn và sức khỏe của bà bị suy giảm đáng kể.

Vào tháng 5 năm 1920, bà Marie Curie tiếp nữ phóng viên William Brown Meloney. Trong câu chuyện, bà Curie cho biết đang cần có một gam Radium để tiếp tục công cuộc khảo cứu mà thứ kim chất đó lại quá đắt tiền. Năm 1921, Marie Curie trên cương vị Giám đốc Viện Radium Paris cùng con gái là Iren sang thăm nước Mỹ. Tổng thống Mỹ đã tặng bà một gram Radi. Bà đã đề nghị ghi rõ trong chứng thư rằng đó là món quà tặng bà để tiến hành nghiên cứu khoa học chứ không phải để làm tài sản riêng.

Năm 1922, bà được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp. Cùng năm này, Ủy ban Quốc tế hợp tác tri thức của Hội Quốc liên tại Geneve bầu bà làm Phó chủ tịch của tổ chức.

Ngày 14 tháng 7 năm 1934, Marie Curie qua đời. Các bác sĩ cho biết, bà bị trúng độc Radium. Bà Marie Curie đã chết vì bệnh hoại huyết (leukemia) do chính các tia phóng xạ từ chất Radium phát ra.
Thi hài của bà được mai táng tại ngoại ô Paris, bên cạnh Pie Curie. Bà đã cống hiến cả cuộc đời mình cho khoa học.

Bà Marie Curie là nhà nữ bác học lừng danh đầu tiên của thế giới khoa học. Bà đã đi tiên phong trong công cuộc khảo cứu chất phóng xạ. Tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ, con gái của bà là Irène Joliot-Curie từng nhận giải Nobel về hóa học vào năm 1935.

Ngày nay, nhiều viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục, trung tâm y tế trên thế giới được đặt theo tên của Marie Curie để tưởng nhớ những đóng góp vĩ đại của bà cho nền khoa học thế giới.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top