Sự "ra quân" của 5 "hiệp sĩ sơn mài!"

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
1. Tại sao lại là “Đa giác”? 5 họa sỹ tham gia triển lãm này tự bạch rằng: “Đa giác là một đường gấp khúc khép kín; gồm những đoạn thẳng nối tiếp nhau cùng nằm trên một mặt phẳng, và chúng tạo nên mỗi cạnh của Đa giác. Đó là trong hình học. Ranh giới trong nghệ thuật đôi khi cũng nằm trong quy luật đó. Sự liên kết giữa các “cạnh” tạo thành một “sân chơi” cho các họa sỹ. Vì thế mà triển lãm “Đa giác” được hình thành bởi 5 cạnh là nhóm 5 họa sỹ. Họ mong muốn có sự biến chuyển trong chất liệu và cách thể hiện, tạo thành 5 phong cách khác nhau, trên cái nền chung của Đa giác là chất liệu sơn mài.


Tranh của nguyễn Trần Cường
Người lớn tuổi nhất trong nhóm, họa sĩ Đồng Huy Biên tham gia 4 bức. Tiếp theo là họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương (sn 1975) với 5 bức sơn mài trừu tượng. Họa sĩ Nguyễn Thu Nguyệt (sn 1978) góp mặt với 5 bức. Họa sĩ Nguyễn Trần Cường (sn 1979) gửi nhiều nhất 10 bức và cuối cùng là họa sĩ trẻ nhất nhóm Vũ Đức Trung (sn 1981) với 6 tác phẩm.Ngoại trừ Đồng Huy Biên tốt nghiệp ĐHMT Hà Nội, 4 họa sĩ còn lại cùng có điểm chung là tốt nghiệp ĐHMT Công nghiệp, và đều từng được rèn nghề sơn mài qua xưởng vẽ của hai vợ chồng họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa.

2. Mỗi một tác giả chính là một cạnh của cái đa giác nghệ thuật sơn mài đó. Hai "cạnh" của Đa giác: Nguyễn Ngọc Phương và Vũ Đức Trung (Trung từng đoạt giải nhất cuộc thi Ánh Mắt Trẻ năm 2005) xoáy vào vẻ đẹp trừu tượng của sơn mài, mỗi người một kiểu. Trong khi Phương tạo ra những cấu trúc nét và hình chạy ngang kẻ ô đan lưới để tả độ rỗng - đặc của bề mặt vóc đối chọi với nét vẽ, thì Trung chú ý tạo ra một bề mặt nhiều vệt dọc ấm mắt, gây cảm giác như ta nheo mắt nhìn vào một cánh rừng tối. Trước các bức sơn mài trừu tượng này, người xem tha hồ mà thỏa mãn trí tưởng tượng của mình...


Tranh của Nguyễn Thu Nguyệt
Hai "cạnh" Đồng Huy Biên và Nguyễn Trần Cường (Cường từng đoạt giải cuộc thi Phillip Morris tại Việt Nam năm 2003) đều là tranh biểu hiện - trừu tượng, vẽ có hình cụ thể. Đồng Huy Biên vẽ một vài hình nude và hình người ngồi cô đơn trên một bề mặt nhiều mầu xanh tối. Nguyễn Trần Cường thành công với một loạt tranh 12 con giáp ngộ nghĩnh và một số bức vẽ theo lối vẽ "ngây thơ" nét vẽ như của trẻ em, lấy sự va đập của các mảng miếng mầu để gây nên sức hút thị giác.

"Cạnh" cuối cùng, họa sĩ nữ duy nhất trong nhóm Nguyễn Thu Nguyệt thì chung thủy với đề tài Sen mà chị theo đuổi nhiều năm nay. Lạ thay, vẽ sen nhưng chị rất ít vẽ hoa mà hay vẽ cấu trúc lá và đài sen. Những bức tranh sen của chị không còn là sự vẽ điều trông thấy. Vẻ đẹp mềm mại kín đáo nhiều "tâm sự" của những sắc xanh cổ vịt và son ấm chạy trên "cấu trúc mạng" lá vài đài sen triền miên, cộng với kỹ thuật sơn mài khá vững tay tạo nên một vẻ độc đáo riêng của Nguyệt.
3. Theo đuổi nghệ thuật sơn mài là một sự vất vả, nhất là sơn ta với những kỹ thuật và sắc mầu truyền thống thực hiện vừa lâu, vừa cần công phu sức lực, lại đắt. Tuy ta vẫn nêu cao rằng mài là "quốc họa", cùng với rối nước, nó là "quốc túy" trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, độc đáo có một không hai trên thế giới, nhưng quả thực là đất sống cho nó càng ngày càng hẹp. Chỉ có hơn một năm mà giá cả vóc, vàng bạc, sơn, son... đều tăng gần gấp đôi. Người vẽ sơn mài vừa máy động "ý tưởng sáng tác" là phải chuẩn bị tiền triệu ngay tức khắc. So với tranh sơn dầu chẳng hạn, dù vẽ toàn vật liệu "xịn" của Anh, Đức thì giá nguyên liệu bao giờ cũng chỉ bằng một nửa sơn mài. Một vài họa sĩ thị trường tiếng tăm đã chuyển sang làm sơn Nhật từ lâu, vừa nhanh, vừa rẻ lại dễ bán...
Trong bối cảnh đó, thì máu me "lao" vào sơn mài để góp phần giữ "quốc hồn" cho hội họa Việt như các họa sĩ trẻ kể trên thật là dũng cảm, một sự hết mình đầu tiên với nghệ thuật, tuy họ không tuyên ngôn ra điều đó. Ngày xưa, thời trung cổ châu Âu mỗi một hiệp sĩ, một thanh gươm và sự "phụng sự quên mình" tạo nên một góc của chiến bàn tròn nổi tiếng và họ được gọi là Hiệp sĩ Bàn Tròn. Liên tưởng tới họ, cho nên tôi gọi vui những họa sĩ, các "cạnh" của Đa giác khép kín này là những "hiệp sĩ sơn mài".
 

Bình luận bằng Facebook

Top